Hội - Câu lạc bộ

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM: SACA đặt mục tiêu chinh phục thị trường thế giới

Tâm An 10/02/2024 10:30

Với mục tiêu đưa các hoạt động của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) lên tầm vóc quốc tế, tiếp cận được các xu hướng thời đại, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch SACA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định: “Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng Việt Nam trong năm 2024 hoàn toàn có thể vươn ra “biển lớn”, chinh phục thị trường thế giới.

ok-cover-desktop-lvhai.png

Với mục tiêu đưa các hoạt động của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) lên tầm vóc quốc tế, tiếp cận được các xu hướng thời đại, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch SACA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định: “Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng Việt Nam trong năm 2024 hoàn toàn có thể vươn ra “biển lớn”, chinh phục thị trường thế giới.

lvhai-day-phim2(1).png

* Năm 2023 vừa qua, SACA đã hoàn thành 100% kế hoạch đề ra, ông đánh giá thế nào về kết quả này?

- Tôi rất vui và tự hào vì thành tích của SACA trong một năm kinh tế đầy khó khăn. Năm qua, các ban chuyên trách đã hoạt động tốt, từng ban đều có nhiều hoạt động thu hút hội viên tham gia, mang lại kết quả thiết thực cho các thành viên. Vì thế, SACA đã kết nạp được gần 100 hội viên mới. Công tác truyền thông của SACA cũng làm rất tốt, SACA có bản tin nội bộ với nhiều nội dung hữu ích, ngày càng nhiều người truy cập. Các Hội viên SACA đoàn kết, tâm huyết, cùng phấn đấu vì “màu cờ sắc áo” của SACA.

Để đạt được thành công đó là nhờ sự đóng góp của Ban thường trực, đặc biệt là phía Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký SACA Đinh Hồng Kỳ đã đưa ra nhiều sáng kiến và triển khai hiệu quả. Trong đó, điều quan trọng là chúng tôi đã lựa chọn được những trưởng ban phù hợp, phát huy được sở trường, đóng góp tốt cho các hoạt động của SACA.

02-lvhai(1).png

* Năm 2024, SACA sẽ có những biện pháp gì để phát huy hơn nữa thành tích đã đạt được, thưa ông?

- Mong muốn trong năm tới của chúng tôi là đưa các hoạt động của SACA lên tầm vóc quốc tế, tiếp cận được các xu hướng thời đại. Muốn vậy, Ban lãnh đạo SACA phải kịp thời nắm bắt, phổ biến cho hội viên những gì quan trọng, cần thiết. Đồng thời, SACA phải tích cực tìm những đơn vị tư vấn, đối tác phù hợp để triển khai kế hoạch kinh doanh.

Sự hợp tác không chỉ đến từ các doanh nghiệp hội viên, giữa các hiệp hội ngành nghề mà còn là giữa các tổ chức nhà nước có liên quan nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Ngoài việc tiếp nối các hoạt động kết nối kinh doanh trong năm 2023, năm 2024, SACA đặt mục tiêu vươn ra thị trường nước ngoài. Điều này không chỉ đơn thuần để mở rộng hoạt động kinh doanh mà hơn hết đó là giúp các doanh nghiệp trong ngành nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đó, các doanh nghiệp phải đổi mới toàn diện, có tư duy toàn cầu, theo đuổi công nghệ cũng như tổ chức quản lý doanh nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao của nước ngoài.

03-lvhai(1).png

* Như ông vừa chia sẻ về mục tiêu vươn ra thị trường nước ngoài, vậy đó là thị trường nào, thưa ông?

- Tôi đã ấp ủ từ lâu khát vọng vươn ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, trong 4 năm Covid-19 và giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua, ngành xây dựng đẵ bị lỡ nhịp, chưa thể thực hiện mục tiêu. Trong năm con Rồng này, các doanh nghiệp trong ngành từ tổng thầu, nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế đều có quyết tâm thay đổi để chinh phục thị trường quốc tế.

Hiện châu Phi đang là thị trường tiềm năng của ngành xây dựng Việt Nam. Châu Phi tiềm năng có 800 triệu lao động bổ sung vào thị trường này trong 3 thập kỷ tới. Đây là một lực lượng lao động rất lớn và nhu cầu xây dựng để phục vụ đối tượng này chính là cơ hội để thâm nhập và phát triển tại thị trường này.

Hiện có nhiều loại vật liệu xây dựng Việt Nam xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Đó là một lợi thế rất quan trọng trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường mới.

lvhai-chu-le-1(1).png

* Khi vươn ra thị trường thế giới, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt là gì, thưa ông?

- Trở ngại lớn với doanh nghiệp Việt khi tham gia thị trường xây dựng nước ngoài đặc biệt tại những nước đã phát triển như: Úc, Mỹ, Nhật, Hàn, Canada, châu Âu… không phải là sự cạnh tranh về giá, mà là những khó khăn về hàng rào kỹ thuật và pháp lý trong việc nhập khẩu nguồn nhân lực, vật liệu xây dựng, máy móc - thiết bị thi công...

Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề xuất khẩu lao động. Để giải quyết vấn đề này, Hòa Bình sẽ hợp tác với những nhà quản lý chuyên nghiệp để thành lập công ty chuyên về xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Công ty này sẽ đảm trách việc cung ứng lao động cho chiến lược phát triển thị trường ở nước ngoài của Hòa Bình.

04-lvhai(1).png

* Được biết, ‘trình độ’ xây dựng ở châu Phi còn ở giai đoạn sơ khai. Theo ông, đó có phải là một điều mà các công ty xây dựng của SACA nên tận dụng để tiến sâu vào thị trường này không?

- Hiện chỉ có khoảng 10% công trình cao tầng đang xây dựng ở châu Phi có cẩu tháp, vận thăng, giàn giáo thép và áp dụng công nghệ xây dựng tương đối hiện đại, đa phần còn lại họ dùng những phương tiện thô sơ, còn rất lạc hậu.

Ngoài ra, châu Phi còn thiếu trầm trọng nguồn nhân lực được đào tạo để theo kịp sự phát triển của thế giới, thiếu chiến lược tích lũy vốn đầu tư máy móc thiết bị thi công, thiếu công nghệ kỹ thuật, thiếu hệ thống quản lý dự án xây dựng, thiếu cả hệ thống quản lý doanh nghiệp tiên tiến.

Đó chính là điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể thâm nhập và phát triển.

lvhai-day-phim1(1).png

*Nhiều chuyên gia cho rằng, sự khác biệt văn hóa cũng là một rào cản để các doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường thế giới?

- Những năm qua, Việt Nam luôn tạo dấu ấn tốt với châu Phi. Người châu Phi luôn yêu mến và coi Việt Nam là tấm gương trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đó chính là giá trị quan trọng giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến sâu ở thị trường châu Phi.

05-lvhai(1).png

*Theo ông, liệu chúng ta có bị cạnh tranh với các đối thủ đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu vốn đã tìm hiểu thị trường này không?

- Trước Việt Nam, các nhà thầu xây dựng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã đến châu Phi, nhưng họ luôn giữ bí quyết công nghệ chứ không chuyển giao cho doanh nghiệp và đào tạo, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật cho người địa phương.

lvhai-chu-le-2(1).png

Chúng tôi dự kiến không chỉ giúp họ xây dựng những công trình mà còn chuyển giao bí quyết công nghệ. Mong muốn của chúng tôi là giúp cho lục địa này đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực xây dựng, mang đến hòa bình, ấm no cho người dân nơi đây.

* Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ngành xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM sẽ chinh phục thành công mục tiêu vươn ra thị trường thế giới trong năm Giáp Thìn!

Nội dung: Tâm An. Thiết kế: Ngọc Hoa.

Tâm An