Kinh doanh

Xuất khẩu thủy sản dự đoán sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2024

Nguyễn An 15/01/2024 16:00

Thành công vượt qua khó khăn khi thu về 9,2 tỷ USD, bằng 92% mục tiêu đề ra năm 2023, ngành thủy sản được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo sẽ phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong năm vừa qua, nền kinh tế thế giới đã trải qua nhiều biến động, chậm phục hồi bởi những xung đột chính trị diễn ra trên toàn cầu, tác động đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người tiêu dùng khi chưa thực sự mạnh tay trong quyết định chi tiêu, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu chưa tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2023, tín hiệu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt tại một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó là nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu hàng thủy sản của các doanh nghiệp trong ngành, đã tạo cơ hội cho ngành thủy sản vượt khó vươn lên.

xk-thuy-san.jpg
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm 2024

Theo Tổng cục Hải quan, cá tra, cá basa là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về lượng và lớn thứ 2 về trị giá trong 11 tháng năm 2023, đạt 732,5 nghìn tấn, trị giá 1,68 tỷ USD, giảm 9,63% về lượng và giảm 26,97% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, tháng 11/2023 là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu cá tra, basa tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng mạnh về lượng như Trung Quốc, EU, ASEAN, Brazin, Mexico, Anh, Canada....

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường như EU, ASEAN, Nga, Hàn Quốc… cũng tăng trưởng khả quan khi được ghi nhận trong 11 tháng của năm 2023, sản lượng cá ngừ xuất khẩu đạt 153,5 nghìn tấn, trị giá 779,3 triệu USD, giảm 9,67% về lượng và giảm 17,78% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ước tính của VASEP, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng chính như: Xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.

Bước sang năm 2024, từ những kinh nghiệm rút ra từ năm ngoái, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng, với tổng sản lượng thủy sản đạt 9,22 triệu tấn, tương đương thực hiện năm 2023; kim ngạch đạt 9,5 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với 2023.

Do đó, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 sẽ chỉ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 do nhu cầu thị trường chưa chắc chắn. Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát giảm nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu của các nước, lãi suất cao... chính là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, người tiêu dùng sẽ chưa thực sự thoải mái trong quyết định chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu khó tăng mạnh.

Mặc khác, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức đối với xuất khẩu hải sản, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tuy nhiên, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024. Nhất là với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường của các doanh nghiệp sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD năm 2024; trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.

Nguyễn An