TP.HCM muốn phát triển logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn
Dựa trên cơ sở từ Báo cáo Chỉ số năng lực Cạnh tranh Logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) công bối mới đây, TP.HCM đang là địa phương đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh logistics.
Được biết, hiện TP.HCM đang có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% số doanh nghiệp logistics cả nước. TP cũng chiếm tỷ trọng 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của Việt Nam với khoảng 2.700 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, hậu cần, logistics, qua đó giúp TP.HCM duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu về logistics trong khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc-Nam, Đông-Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho các tỉnh phía Nam. Vì vậy, nhu cầu sử dụng, kết nối dịch vụ logistics trong nội thành TP.HCM và giữa TP.HCM với các địa phương khác cũng như quốc tế là rất cao.
Đặc biệt, bên cạnh mạng lưới giao thông đường bộ, TP.HCM còn có các cảng biển giữ vai trò đầu mối xuất nhập khẩu hàng hoá cho cả khu vực phía Nam; trong đó Cảng Cát Lái là cảng lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEU/năm.
Mỗi năm, sản lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái hiện chiếm khoảng 85% tổng sản lượng hàng hóa qua các cảng phía Nam và 50% sản lượng hàng hóa qua cảng cả nước. Ngoài cảng Cát Lái, TP.HCM còn có Cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT) - cảng container chuyên dụng đầu tiên của cả nước - đi vào hoạt động từ năm 1998 đến nay.
Từ những yếu tố trên, TP.HCM đã trở thành trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung và là nơi sản xuất và tiêu dùng một lượng lớn hàng hóa.
Chính vì vậy, nhu cầu về logictics và số lượng doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ logistics tại TP.HCM đang ngày càng tăng. Xuất phát từ nhu cầu trên, trong Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM đã xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10-15%.
Tuy nhiên, dù được đánh giá cao về năng lực cạnh tranh logistics so với các địa phương khác song thực tế, hệ thống logistics của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố nói riêng, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Mặc dù TP đã có một số trường, cơ sở đào tạo đăng ký giảng dạy môn logistics từ rất sớm và luôn có các hạng mục về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối đường bộ, cảng biển, hàng không… cũng như là địa phương đi đầu trong việc đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam viết đề cương, lập đề án phát triển hệ thống logistics cho TP từ khá sớm, nhưng về cơ bản, TP.HCM chưa có cơ chế, chính sách riêng trong phát triển logistics.
Điển hình như hiện nay hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 chưa hoàn chỉnh, thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ... Tuyến Bắc-Nam kết nối kém với cảng biển, cảng hàng không, sản lượng thấp, tiêu chuẩn kỹ thuật lạc hậu, thiếu vốn đầu tư nâng cấp, chuyển đổi. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không đã hết công suất, chưa phát triển theo mô hình ga cảng hàng không nối dài.
Cùng với đó, TP.HCM hiện chỉ có 1.505 nhà kho, đa số đều có diện tích nhỏ, xu hướng kho thu hẹp và chuyển dịch sang các tỉnh lân cận. Tính đến thời điểm hiện tại TP vẫn chưa có trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Nhiều chuyên gia đánh giá, từ những nhược điểm trên, TP.HCM cần phải hành động nhanh hơn, mạnh hơn trong việc hoàn thiện hệ thống logistics như nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, nạo vét kênh rạch ra vào cảng... chứ không chỉ dừng lại ở việc xác định vai trò và xây dựng đề án mà sau nhiều năm vẫn chưa triển khai thực hiện được.
Đặc biệt, khi triển khai xây dựng mạng lưới trung tâm logistics, TP cần phải nghiên cứu kỹ và tối ưu hóa khả năng kết nối giữa các tuyến đường vận chuyển với hệ thống kho, bãi để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư các trung tâm logistics đã được quy hoạch trên địa bàn (Long Bình, Cát Lái-Phú Hữu, Linh Trung, Tân Kiên, Củ Chi, Hiệp Phước, Khu Công nghệ Cao).