Quốc tế

Kỷ nguyên cạnh tranh quốc gia bằng trí tuệ nhân tạo

Khởi Vũ 25/01/2024 16:00

Trí tuệ nhân tạo đã là trung tâm của cuộc cạnh tranh công nghệ gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Giờ, nhiều nước khác cũng đang rót tiền vào lĩnh vực này.

Cuộc đua không ai muốn bỏ lỡ

Là công nghệ "hot" nhất năm 2023, trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục trải qua những tuần cuối năm đầy bận rộn. Ngày 28/11, AI 71 - một công ty AI mới do nhà nước hậu thuẫn vừa ra mắt tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo The Economist, công ty này cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) là Falcon.

Nửa tháng sau, đến lượt Mistral - một công ty khởi nghiệp AI mới thành lập được 7 tháng ở Pháp, công bố vòng gọi vốn trị giá 400 triệu USD. Bốn ngày sau, Krutrim - một công ty khởi nghiệp mới của Ấn Độ, ra mắt LLM đa ngôn ngữ đầu tiên của nước này. Đáng chú ý, điều này diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Sarvam - một startup AI mới 5 tháng tuổi, huy động được 41 triệu USD để xây dựng các mô hình tương tự bằng tiếng Ấn Độ.

Có thể nói, từ sau khi OpenAI ra mắt vào tháng 11/2022, gần như mỗi tháng lại có một tin tức về sản phẩm tương tự. Trong bối cảnh này, thông tin mới nhất về các công ty nói trên có thể trông không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, nếu quan sát, có thể thấy tất cả công ty trên đều đang nỗ lực để trở thành công ty số một về AI tại quốc gia của mình.

ky-nguyen-canh-tranh-quoc-gia-bang-tri-tue-nhan-tao.jpg
Ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào cuộc đua AI

Ông Faisal al-Bannai - thành viên thuộc cơ quan nhà nước đứng sau AI 71, cho biết: "Chúng tôi muốn AI 71 cạnh tranh trên toàn cầu với các sản phẩm tương tự OpenAI". Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây bày tỏ lòng tự hào về công ty nước nhà, rằng "hoan hô Mistral, đây là sự thiên tài của người Pháp". Trong khi đó, ông Bhavish Aggarwal - nhà sáng lập của Krutrim, cũng tích cực quảng bá bản thân và khẳng định ChatGPT cũng như các LLM đầu tiên bằng tiếng Anh khác "không thể nắm bắt được văn hóa, ngôn ngữ và đặc tính của chúng tôi". Về phần mình, Sarvam lựa chọn bắt đầu với ngôn ngữ Ấn Độ địa phương vì "đang xây dựng một công ty Ấn Độ", theo nhà đồng sáng lập Vivek Raghavan.

Thời gian qua, AI đã là trung tâm của cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong năm qua, chính phủ của cả hai đã cam kết đầu tư 40 đến 50 tỷ USD cho AI. Về phần mình, các quốc gia khác đơn giản là không muốn bị bỏ lại phía sau, hoặc hiện trong thế kẹt khi một công nghệ quan trọng lại đang nằm dưới sự kiểm soát của nước ngoài.

Năm ngoái, có đến 6 chính phủ khác ngoài Mỹ và Trung Quốc đã đặc biệt bày tỏ tham vọng về AI. Họ là Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), với tổng nguồn cam kết rót cho AI vào khoảng 40 tỷ USD. Phần lớn số tiền này sẽ dành cho việc mua GPU và đầu tư nhà máy để sản xuất các con chip này, cũng như hỗ trợ các công ty hoạt động trong lĩnh vực.

Các tổ hợp cạnh tranh AI

Dù bản chất và mức độ tham gia của chính phủ vào khu vực tư nhân là khác nhau giữa các siêu cường, hình dáng của các tổ hợp công nghiệp AI mới đang dần xuất hiện. Với Mỹ, khu vực tư nhân sôi động của nước này đang đổi mới mạnh mẽ và khiến nhiều nền kinh tế khác phải "ghen tỵ" mà không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ. Thay vào đó, chính quyền liên bang chi khoảng 50 tỷ USD trong 5 năm để tăng cường năng lực sản xuất chip nội địa. Mục tiêu của kế hoạch này là giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan như TSMC.

Song song đó, để duy trì vị thế dẫn đầu, Washington cũng tìm cách kìm hãm các đối thủ của mình. Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Biden đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cũng như cấm bán công nghệ AI (gồm chip và thiết bị sản xuất chip) cho các đối thủ như Trung Quốc và Nga. Ví dụ, vào tháng 10 năm ngoái, Washington đã yêu cầu công ty ở các nước thứ ba, gồm Ả Rập Saudi và UAE, phải có giấy phép để mua chip AI từ Nvidia. Các biện pháp này cũng cấm người Mỹ chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn về AI của họ với các quốc gia đó.

Ở bên kia Trái Đất, chiến lược AI của Trung Quốc phần lớn là chính sách phản ứng trước hành động ngăn chặn công nghệ của Mỹ. Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu JW Insights, trong 2 năm 2021 và 2022, Trung Quốc đã chi gần 300 tỷ USD để tái tạo chuỗi cung ứng chip nội địa (cho AI và các chất bán dẫn khác) - nơi đương nhiên sẽ miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Dù nhiều trong số này có thể sẽ bị lãng phí, nó gần như chắc chắn đã giúp Huawei và SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, thiết kế và sản xuất được một loại GPU tinh vi vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, chính quyền trung ương và địa phương cũng chuyển vốn vào các công ty AI thông qua nhiều "quỹ định hướng" do nhà nước hậu thuẫn và gần 2.000 quỹ trong số đó trên cả nước đều đầu tư vào các loại công nghệ được xem là sở hữu tầm quan trọng chiến lược. Bắc Kinh cũng hướng dẫn khối tư nhân nhắm đến các ưu tiên về công nghệ của mình bằng cách hạn chế một số lĩnh vực nhất định (như trò chơi điện tử vào tháng 12 qua) và đưa ra nhiều gợi ý về những ngành nên xem xét. Đồng thời, chính phủ đang thúc đẩy trao đổi dữ liệu, cho phép doanh nghiệp trao đổi dữ liệu thương mại về mọi thứ, từ bán hàng đến sản xuất và cho phép cả công ty nhỏ có tham vọng AI cạnh tranh tại thị trường mà trước đây chỉ có các công ty lớn sở hữu nhiều dữ liệu mới có thể làm được. Hiện, đã có 50 sàn giao dịch như vậy ở Trung Quốc.

ky-nguyen-canh-tranh-quoc-gia-bang-tri-tue-nhan-tao-1.jpg
Mỹ và Trung Quốc ngày càng cạnh tranh gay gắt trong cuộc đua AI

Hiện, cách tiếp cận do nhà nước lãnh đạo này đang được mô phỏng ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhất là ở các quốc gia dầu mỏ thuộc vùng Vịnh. Là các nước chuyên chế, Ả Rập Saudi và UAE thậm chí có thể tiến nhanh hơn các nước dân chủ, vốn phải lưu ý đến các mối lo ngại của cử tri về tác động của AI. Hơn nữa, với khối tài sản lớn, họ có đủ khả năng mua cả GPU (và thực tế cả hai đã chi ra vài trăm triệu USD) lẫn năng lượng cần thiết để chạy các con chip ngốn điện.

Ngoài ra, các nước này cũng có thể đầu tư mạnh cho việc phát triển nguồn nhân lực, khi các trường đại học giàu có của họ đang nhanh chóng leo lên bảng xếp hạng toàn cầu. Chương trình AI tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah ở Ả Rập Saudi và Đại học AI Mohamed bin Zayed (MBZUAI) ở Abu Dhabi - ngôi trường tập trung vào AI đầu tiên trên thế giới, đã thu hút được nhiều giáo sư từ các tổ chức nổi tiếng trên thế giới như Đại học California, Berkeley và Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh. Nhiều sinh viên và nhà nghiên cứu của các nơi này cũng đến từ Trung Quốc, và sau khi kết thúc chương trình, rất nhiều người lựa chọn ở lại. Theo ông Timothy Baldwin - Hiệu trưởng của MBZUAI, người cũng đến Trung Đông từ Đại học Melbourne, gần như tất cả sinh viên tốt nghiệp của trường, khoảng vài trăm người, đều ở lại khu vực này để làm việc tại các công ty và phòng thí nghiệm địa phương.

Cuối cùng, nhóm chính phủ thứ ba cố gắng kết hợp cách tiếp cận của Mỹ với phương pháp của Trung Quốc và UAE. Cụ thể, châu Âu có các khuyến khích tương tự như Mỹ với hoạt động sản xuất chip trong nước và một số thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) cũng vậy. Hiện, Đức đang chi một phần ba trong ngân sách 30 tỷ euro (33 tỷ USD) cho một nhà máy sản xuất chip mới do Intel xây dựng. Bên ngoài khối, Anh hứa chi 1 tỷ bảng (1,3 tỷ USD) trong 5 năm cho AI và siêu máy tính. Chính phủ Ấn Độ thúc đẩy sản xuất, gồm cả chất bán dẫn, với "các ưu đãi liên kết sản xuất" hào phóng, khuyến khích nhà cung cấp điện toán đám mây lớn xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu của Ấn Độ và cân nhắc việc mua 1,2 tỷ USD GPU.

Giống như Trung Quốc và vùng Vịnh nhưng không giống như Mỹ, Ấn Độ và một số nước châu Âu rất muốn cung cấp dữ liệu công cộng cho các công ty. Ông Arthur Mensch - chủ sở hữu của Mistral, cho biết chính phủ Pháp "rất ủng hộ" vấn đề này, trong khi chính phủ Anh đang cân nhắc cho các công ty khai thác nguồn dữ liệu dồi dào của Dịch vụ Y tế Quốc gia. Còn chính phủ Ấn Độ lại có lượng dữ liệu khổng lồ từ mảng dịch vụ công kỹ thuật số, gọi là "India Stack". Những người trong cuộc kỳ vọng New Delhi rốt cục sẽ cho phép tích hợp các mô hình AI của Ấn Độ vào các dịch vụ kỹ thuật số.

Ngược lại với Trung Quốc, nơi quản lý AI với người tiêu dùng một cách gắt gao (ít nhất là vào thời điểm hiện tại), cả Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ đều ủng hộ các quy tắc nhẹ nhàng với AI hoặc, trong trường hợp của Ấn Độ là không có quy định nào cả. Pháp và Đức tỏ ra khó chịu với Đạo luật AI của EU và các chi tiết cuối cùng của đạo luật này đang được tranh luận sôi nổi ở Brussels. Điều này không bất ngờ vì nó có thể sẽ hạn chế Mistral và công ty xây dựng mô hình AI thành công nhất của Đức là Aleph Alpha - nơi đã huy động được 460 triệu Euro chỉ trong 1 năm.

Khởi Vũ