Văn hóa nghệ thuật

Đưa văn hóa bản địa vào thời trang

Đinh Hương 20/01/2024 13:00

Khai thác chất liệu truyền thống, đưa văn hóa bản địa vào bộ sưu tập (BST) cùng thông điệp tôn vinh di sản, quảng bá đất nước là điểm nhấn nổi bật của thời trang Việt năm 2023 trong các show diễn ở Việt Nam và thế giới.

bst-mot-chiec-ao-moi-cua-ntk-cao-minh-tien_ok.jpg
BST Một chiếc áo mới của NTK Cao Minh Tiến

Mới đây, người yêu mến di sản Việt rất hài lòng với show thời trang Vân Long Lưu Vũ trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, tái hiện tiến trình biến đổi của cổ phục trong giai đoạn 1900-1950 với 15 bộ trang phục: Áo tứ thân, áo yếm, áo the (miền Bắc), áo ngũ thân lập lĩnh tay chẽn buộc khăn lươn (miền Trung), áo ngũ thân lập lĩnh tay thụng (miền Nam), áo dài cổ bèo tay bồng cổ cao thắt eo, được Vạn Thiên Y sử dụng họa tiết rồng đặc trưng qua các thời kỳ từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn… kết hợp với thẩm mỹ và kỹ thuật hiện đại. Trước đó, Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) lần thứ 16 chủ đề Kiến tạo tương lai, đã giới thiệu 1.000 bộ trang phục của 16 BST chủ yếu khai thác vẻ đẹp truyền thống, kết hợp với xu hướng thiết kế phương Tây và sử dụng chất liệu gần gũi môi trường. Như BST Sóng tơ của Nhà thiết kế (NTK) Vũ Việt Hà làm bằng chất liệu tơ tằm tự nhiên; Một chiếc áo mới của NTK Cao Minh Tiến kể câu chuyện về thổ cẩm, truyền tải vẻ đẹp và những giá trị chất liệu dân gian....

Sử dụng chất liệu truyền thống cùng thông điệp tôn vinh di sản và góp phần quảng bá thắng cảnh đất nước, các Lễ hội Áo dài Huế “Chuyện kể từ dòng sông”, Lễ hội Áo bà ba “Duyên dáng phương Nam” (Cần Thơ), Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội áo dài TP.HCM, show nghệ thuật Bước chân trên đá (Hà Giang), Gia Lai ơi (Gia Lai), Phương Đông rực rỡ (Hội An), Ký họa quê hương (Nghệ An, Hải Dương, Tây Ninh, Ninh Bình)… còn giới thiệu làng nghề thủ công hay triển lãm, tọa đàm về những câu chuyện lịch sử và văn hóa chung quanh trang phục. Vượt ra khỏi những sàn diễn khuôn mẫu hay không gian kín, các lễ hội hay show diễn này hòa nhịp với đời sống thường ngày, tạo nên trải nghiệm độc đáo và ấn tượng cho người dân địa phương và du khách, lan tỏa tinh thần giữ gìn và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Đặc biệt, tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX năm 2023, lần đầu tiên một chương trình thời trang là Bước chân di sản hội tụ các NTK có chung niềm đam mê, khát vọng quảng bá văn hóa dân tộc được tổ chức trên nền các di sản, thắng cảnh du lịch của Việt Nam - đã được vinh danh, trao giải thưởng.

Không chỉ trong nước, những BST khai thác chất liệu truyền thống và kể chuyện về văn hóa bản địa cũng tạo được nét riêng, gây ấn tượng trên sàn thời trang quốc tế. Tại Tuần lễ Thời trang London 2023, NTK Hồ Trần Dạ Thảo giới thiệu 25 thiết kế trong BST Di sản xuyên không gian, sử dụng họa tiết trên gấm bào thế kỷ XVI-XIX. Bên cạnh áo dài là áo yếm, bà ba cách điệu… làm từ vải sợi sen, tơ tằm, chiffon, đũi.... Tham dự Tuần lễ thời trang Milan 2023 (Fall/Winter, tháng 2), NTK Phan Đăng Hoàng giới thiệu BST Mirage lấy cảm hứng từ vùng Tây Bắc với họa tiết trên áo dài là hình ảnh ruộng bậc thang, hoa đỗ quyên, đất đỏ bazan và các thiếu nữ vùng cao cùng chất liệu vải tự nhiên như lụa, tơ tằm và đũi. Sang mùa hai (Spring/Summer, tháng 9), NTK này có BST Sculpture gồm 30 thiết kế lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, được làm từ lụa, linen, denim, da… và áp dụng kỹ thuật thủ công thêu, đính kết.

Chất liệu truyền thống và bản sắc văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn cho thời trang của mỗi quốc gia. Bản sắc và gìn giữ những giá trị truyền thống luôn được nhắc đến khi hội nhập văn hóa. Bà Trang Lê - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á, khởi xướng Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) nhận định: “Thời trang Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển, trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn cho Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có rất nhiều NTK tài năng, có tư duy thiết kế và sáng tạo tốt.

Để có thể cạnh tranh và đứng vững trong thị trường có quá nhiều thương hiệu quốc tế lớn, phải tạo ra những sản phẩm có phong cách riêng và cảm hứng sâu sắc từ văn hóa bản địa.
Văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc đều độc đáo, khác biệt. Các BST mang dấu ấn truyền thống và văn hóa Việt thường nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả nước ngoài và trở thành điểm nhấn cho các NTK Việt khi bước ra quốc tế. NTK Phan Đăng Hoàng cho biết, từ khi thành lập thương hiệu, anh xác định tập trung khai thác các yếu tố về văn hóa truyền thống Việt Nam. Đây cũng là cách để tạo nên DNA (thẻ nhận dạng) của thương hiệu. Từng đến nhiều kinh đô thời trang quốc tế, NTK Hồ Trần Dạ Thảo càng ý thức về việc giới thiệu văn hóa, bản sắc Việt, xây dựng một thương hiệu “Made in Viet Nam” hoàn toàn. Hiện tại, trang phục mang bản sắc văn hóa Việt xuất khẩu ra thế giới còn ít, do những hạn chế khách quan. Dù lựa chọn khai thác chất liệu truyền thống và văn hóa bản địa hay theo xu hướng hiện đại thì các NTK đang nỗ lực ghi dấu ấn thời trang Việt lên bản đồ thời trang quốc tế.

Đinh Hương