Trò chuyện doanh nhân

Bà Nguyễn Ngọc Huyền - Chủ tịch HĐQT MIA Group: “Tôi vẫn đang tìm những mảnh ghép còn thiếu”

Lữ Ý Nhi 20/01/2024 11:21

Hơn mười năm theo đuổi giấc mơ xây dựng nền nông nghiệp bền vững và “làm mới” cho ngành bán lẻ trái cây Việt Nam, đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, bà Nguyễn Ngọc Huyền - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Mia Group đã làm được nhiều kỳ tích cho giấc mơ của mình. Rất nhiều bằng khen, giấy khen đã được trao nhận, bà cũng truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ về khởi nghiệp nông nghiệp. Năm 2023, bà vừa được Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn vinh danh “10 Doanh nhân truyền cảm hứng 2023”.

1-huyen-m-fruit(1).jpg

BÀI HỌC VỀ CHẤT LƯỢNG

Tại Lễ vinh danh “10 Doanh nhân truyền cảm hứng 2023” dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023, khi được báo chí phỏng vấn lý do chọn nông nghiệp để khởi nghiệp, mà lại là nông nghiệp bền vững, một xu hướng vô cùng khó khăn và nhiều thử thách, bà Huyền chia sẻ:

- Tôi chọn nông nghiệp để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh rất tự nhiên và xem đó như một cái “duyên”. Trước đó, tôi đang làm một số việc nhưng vào thời điểm những năm 2012, 2013, trái cây Việt Nam có rất nhiều vấn đề khiến người tiêu dùng lo ngại, mất niềm tin như dùng quá nhiều thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu, trái cây không đẹp, không đồng đều chất lượng, phải giải cứu... Lúc đó, tôi cũng mới sinh con nên rất quan tâm đến việc ăn uống để đảm bảo sức khỏe, hạn chế độc hại cho bản thân và sữa mẹ. Vì vậy, tôi thường đặt mua trái cây ngoại ship về Việt Nam dùng dần, mỗi lần vài chục thùng để giảm bớt chi phí, sau đó chia lại cho các chị em, bà mẹ bỉm sữa cùng nhu cầu và được nhiều người quan tâm đặt mua. Nghĩ đây là phân khúc có nhu cầu rất lớn, tôi khởi lên ý tưởng kinh doanh trái cây nhập ngoại cao cấp để cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Để thuyết phục khách hàng bỏ ra một số tiền tương đối cao hơn so với trái cây trong nước thì phải có lý do hợp lý. Bởi, trong suy nghĩ nhiều người, trái cây nhập ngoại giá cao phần lớn là do chi phí nhập khẩu, vận chuyển, chứ ít ai hiểu được người mua nên tôi bắt đầu đi các nước tìm hiểu. Tôi sang Nhật, đi đến tận các nhà vườn, trang trại đang canh tác để học hỏi cách trồng. Đi đến đâu, tôi cũng tự hỏi, vì sao họ lại bán được giá cao như vậy? Quá trình đi và học hỏi, tìm tòi, tôi đã học được nhiều bài học từ người nông dân Nhật Bản. Tiêu chí của họ là lấy chất lượng làm đầu chứ không phải số lượng. Ví dụ, khi đến vườn nho Nagano, người chủ ở đây cho biết, họ đã chủ động giảm đi 1/3 số lượng cây trên vườn, chủ động giảm số lượng chùm nho và số trái nho để chất dinh dưỡng có thể tập trung nuôi dưỡng tốt nhất cho những trái nho được tuyển chọn, cùng với nhiều kỹ thuật canh tác rất cầu kỳ để cho ra được chất lượng sản phẩm cao nhất. Vì thế mà cả vườn nho rộng lớn nhưng chất lượng rất đồng đều, vị cũng vậy, không có sự chênh lệch quá ngọt hay quá chua như trái cây Việt Nam.

Tín chỉ Carbon là “chìa khoá” cho nông nghiệp
bền vững và giúp bà con nông dân tối ưu được dòng doanh thu cho việc canh tác.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền

Từ bài học đó, tôi quyết định bắt tay vào kinh doanh trái cây nhập ngoại. Nhiều năm đi khắp nơi, tìm chọn các loại trái cây đẹp nhất, lạ nhất, tốt nhất đem về Việt Nam để xây dựng thương hiệu, xây dựng câu chuyện cho trái cây và định hướng lại thị trường trái cây cao cấp và kinh doanh thuận lợi, thành công nhưng tôi luôn trăn trở về trái cây Việt Nam. Trời phú cho Việt Nam đất đai màu mỡ, khí hậu đa dạng để trồng được rất nhiều loại trái cây, đặc biệt là có hương vị nhiệt đới rất ngon, nhưng tại sao trái cây Việt vẫn mãi chưa vươn mình ra để chứng tỏ được thương hiệu cũng như tạo sự an tâm, tin tưởng cho người dùng khắp thế giới? Tại sao trái cây Việt Nam ngon thế, nhiều vị lạ, phong phú chủng loại mà vẫn chưa trở thành chọn lựa ở các “chợ” thế giới?

img_5265.jpg

* Đến bao giờ thì bà trả lời được câu hỏi này?

- Tôi đau đáu về việc này cho đến mãi năm 2019 là lúc dịch Covid-19 diễn ra, chuỗi cung ứng trên thế giới đứt gãy, có lẽ đây là cơ hội để tôi quay về với nông nghiệp nước nhà. Năm 2019, tôi và cộng sự của mình rong ruổi khắp các tỉnh để “vẽ” nên dự án Bản đồ trái cây Việt Nam, với ước mơ xây dựng được thương hiệu và nâng tầm trái cây Việt Nam, người Việt Nam phải yêu và tự hào về trái cây của đất nước mình.

*Mọi việc thuận lợi chứ?

- Không đâu. Ngược lại vô cùng khó khăn. Tôi phải nghĩ cách làm và nhận ra, để có thể làm được điều này, chất lượng của trái cây phải đi đầu, dù cho tôi có kể một câu chuyện thật hay và có làm thương hiệu thật cao cấp đến đâu nhưng chất lượng không đạt thì không thể. Chìa khoá để làm được chất lượng đồng đều và phải luôn được duy trì việc canh tác bền vững, đó là lý do tại sao tôi theo đuổi nền nông nghiệp bền vững.

*Muốn làm nông nghiệp bền vững thì phải thực làm mới hiểu hết và kiểm soát được chất lượng. Thế nhưng, khi nói đến làm nông nghiệp, ai cũng nghĩ đến hình ảnh “Chân lấm tay bùn” hay “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, rất vất vả, trong khi nhiều người đã quen với hình ảnh của bà, một mẫu hình trẻ trung xinh đẹp và thời trang, bà có ngại sẽ bị xấu đi nếu thực sự phải “lăn” vào ruộng vườn?

- Với tôi, nghề nào cũng có những vất vả riêng là do đặc thù của từng ngành. Làm nông nghiệp chắc chắn phải ra đồng, ra vườn, tôi không phải là người tạo ra sản phẩm, nhưng nếu không ra đồng, không đi sâu sát với nông dân, không cùng làm vườn với họ, làm sao hiểu được để có quả ngọt người nông dân đã phải cực khổ thế nào, tôi cũng không thể cảm nhận và chia sẻ được với khách hàng của mình để họ tin tưởng mà mua hàng được. Tôi không ngại khó khăn, vất vả hay lo ngại hình ảnh không đẹp. Tôi vẫn đi khắp nơi, lặn lội vào những vùng có trái cây đặc sản để tìm hiểu, vẫn đội nón ra vườn, có lúc còn xắn quần, đi chân đất cùng với nông dân. Với tôi, cái đẹp của bản thân chính là cái đẹp của trái cây, của nông sản Việt Nam khi ngày mai, sau khi được mài giũa, rũ bỏ lớp đất cát sẽ trở thành viên pha lê, kim cương, sẽ lấp lánh và có hình ảnh đẹp hơn, mang lại giá trị cao hơn.

* Những năm sau đại dịch, kinh tế khó khăn nhưng bà lại mở ra một hệ sinh thái gồm các công ty như Mia Fruit - Công ty bán lẻ trái cây cao cấp, Mimex - Công ty xuất nhập khẩu trái cây, thực hiện dự án Bản đồ Trái cây Việt Nam, dự án nâng tầm và xây dựng thương hiệu nông sản, trái cây Việt Nam, kết nối người nông dân với thế giới và Migreen - Công ty chuyên về các giải pháp và tư vấn phát triển nông nghiệp bền vững, bà không gặp khó khăn gì?

- Đây là toàn bộ hệ sinh thái của MIA Group, là một mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh nông nghiệp bền vững mà tôi đã theo đuổi suốt 10 năm qua.

Những năm qua, Công ty chúng tôi cũng trải qua nhiều sự thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Sự khó khăn, những biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế càng cho tôi thấy được việc phải phát triển bền vững, tạo nền tảng bền vững mới là “kim chỉ nam” cho hoạt động kinh doanh nếu muốn đi xa, đi lâu và phát triển mãi mãi.

Làm nông nghiệp là vận hành một chuỗi các mắc xích liên quan với nhau. Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cho nông dân, người nông dân phải canh tác tốt, bền vững thì sản phẩm mới đạt chất lượng; Quy trình đóng gói vận chuyển phải thật thông minh và có năng suất thì mới giữ được chất lượng đến tay người tiêu dùng và những người bán hàng phải kể được câu chuyện nâng tầm được thương hiệu thì nông sản mới bán được giá trị cao; Cuối cùng, người tiêu dùng phải hiểu và ủng hộ thì nông sản mới phát triển bền vững được.

Rõ ràng, đây là một vòng tròn khép kín không thể tách rời, nếu một trong những mắc xích này chạy theo cái lợi trước mắt mà “chệnh” khỏi cuộc chơi thì rất dễ xảy ra khủng hoảng. Đó chính là hình ảnh liên tưởng mà tôi hay ví dụ cho việc kinh doanh và phát triển bền vững.

*Năm qua, nông sản cũng là ngành có gam màu sáng, bà có thấy vui và còn trăn trở gì cho nông sản Việt và trái cây Việt Nam?

- Hai năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động như chiến tranh, chính trị... ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, ngành nông sản cũng có nhiều thay đổi và may mắn, đó là những thay đổi tích cực, tôi cảm thấy vui nhưng cũng suy tư rất nhiều.

Tôi dự định trong 5 năm tới, tôi và cộng sự sẽ bắt đầu thuê chuyên gia hoặc hợp tác đưa các công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam để tìm ra giải pháp canh tác vừa bền vững vừa nâng cao chất lượng của nông sản. Tôi vẫn luôn trăn trở làm sao để tối ưu được thu nhập cho bà con nông dân mà chất lượng sản phẩm luôn duy trì bền vững và tốt cho sức khoẻ của người tiêu dùng.

chan-dung.jpg

Thế hệ cha anh đã và đang làm rất tốt rồi, thế hệ trẻ như chúng tôi nên có những bước đột phá về
ý tưởng và cả hành động nữa.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền

THEO ĐUỔI NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

*Được vinh danh 10 Doanh nhân truyền cảm hứng, đặc biệt, bà đã thực hiện được ước mong “Mang thương hiệu Việt ra thế giới”, bà có dự định gì cho năm 2024?

- Khi được nằm trong danh sách “10 Doanh nhân truyền cảm hứng 2023”, tôi rất vui và trân trọng sự vinh danh này của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn. Cũng như các doanh nhân khác, tôi làm việc và cống hiến không phải vì hướng đến bất kì giải thưởng nào. Nhưng khi được xướng tên với hạng mục “Mang thương hiệu Việt ra thế giới”, tôi rất xúc động, tôi cảm thấy mình cũng đã làm được gì đó cho đất nước, cho giấc mơ của mình và chính điều này cho tôi nhiều động lực để bước tiếp, không ngừng cố gắng và học hỏi để theo đuổi tiếp hoài bão còn chưa tới đích.

Khi bước chân vào lĩnh vực trái cây nhập khẩu cách đây 10 năm, tôi luôn có một khao khát cháy bỏng là làm thế nào để vị thế của trái cây Việt Nam được nâng tầm như trái cây Nhật Bản, sẽ không còn việc “giải cứu” mà thay vào đó phải là “đấu giá” trái cây Việt Nam, chính điều này đã luôn thôi thúc tôi làm việc thật chăm chỉ để tìm ra giải pháp.

Tôi nhận thấy, dù thành công trong việc xây dựng thương hiệu định hướng thị trường trái cây cao cấp, nhưng chất lượng không được duy trì một cách bền vững thì không thể phát triển xa được. Tôi và cộng sự của mình đã dành rất nhiều công sức, thời gian và cả tâm huyết cháy bỏng của mình để nghiên cứu và khảo sát rất nhiều về tín chỉ Carbon, cùng với các giải pháp phát triển bền vững trong nông nghiệp, tôi quyết định năm 2024 sẽ mở rộng đầu tư vào mảng này.

img_5277.jpg

Thành tựu của MIA đã đạt được:

1. Định hướng thị trường trái cây cao cấp tại Việt Nam;

2. Ra mắt quốc hội thành công Bản đồ trái cây Việt Nam và quốc tế, giúp kết nối bà con nông dân với người mua nhanh chóng và tiện lợi hơn;

3. Xây dựng thành công chiến dịch nâng tầm thương hiệu trái cây Việt Nam như Mận hậu Ruby (từ 30 nghìn lên đến 230 nghìn trong nước và 320 nghìn khi xuất khẩu) - Cam Bóc Phủ Quỳ (từ 5 nghìn lên đến 35 nghìn bán lẻ trong nước);

4. Xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản để xuất khẩu sang Nhật với sản lượng gần 5.000 tấn trong 1 năm, dự kiến tăng gấp đôi sau khi hoàn thiện công nghệ;

5. Đơn hàng xuất khẩu đều, ổn định thu nhập cho bà con nông dân;

6. Bắt tay với đối tác trồng berry (quả mọng)lớn nhất ở châu Âu để xây dựng vùng trồng berry lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam.

*Vì sao? Vì đó là xu hướng bắt “trend”, vì thị trường có khả năng sinh ra lợi nhuận hay vì lý do nào khác, thưa bà?

- Không phải đây là xu hướng được nhiều người nói đến nên tôi “bắt trend” để đầu tư, kiếm lợi nhuận mà với sự nghiên cứu nghiêm túc trong nhiều tháng, tôi nhận thấy đầy là “chìa khóa” cho nông nghiệp bền vững và giúp bà con nông dân tối ưu được dòng doanh thu cho việc canh tác sạch. Tôi tin dự án này sẽ hoàn thiện dần việc làm nông nghiệp bền vững mà tôi đã theo đuổi.

*Cụ thể, bà sẽ thực hiện dự án này thế nào?

- Tháng 11/2021, tôi may mắn được tháp tùng và chứng kiến cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26, tôi đã luôn ấp ủ và suy nghĩ về việc này.

Với kinh nghiệm nhiều hơn 10 năm trong lĩnh vực nông nghiệp, từ việc xuất nhập khẩu trái cây cao cấp đến việc xây dựng thương hiệu và triển khai các dự án nông nghiệp như xây dựng vùng trồng áp dụng công nghệ cao, số hoá dự liệu trái cây nhằm quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ trong và ngoài nước, Công ty Migreen của chúng tôi đã xây dựng giải pháp, tư vấn, đầu tư vào việc giảm tải lượng chất thải từ nông nghiệp bằng cách tái sử dụng chúng một cách khoa học và có lợi cho môi trường.

Theo báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia khí nhà kính của Việt Nam năm 2014 (Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018), ngành nông nghiệp chiếm tới 27,92% tổng lượng phát thải. Tính tới thời điểm hiện tại, nông nghiệp vẫn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, với việc đóng góp tới 11,88% tổng giá trị toàn nền kinh tế năm 2022. Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thấu hiểu những thuận lợi và khó khăn mang tính đặc thù, tôi nhận thấy muốn đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, lĩnh vực nông nghiệp thực sự có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong cuộc đua này. Có thể hiểu đất là bể chứa carbon lớn nhất trên trái đất, việc cày xới đất cũng làm phát thải CO2, việc canh tác để đất trống cũng làm phát thải khí CO2, vậy để giảm thiểu việc này tôi chú trọng vào việc cải tạo đất, phủ xanh đất trống, bổ sung dinh dưỡng và có kế hoạch trồng xen canh với bà con nông dân để bước đầu giảm phát thải.

*Đây là thách thức khó thực hiện, bà có nghĩ vậy không?

- Khó nhưng phải làm. Chính vì theo đuổi mục tiêu này mà Migreen chính thức được thành lập, bổ sung vào hệ sinh thái phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp của MIA Group tại Việt Nam, tiếp tục bắt tay vào thực hiện những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực có thể nói là sẽ rất khó khăn trong tiến trình cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong nông nghiệp, tuy nhiên tôi tin tưởng vào tiềm năng của các giải pháp hạn chế khí thải dựa trên nền tảng tự nhiên từ nông nghiệp như canh tác bền vững, xử lý tối ưu dư lượng phế phụ phẩm nông nghiệp, bảo vệ và tái sinh rừng... và quan trọng nhất hệ sinh thái nông nghiệp chính là nơi cô lập, lưu trữ carbon lớn và bền vững của trái đất.

*Một vài khó khăn ở thời điểm hiện tại mà bà đang phải đối mặt?

- Khó khăn nhất là thuyết phục được đối tác và người nông dân cùng thử với mình, không phải ai cũng liều lĩnh và thích thử nghiệm những điều mới mẻ như tôi, đa số họ sẽ thích an phận nhiều hơn. Tôi không thể làm một mình được, như tôi đã chia sẻ làm nông nghiệp là một chuỗi các mắc xích với nhau - nên thời điểm này tôi nhận thấy khó khăn nhất với mình là tìm kiếm các đối tác để hoàn thiện chuỗi mắc xích bền vững nhằm triển khai thử nghiệm mô hình nông nghiệp bền vững để từ đó có thể thu hồi được tín chỉ carbon.

Muốn nông nghiệp bền vững thì phải hoạt động theo vòng tròn khép kín, không thể tách rời, nếu một trong những mắc xích này chạy theo cái lợi trước mắt mà “chệnh” khỏi cuộc chơi thì rất dễ xảy ra khủng hoảng.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền

Một khó khăn nữa là tìm kiếm cộng sự đồng hành, không phải không có người giỏi, nhưng để cảm nhận và hiểu được những hoài bão của mình, cùng chí hướng và cũng khao khát xây dựng nền nông nghiệp bền vững thì hơi khó, nhất là đối với một dự án mới, ý tưởng mới thì việc này càng khó hơn. Họ có thể có chuyên môn rất giỏi, nhưng để “nhạy” với thị trường thì cần thời gian, những dự án này đòi hỏi sự tập trung, tìm tòi và nghiên cứu các mô hình trên thế giới rất nhiều. Tôi vẫn đang tìm kiếm những mảnh ghép còn thiếu trong dự án của mình.

NIỀM TIN

*Kinh tế vẫn được dự báo qua năm 2024 còn “bất ổn”, bà tin vào điều gì để không chùn bước và quyết tâm đầu tư vào một mảng rất mới và cũng là cuộc “chơi lớn” của thế giới?

- Tôi tin vào hoài bão của mình, tôi đã luôn sống, làm việc, cống hiến cho đất nước, khi nhận định đây chính là cơ hội để vươn mình, tôi sẽ làm một cách quyết liệt. Tôi cũng là một người khá liều lĩnh và thích làm những điều mới mẻ. Tôi nghĩ, những cái cũ, những gì thế hệ cha anh đã và đang làm rất tốt rồi, thế hệ trẻ như chúng tôi nên có những bước đột phá về ý tưởng và cả hành động nữa.

*Xin hỏi nhỏ, bà có ngại thất bại?

- Tôi không sợ thất bại, có lẽ đó là niềm tin lớn nhất chăng? Tôi quan điểm thất bại sẽ cho tôi một bài học gì đó, sẽ cho tôi ý tưởng mới mẻ hơn để giải được bài toán “nông nghiệp bền vững” mà tôi kiên định theo đuổi, ở đâu có càng nhiều thách thức ở đó sẽ càng có nhiều cơ hội cho chúng ta phát triển.

Vì vậy, khi quyết định đầu tư cho một “cuộc chơi” rất mới và cũng rất lớn, tâm thế của tôi là vững vàng, tất nhiên là để có được điều này tôi cũng đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và được cố vấn rất nhiều từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này trên thế giới.

Tôi mong mình sẽ là đơn vị tiên phong trong việc biến phế phẩm trong nông nghiệp trở thành “vàng” để dòng doanh thu của người nông dân được tận dụng triệt để từ những gì mà họ đã tạo ra. Tôi cũng rất mong dự án này sẽ từng bước xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam trở nên bền vững và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ rất nhiều ý nghĩa. Chúc bà sớm thực hiện giấc mơ thành công.

Lữ Ý Nhi