Doanh nhân xưa

Doanh nhân Nguyễn Trọng Lội: Người tạo dựng thương hiệu nước mắm Liên Thành (Kỳ 2)

Thanh An (Tổng hợp) 26/01/2024 10:00

Là một trong 6 nhà sáng lập Liên Thành Thương quán, doanh nhân Nguyễn Trọng Lội cùng người em Nguyễn Quý Anh đã xây dựng một thương hiệu nước mắm Việt tồn tại hơn trăm năm, góp phần quan trọng trong công cuộc chấn hưng kinh tế, khẳng định vị thế kinh doanh của người Việt vào đầu thế kỷ XX.

cong-ty-nuoc-mam-lien-thanh-ngay-nay-nguon-cong-ty-nuoc-mam-lien-thanh-.jpg

Kỳ 2: Công ty Nước mắm Liên Thành

Được giao trọng trách kinh tài cho Hội Liên Thành, với đức tính liêm khiết và tác phong làm việc năng nổ, cần cù, doanh nhân Nguyễn Trọng Lội đã phát triển Nước mắm Liên Thành thành một công ty nổi tiếng thời bấy giờ.

Trên chai nước mắm của Công ty Liên Thành có chữ Liên Thành - tức thành hoa sen được chọn để thể hiện lòng tự hào với tên cũ của Bình Thuận và con voi đỏ thể hiện mong muốn thức tỉnh dân tộc vừa bằng tập tính bầy đàn, vừa bằng sức mạnh của loài voi.

Nguyên nhân để các nhà sáng lập Hội Liên Thành chọn nước mắm là sản phẩm kinh doanh là vì thời bấy giờ, những ngành nghề chính trong công nghiệp và thương mại đều do tư bản Pháp và Hoa kiều nắm giữ. Trong khi đó, nước mắm là ngành kinh doanh chưa bị lũng đoạn, lại có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Thời gian đầu, trụ sở của Công ty Nước mắm Liên Thành đặt tại khu đất của gia đình Bố chánh Trà Quý Bình thông gia với cụ Nguyễn Thông, gần bãi Cồn Chà, Phan Thiết. Đến năm 1908, sau hai năm kinh doanh phát đạt, Công ty đã mua thêm trụ sở của hiệu nhuộm Luân Phong gần cầu Phan Thiết (cầu Lê Hồng Phong ngày nay) để lập trụ sở chính.

Những người quản lý Công ty Nước mắm Liên Thành còn mở quầy hàng buôn bán tạp hóa, vải lụa, thuốc bắc gần chợ Phan Thiết để cạnh tranh với thương nhân người Hoa.

Cách hoạt động của Công ty rất tiến bộ với điều lệ, sổ sách kế toán rành mạch (phải trình cho Công sứ Pháp kiểm tra), việc phân công, phân nhiệm từng người cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, Công ty Nước mắm Liên Thành không được người Pháp ưa nên tìm cách khống chế. Chính quyền thực dân đã có lần khám xét đột xuất trụ sở của Hội Liên Thành, tịch thu sổ sách và bắt giam các ông Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi nhưng rồi phải trả tự do cho ba người vì không có chứng cứ về “hoạt động chính trị chống Pháp”.

Đến năm 1910, Công ty Liên Thành mở thêm xưởng sản xuất nước mắm tại Mũi Né, Hưng Long, Phan Rí. Nước mắm được chở bằng ghe thuyền vào Sài Gòn, Chợ Lớn để bán. Đây được xem là giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của thương hiệu nước mắm Liên Thành về sau.

Đầu năm 1911, do nhu cầu phát triển, Công ty Nước mắm Liên Thành mở rộng kinh doanh ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông Nguyễn Trọng Lội được cử vào giám sát, xây dựng phân cuộc của Công ty tại căn nhà số 1/2/3, đường Quai Testard, Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm). Cũng trong thời gian này, Nguyễn Trọng Lội đã cùng một số vị sáng lập Liên Thành đã đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn để chuẩn bị xuất dương.

Với việc mở rộng hoạt động kinh doanh nước mắm của Công ty tại Sài Gòn, khối lượng công việc của ông Nguyễn Trọng Lội gia tăng nhanh chóng. Do thể trạng yếu ớt, nhiều bệnh tật, lại làm việc quá sức, nên Nguyễn Trọng Lội bất ngờ từ trần tại Mũi Né vào ngày 17/6/1911, hưởng dương 30 tuổi.

Trên bia mộ của Nguyễn Trọng Lội bên cạnh mộ thân sinh là cụ Nguyễn Thông, các thành viên của Hội Liên Thành đã tạc dòng chữ: “Vốn là người hào phóng, thế nhưng đối với công ích thì đếm từng hạt gạo, kê từng đồng chinh, băn khoăn chỉ sợ tơ hào dùng không thỏa đáng; đối với trách nhiệm thì chịu khó nhọc, mạo hiểm nguy”.

Để tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Trọng Lội và các bậc tiền nhân sáng lập, Công ty Nước mắm Liên Thành ngày nay đã chọn ngày 17/6 âm lịch hằng năm là ngày mất của Nguyễn Trọng Lội làm ngày kỵ khai canh và hiệp tế các vị sáng lập.

Sau khi doanh nhân Nguyễn Trọng Lội qua đời, dưới sự điều hành của em trai ông là Nguyễn Quý Anh và sau đó là ông Hồ Tá Bang, Công ty Nước mắm Liên Thành tiếp tục phát triển, mở thêm nhiều nhà lều nước mắm ở Sài Gòn, sản xuất phân bón hiệu Con voi đỏ từ xác mắm. Không chỉ kinh doanh, Liên Thành còn trở thành tấm gương cho tinh thần đấu tranh chống lại sự chèn ép trong kinh doanh của tư bản Pháp và tư bản Hoa kiều đương thời. Trong đó, từ năm 1917-1920 là giai đoạn phát triển mạnh của thương hiệu nước mắm Liên Thành. Đặc biệt là khi Công ty đưa sản phẩm của Liên Thành đến quảng bá tại Hội chợ Hà Nội năm 1918.

Cũng trong giai đoạn này, ban lãnh đạo Liên Thành định hướng phát triển nước mắm nguyên chất để chống lại hành vi làm giả nước mắm của thương nhân Hoa kiều.

Công ty Nước mắm Liên Thành còn ủng hộ tài chính cho các hoạt động yêu nước; các đại lý Liên Thành Thương quán là địa điểm để các nhân sĩ yêu nước hội họp, tập trung vào Sài Gòn để tang cụ Phan Chu Trinh.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Hồ Tá Khanh (con trai ông Hồ Tá Bang) và ông Nguyễn Minh Duệ (con trai ông Nguyễn Quý Anh) kế thừa của Liên Thành Thương quán đã tham gia kháng chiến, ông Nguyễn Minh Duệ đã hy sinh trong một lần vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Việt Nam.

Đến nay, dù đã 107 năm, thương hiệu nước mắm Liên Thành vẫn là một trong những thương hiệu lâu đời và đóng góp rất nhiều tài chính cho phong trào Duy Tân, Đông Du, phong trào Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1979, cụ Huỳnh Văn Dậu - tổng lý kế nhiệm các cụ tổ đồng ý hiến Công ty Nước mắm Liên Thành cho Nhà nước với điều kiện giữ lại tên Liên Thành với bàn thờ 6 cụ tổ, nhờ đó giữ lại cả thương hiệu lẫn niềm tự hào cho người sau.

Năm 2001, Liên Thành cổ phần hóa với phần vốn giá trị nhất là di sản phi vật thể ấy. Với nhận thức rằng sứ mệnh cũ đã chấm dứt, nỗ lực của Liên Thành là làm ra loại nước mắm quốc tuý để giữ gìn tinh thần của người xưa vẫn với biểu tượng chữ Liên Thành và con voi đỏ trên nền nhãn ngọc, vàng, bạc, đồng.

Đặc biệt Liên Thành ngày nay có loại nước mắm chay được sản xuất như nước mắm truyền thống: trộn chượp 3 thơm 1 muối, ủ trong 4 tháng, với bí quyết đến từ việc để enzyme Bromelain có sẵn trong trái thơm lên men tự nhiên tạo ra đạm thực vật giúp nước mắm chay tròn vị.

Thanh An (Tổng hợp)