Kinh doanh

Chỉ số PMI của ngành sản xuất Việt Nam đạt trên 50 điểm trong tháng 1/2024

Thanh An 02/02/2024 17:00

Theo báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 1/2024 do S&P Global công bố vào sáng 1/2, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12.

Báo cáo cũng ghi nhận ngành sản xuất Việt Nam có 3 điểm nhấn nổi bật, đó là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại; giá bán hàng giảm mặc dù chi phí đầu vào tăng đáng kể; chậm trễ trong khâu vận chuyển làm cho thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài.

Điều này cho thấy, sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam đã cải thiện sau 5 tháng dù chậm. Các nhà sản xuất cũng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, khi nhu số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Tuy nhiên, việc làm và hoạt động mua hàng giảm nhẹ và niềm tin kinh doanh có giảm hơn so với trước đây.

san-xuat-cong-nghiep-viet-nam.jpg
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam được ghi nhận đã tăng lên mức 50,3 điểm trong tháng 1/2024, cho thấy sự hồi phục ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Đây cũng là lần đầu tiên ngành sản xuất ghi nhận tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng kể từ tháng 10/2023. Điều này cho thấy nhu cầu hồi phục ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, các công ty đã có điều kiện để tăng sản lượng và kết thúc thời kỳ giảm sản lượng kéo dài bốn tháng. Mặc dù mức tăng tuy nhỏ nhưng cũng là mức tăng đáng kể nhất từ tháng 9/2022 và tập trung ở các nhà sản xuất hàng hóa trung gian.

Với mức tăng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều là nhẹ, các công ty đã duy trì số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng gần như không thay đổi vào tháng đầu năm 2024.

Cùng với đó, số lượng hàng tồn kho sau sản xuất đã giảm trong tháng 1/2024. Mức giảm này khá lớn và mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Song vấn đề về sự chậm trễ trong khâu chuyển hàng và những vấn đề của ngành vận tải lại góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 1, dẫn đến sự suy giảm hiệu suất hoạt động của người bán hàng đầu tiên trong hơn một năm. Tuy nhiên, mức độ kéo dài thời gian giao hàng chỉ là nhẹ.

Ngoài ra, những vấn đề về vận tải gây chậm giao hàng cũng khiến chi phí chuyển hàng tăng vào đầu năm, từ đó làm giá cả đầu vào tiếp tục tăng đáng kể. Các công ty cũng báo cáo chi phí nhiên liệu và đường tăng.

Với mong muốn kích cầu mua sắm, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn đang hạ giá bán hàng mặc dù chi phí đầu vào tiếp tục tăng. Điều này đã kết thúc thời kỳ tăng giá kéo dài trong 5 tháng qua.

Trước những kết quả từ báo cáo, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - ông Andrew Harker nhận định, đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi chứng kiến những bước cải thiện tích cực của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng.

Tuy nhiên, các mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và không đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng. Lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng do công suất hoạt động của ngành không tăng.

Thanh An