Thời sự

Tiềm năng thu hút đầu tư công nghệ cao của TP.HCM

PV 08/02/2024 09:00

UBND TP.HCM vừa ban hành danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư tăng trưởng xanh. Trong đó có những dự án liên quan tới công nghệ tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, như nghiên cứu, sản xuất vi mạch, chất bán dẫn, chip máy tính và trung tâm dữ liệu (data center). Riêng dự án data center có diện tích khoảng 3ha với số vốn gần 7.000 tỷ đồng.

7567567.jpg

Để tìm hiểu thêm về những dự án nói trên, Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn - chuyên gia phân tích của Công ty VIAEXPO.

* Theo ông, lĩnh vực công nghệ cao nào TP.HCM có tiềm năng thu hút đầu tư nhiều nhất?

- TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn nhất cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào và môi trường đầu tư đang được cải thiện, TP.HCM có tiềm năng thu hút đầu tư công nghệ cao ở nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất là công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là khối ngành có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất. TP.HCM có lợi thế lớn, do là trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu cả nước, với nhiều công ty công nghệ thông tin nội địa lẫn quốc tế đang hoạt động. Tất cả dễ dàng kết nối với nhau. TP.HCM cũng có nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Thứ hai là các ngành sản xuất cần nhiều chất xám, như sản xuất hàng điện tử, viễn thông, điện thoại di động, chất bán dẫn, ô tô, máy móc... Lợi thế là TP.HCM có nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động thấp, môi trường đầu tư, kinh doanh rộng mở. Lĩnh vực này ngoài các vị trí như kỹ sư cần tay nghề cao và ngoại ngữ, phần lớn các khâu lao động phổ thông cũng có thể đáp ứng được.

Thứ ba là khối ngành dịch vụ công nghệ cao. Ví dụ dịch vụ tài chính công nghệ, dịch vụ y tế công nghệ hay dịch vụ giáo dục công nghệ. Lợi thế của TP.HCM là trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, với nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên ngày càng tăng.

Tôi nghĩ, TP.HCM có tiềm năng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ khác, như công nghệ sinh học, vật liệu mới hay năng lượng tái tạo.

* Ông có thể chia sẻ TP.HCM nên làm gì để thu hút đầu tư công nghệ cao nhiều hơn trong thời gian tới?

- Để thu hút đầu tư công nghệ cao nhiều hơn trong thời gian tới, TP.HCM nên tập trung vào một số giải pháp sau. Một là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Cụ thể, TP.HCM cần đơn giản hóa những quy định có tính hành chính và nâng cao năng lực quản trị của cơ quan nhà nước.

Hai là tiếp tục phát triển nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật và khoa học. Cụ thể, TP.HCM cần đẩy mạnh đào tạo, kết nối các trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên đi học hay thực tập ở nước ngoài. Điều này tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa nhu cầu doanh nghiệp với nguồn cung cấp nhân lực. Thành phố nên phối hợp với các cơ sở đào tạo để xây dựng chương trình phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo cũng như nghiên cứu trong các trường đại học.

Ba là tạo dựng hình ảnh TP.HCM là trung tâm công nghệ cao của Việt Nam thông qua quảng bá, xúc tiến đầu tư và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ trong tổng thể nền kinh tế. Cụ thể, TP.HCM cần tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo để quảng bá tiềm năng và lợi thế trong lĩnh vực công nghệ cao. Ví dụ Thành phố kết hợp với cơ quan ngoại giao Việt Nam ở những nước có thế mạnh về công nghệ để tổ chức những sự kiện này. Tất cả nên được làm một cách chủ động và đi vào thực chất.

* Singapore và Malaysia đã thành công trong thu hút đầu tư công nghệ cao. TP.HCM có thể học hỏi gì từ họ?

- Trước vào sau đại dịch Covid-19, Malaysia là điểm sáng ở Đông Nam Á về thu hút đầu tư công nghệ cao. Nước này hiện là trung tâm quan trọng trong bước cuối cùng của quy trình sản xuất chip, khi kiểm soát 13% thị trường toàn cầu về dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm. Malaysia cũng là quốc gia xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới. Những tập đoàn khổng lồ đều xem Malaysia là thị trường trọng điểm, như Intel, NXP, Infineon, Texas Instruments hay Renesas.

Malaysia sở hữu lợi thế mà Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cũng có, như vị trí địa lý thuận lợi, giao thông thuận tiện, thời tiết không quá nóng, không quá lạnh. Thậm chí một số khía cạnh, họ không có lợi thế bằng Việt Nam. Ví dụ ổn định chính trị hay nguồn lao động đông đảo với chi phí hợp lý. Nhưng ngược lại, họ hơn Việt Nam ở thủ tục hành chính đơn giản và nhân sự nói tiếng Anh giỏi. Gần như mọi người dân Malaysia đều có thể giao tiếp tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Trên dưới 20% người trưởng thành của họ cũng giao tiếp được tiếng Hoa. Đây là điểm cộng rất lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

* Cảm ơn ông!

PV