Trong nước

Thị trường bất động sản đã vượt qua khó khăn nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Lê Hạnh - Ảnh: Minh Phú 19/01/2024 08:44

Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản (BĐS) tại Diễn đàn thị trường bất động sản 2024: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi, diễn ra vào chiều 18/1.

Sự kiện do báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức. Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhiều chỉ thị, công điện, nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn. Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc, thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS. Đến cuối năm 2023, thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Trong quý 4/2023, nguồn cung ở tất cả phân khúc đều tăng, dư nợ tín dụng BĐS đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, thị trường BĐS có tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, năm 2023 vẫn là năm có nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, trong năm 2024, cần tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trên tinh thần của Nghị quyết 33.

dsc01386.jpg
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng mong muốn các DN chia sẻ khó khăn và có những biện pháp để hạ giá thành sản phấm, giúp thị trường BĐS phục hồi nhanh, bền vững.

Ông đề nghị các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực BĐS chia sẻ khó khăn chung và kiểm soát nguồn lực, đảm bảo vốn đầu tư, cân đối hợp lý để triển khai các dự án có tính khả thi, tập trung hoàn thành các dự án dang dở để cung cấp ra thị trường, sớm thu hồi vốn. Bên cạnh đó, triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ để tăng tính thanh khoản. Trong hoạt động đầu tư, các DN phải chú ý chất lượng sản phẩm BĐS, bao gồm đảm bảo pháp lý, chất lượng đầu tư xây dựng, cũng như đồng bộ hạ tầng xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Diễn đàn thị trường bất động sản 2024. Thực hiện: Lê Hạnh - Minh Phú

Ông cũng mong muốn các DN có những biện pháp tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá bán, giúp các sản phẩm BĐS hợp lý, vừa túi tiền của người dân để thúc đẩy thị trường nhanh hơn, tốt hơn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng, với những chính sách tháo gỡ, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, trong năm 2024, thị trường BĐS sẽ phục hồi nhanh, bền vững.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phân tích những điểm mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tác động tích cực đến thị trường. Ông Hải cho biết các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua đều có hiệu lực từ 1/1/2025, do đó để các luật này đi vào cuộc sống cần phải có thời gian chứ không thể có sự thay đổi đột biến ngay trong năm 2024. Tuy nhiên, “chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất và cơ bản, các DN cũng như thị trường BĐS đang lấy đà để vượt qua khó khăn”, ông chia sẻ.

dsc01414.jpg
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mong muốn các cơ quan quản lý sớm ban hành văn bản quy định triển khai luật sát thực tế.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định thị trường BĐS đang trong tiến trình phục hồi. Ông hoan nghênh việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào sáng 18/1 đã tác động trực tiếp đến thị trường BĐS. Luật Đất đai 2024 tiếp thu nhiều ý kiến của các DN, chuyên gia, hiệp hội, có nhiều điểm rất tích cực như cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; bỏ “khung giá đất” và quy định “bảng giá đất”; lần đầu tiên bổ sung Chương 8 về “phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất”; quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; hay quy định người sử dụng đất có quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất… Đồng thời, ông Châu mong muốn trong năm 2024, các cơ quan quản lý sẽ sớm ban hành văn bản quy định chi tiết triển khai luật sát thực tế để tạo động lực phát triển cho thị trường.

dsc01424.jpg
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ về việc khơi thông nguồn vốn cho bất động sản trong bối cảnh mới.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV và thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh: “Chưa bao giờ cùng một lúc chúng ta sửa 4 luật quan trọng: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS và Luật Các tổ chức tín dụng và có hiệu lực cùng một thời điểm vào 1/1/2025. Nó sẽ đồng bộ hóa, nhất quán hóa, nhất thể hóa các chính sách, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp cho các thị trường trong đó có thị trường BĐS. Việc này sẽ tháo gỡ về cơ bản các vướng mắc hiện nay, giúp thị trường phát triển nhanh mạnh và bền vững”.

dsc01438.jpg
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (giữa) chia sẻ, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước Nam về việc giãn nợ và không chuyển nhóm nợ đã giúp các DN xây dựng và vật liệu xây dựng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các tham luận, báo cáo của các chuyên gia tại diễn đàn đã phân tích, đánh giá khách quan, toàn cảnh về thị trường BĐS cũng như những tác động của 4 luật sửa đổi (gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng) đối với thị trường. Qua đó, nhận diện những cơ hội cũng như thách thức để tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững cho thị trường BĐS trong năm 2024 và thời gian tới.

Lê Hạnh - Ảnh: Minh Phú