Trong nước

VASEP dự báo một năm đầy thách thức cho ngành xuất khẩu tôm

Thanh An 26/01/2024 16:00

Năm 2023, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao ở nhiều thị trường xuất khẩu, giá cước vận chuyển tăng do xung đột tại Biển Đỏ, cũng như chịu nhiều sự cạnh tranh từ tôm xuất khẩu các nước khác đã khiến sức mua và giá tôm Việt Nam xuất khẩu giảm. Dự báo năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ nhưng phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ các thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sụt giảm ở mức 8%, trong khi các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ giảm đến 15%, Nhật giảm 24% và EU giảm 39%.

xk-tom.jpeg
Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022

Cũng trong năm qua, tôm Việt Nam cũng chịu cạnh tranh gay gắt từ tôm Ecuador và Ấn Độ, đặc biệt là tại thị trường EU. Mặc dù tôm Việt Nam vẫn giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp nhưng sức cạnh tranh của tôm Ecuador và Ấn Độ cũng đang mạnh dần lên lại thêm những bất ổn về kinh tế và chính trị hiện tại, thị trường EU sẽ chưa thể phục hồi trong phần lớn năm 2024.

Với thị trường Nhật Bản, hoạt động xuất khẩu tôm sang nước này trong năm 2023 liên tục sụt giảm do lạm phát tại thị trường này tăng cao, đồng yên giảm giá mạnh đã ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của các nhà nhập khẩu Nhật Bản.Tuy nhiện, thị trường này được đánh giá còn nhiều tiềm năng và sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU trong năm 2024. Tôm Việt Nam sẽ vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường này

Riêng tại thị trường Mỹ, mới đây Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) đã nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu trong đó có Việt Nam. Hiện chưa rõ kết quả thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024. Song song với đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm 2024.

Về thị trường Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam có mức sụt giảm thấp nhất trong năm 2023 so với các thị trường khác. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tôm đang hồi phục ở thị trường này sau khi Chính phủ Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid.

Trung Quốc hiện đươc coi là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới. 11 tháng năm 2023, đã có 917 nghìn tấn tôm được nhập khẩu vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lại có lợi thế về logistics, nhất là khi căng thẳng trên Biển Đỏ đang làm tăng mạnh chi phí vận tải biển, có thể sẽ tác động tiêu cực tới việc xuất khẩu tôm của Ecuador đến thị trường Trung Quốc.

Từ những kết quả xuất khẩu tôm trong năm 2023, VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2024 sẽ có nhiều khả quan. Sản lượng xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được phục hồi và tăng nhẹ 10 - 15% vào năm nay. Nhu cầu tiêu thụ cũng được dự báo hồi phục trở lại kể từ 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm. Đây là cơ hội cho giá tôm tăng trở lại.

Tuy nhiên, tôm Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong năm 2024 như rào cản thương mại, cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… Nếu thành công vượt qua được những thách thức này, VASEP dự báo, kim ngạch xuất tôm trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2023.

Thanh An