Hội - Câu lạc bộ

Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM: Doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị, và phát triển thịnh vượng

Tâm An 10/02/2024 11:00

Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), năm 2024, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, với niềm tin và sự sát cánh của các thành viên Ban chấp hành SACA, các doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị, và phát triển thịnh vượng.

ok-cover-desktop-dhky.jpg

Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), năm 2024, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, với niềm tin và sự sát cánh của các thành viên Ban chấp hành SACA, các doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị, và phát triển thịnh vượng.

* Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, nhìn lại năm 2023, ông đánh giá đâu là hoạt động nổi bật của SACA?

- Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thách thức. Ban chấp hành, Ban điều hành SACA luôn nỗ lực không ngừng để ngày càng phát triển bền vững. Đến nay, Hiệp hội đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra từ đầu năm 2023 về tất cả các mặt.

Trong đó, các chương trình Ngày hội kinh doanh SACA- SBD được coi là hoạt động nổi bật của SACA trong năm qua. Chúng tôi đã tổ chức thành công 2 chương trình ngày hội kinh doanh. Đó là chương trình Tân niên và Ngày hội kinh doanh kết nối tổ chức vào tháng 3/2023, thu hút hơn 300 hội viên và khách đăng ký tham kết nối, với 40 bàn trưng bày của hội viên.

Cũng trong tháng 5/2023, chúng tôi đã tổ chức thành công chương trình Ngày hội kinh doanh SACA - SBD nhân kỷ niệm 32 năm ngày thành lập. Chương trình có sự tham gia thuyết trình sản phẩm, dịch vụ, công nghệ xây dựng đến từ 8 thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế, 100 gian hàng trưng bày, hơn 300 hội viên và khách mời tham gia.

72dpi-dhky-1.jpg

Năm qua, chúng tôi cũng phối hợp tổ chức thành công 3 chương trình Hội thảo - Tọa đàm. Cụ thể, SACA đã phối hợp với Liên minh Phát triển Đô thị Thông minh Việt Nam (VSCC) tổ chức Hội nghị Giải pháp tương lai cho đô thị thông minh; Tổ chức chương trình “Tea & ConXtech” với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng”, và Tọa đàm Giới thiệu dự án hợp tác giữa các đô thị, các dự án theo mô hình JCM Nhật Bản, nhằm thúc đẩy trung hòa Carbon trên cơ sở chính sách biến đổi khí hậu tại TP.HCM và TP.Thủ Đức.

* Được biết, chương trình Cà phê SACA rất thu hút hội viên, nhưng sẽ chính thức khép lại trong năm 2024?

- Cà phê SACA là chương trình nằm trong kế hoạch hoạt động của SACA, với mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm giá trị cho các doanh nghiệp hội viên, góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và SACA nói riêng, phát triển bền vững, hòa nhập vào xu thế chung của thị trường. Tham gia chương trình, ngoài việc được lắng nghe những chia sẻ từ các diễn giả, các doanh nghiệp, các doanh nhân cũng có cơ hội được giao lưu, tiếp xúc cũng như thẳng thắn trải lòng về những khúc mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Hơn 4 năm hoạt động, chúng tôi muốn có sự thay đổi, tạo ra sự kết nối, gắn kết hơn nữa với các doanh nghiệp hội viên nên quyết định khép lại chương trình Cà phê SACA để mở mở ra một hành trình mới mang tên SACA CONNECT.

chu-le-1-dhky.jpg

* Phát triển bền vững là một trong những điều mà SACA quan tâm. Theo ông, các doanh nghiệp đang gặp phải thách thức gì trong việc hướng tới phát triển bền vững?

- Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc COP26 diễn ra vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp. TP.HCM là đầu tàu kinh tế của các nước, Thành phố cần tiên phong tham gia vào quá trình đưa nền kinh tế quốc gia phát triển bền vững và đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết tới 2050.

Theo đó, ba thách thức đặt ra với Thành phố bao gồm:

Một là, thực hiện hóa các cam kết tại COP26 đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa các mục tiêu trên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Hai là, đại dịch Covid-19 cũng đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Các quốc gia phát triển đang hướng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, khuyến khích đổi mới, khuyến khích các ngành công nghiệp “xanh”.

Ba là, các chuỗi cung ứng toàn cầu khi làm việc với các nhà cung cấp từ Việt Nam đã đưa ra yêu cầu về việc cung cấp “sản phẩm bền vững”. Các doanh nghiệp tại Thành phố cần làm ra những sản phẩm phù hợp với kinh tế tuần hoàn, có khả năng tái sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu. Nếu không thích ứng với những xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp Việt chỉ phát triển được trong ngắn hạn, sau đó sẽ đi vào ngõ cụt, bị tẩy chay và mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

72dpi-canada-35-.jpg

* Để giải quyết được những thách thức đó, theo ông, thành phố cần làm gì?

- UBND TP.HCM cần có chiến lược chung để đưa TP.HCM cùng cả nước hướng tới mô hình “nền kinh tế tuần hoàn”. TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế nếu chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống và vận hành theo cách làm cũ. Những lĩnh vực này hầu hết đã hết dư địa.

Do đó, Thành phố cần tập trung vào kinh tế tuần hoàn, đô thị thông minh và phát triển công nghệ cao. Cần phát triển ngành công nghiệp nền tảng, tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao như: công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn… có như vậy mới đảm bảo Thành phố phát triển bền vững với vị thế người dẫn đầu.

chu-le-2-dhky.jpg

* Năm 2024 đã đến, ông nghĩ gì về ngành xây dựng trong năm nay?

- Năm 2024, ngành xây dựng Việt Nam nói chung và ngành xây dựng TP.HCM nói riêng sẽ đứng trước nhiều thách thức. Để vượt qua những thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, khi các dự án bất động sản nằm trong bối cảnh suy thoái chung của toàn cầu sẽ ảnh hường đến các các doanh nghiệp xây dựng ở Việt Nam và các doanh nghiệp TP.HCM, cũng như các doanh nghiệp hội viên SACA. Chúng tôi xác định rằng các hoạt động của SACA cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ hội viên vượt qua thách thức trong năm 2024.

72dpi-dhky-2.jpg

* Vậy ông có thể chia sẻ chiến lược cụ thể của SACA trong năm 2024, để đồng hành cùng hội viên vượt qua thách thức?

- Tôi cho rằng, có 5 chiến lược cụ thể mà SACA sẽ tập trung hành động trong năm 2024 để đồng hành cùng hội viên vượt qua thách thức, đồng thời tạo ra nhiều giá trị, và phát triển thịnh vượng, đó là:

Thứ nhất, gia tăng kết nối. Năm 2024, SACA sẽ hướng hội viên tham gia sự kiện mang tính chất đặc trưng riêng như SACA CONNECT, ngày hội kinh doanh mở, các diễn đàn trong và ngoài nước. Mục đích chính của các hoạt động này là làm sao để gia tăng kết nối, liên kết các hội viên.

Thứ hai, chia sẻ tài nguyên, chia sẻ thông tin, chia sẻ nguồn lực, chia sẻ thị trường. Chúng tôi xác định SACA sẽ cùng chia sẻ để từ đó các hội viên sẽ kết nối với nhau, cùng nhau tham gia thị trường.

Thứ ba, cùng nhau tạo giá trị. Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình đặc trưng của Saca, mang dấu ấn SACA như: Diễn đàn bền vững được tổ chức thường niên. Dự kiến trong năm 2024 chúng tôi sẽ tổ chức tại TP.HCM. Năm 2025 tổ chức tại Hà Nội và năm 2026 sẽ tổ chức tại Đà Nẵng.

Mục tiêu của chúng tôi làm sao hướng hội viên SACA có những nhận thức về phát triển bền vững cho doanh nghiệp của mình. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các chương trình tạo giá trị như chương trình Học bổng SACA. Chúng tôi sẽ dùng nguồn lực của SACA để hỗ trợ các sinh viên trong ngành kiến trúc, xây dựng, giúp các em chuẩn bị ra trường và sẵn sàng tham gia hệ sinh thái của SACA.

Thứ tư, định hướng phát triển lâu dài. Chúng tôi định hướng không chỉ giúp các doanh nghiệp SACA vượt qua khó khăn mà còn xác định định hướng lâu dài thông qua tổ chức các chương trình hội thảo, kết nối, đặc biệt là kết nối với các tổ chức nước ngoài để giúp các doanh nghiệp trong ngành nhận định được các định hướng tương lai của thế giới và phát triển bền vững.

Thứ năm, SACA phải có tiếng nói trong ngành. Chúng tôi xác định làm sao hoạt động của SACA phải truyền đạt được nguyện vọng, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp hội viên, đề xuất các ý kiến phản biện, phải làm sao để tiếng nói của các doanh nghiệp SACA phải đến được các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các hội nghị trung ương và thành phố, của bộ xây dựng, của sở xây dựng, các diễn đàn trong và ngoài nước, làm sao để các tiếng nói đó phải thực sự có giá trị.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Tâm An. Thiết kế: Ngọc Hoa.

Tâm An