Quốc tế

Thành tựu kinh tế ấn tượng của Ấn Độ và mâu thuẫn tiền tệ với IMF

PV 11/01/2024 16:01

Báo chí Ấn Độ mới đây cho biết, nước này và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang mâu thuẫn về chính sách quản lý tỷ giá đồng rupee. Điều này có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính quốc tế. IMF thời gian qua chỉ trích nền kinh tế số 3 châu Á can thiệp quá mức vào tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, New Delhi phủ nhận mọi cáo buộc.

IMF cuối tháng 12/2023 đã công bố báo cáo thường niên về kinh tế Ấn Độ trong giai đoạn tháng 12/2022 đến tháng 10/2023. Đây là một phần của chính sách tham vấn cũng như phân tích điều kiện kinh tế - tài chính các thành viên chủ chốt.

picture1.jpg
Ấn Độ đang có mâu thuẫn chính sách tiền tệ với IMF - Ảnh: CNN

Báo cáo ca ngợi kinh tế Ấn Độ tăng trưởng tốt. GDP ấn tượng bậc nhất châu Á, với con số các quý của năm 2023 đều trên dưới 7%. Lạm phát ở mức vừa phải. Thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng được cải thiện. Tất cả tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế. Thành tựu của Ấn Độ được nhiều tổ chức tài chính quốc tế công nhận, không riêng IMF.

Tuy nhiên vẫn tồn tại những bất đồng. Trường hợp này là chính sách quản lý đồng rupee. IMF nói Ấn Độ đang thay đổi cơ chế, chuyển từ chính sách hối đoái thả nổi theo thị trường, sang cho phép sự can thiệp ngày càng mạnh của Chính phủ. Ví dụ Chính phủ đã bán ra USD nhiều hơn mức cần thiết.

Trong bản đánh giá của IMF có đoạn: “Tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái đóng vai trò chính trong duy trì ổn định tiền tệ xuyên biên giới. Khi thị trường bất an, sự can thiệp của chính phủ đôi khi diễn ra trong phạm vi giới hạn. Tuy nhiên, nhìn vào biến động tỷ giá đồng rupee và USD, có thể thấy sự can thiệp ngoại hối nhiều khả năng đã đi quá xa.”

Báo cáo ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ Ấn Độ - quốc gia đang nỗ lực để dẫn dắt những nước đang phát triển tại Nam bán cầu. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ trả lời, cáo buộc họ duy trì cơ chế cố định, thay vì thả nổi theo tỷ giá thị trường, là không chính xác và không phù hợp thực tế. Báo cáo của IMF rõ ràng bị ràng buộc bởi tầm nhìn ngắn hạn trong 6 – 8 tháng qua, mà chưa thấy con đường phía trước từ 2 đến 5 năm.

Đầu năm 2023 tới nay, tỷ giá rupee so với USD dao động trong phạm vi rất hẹp. 1 USD đổi được từ 81 đến 84 rupee. Đây là điều rất bất thường nếu đối chiếu với sự biến động mạnh mẽ của những tiền tệ khác tại châu Á.

Năm 2022, tỷ giá dao động từ 73 đến 83 rupee đổi 1 USD. Một số ý kiến ngoài IMF cũng cho rằng, khả năng cao là thị trường đã bị thao túng bởi chính sách của Ngân hàng Trung ương hoặc Chính phủ Ấn Độ.

Dẫu vậy báo cáo của IMF cũng thừa nhận, không phải tất cả chuyên gia của tổ chức này đều có chung quan điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, sự ổn định tỷ giá tiền tệ phản ánh vị thế của Ấn Độ về kinh tế và ngoại giao. Các biện pháp can thiệp được áp dụng dựa trên những nguyên tắc cơ bản.

Theo các doanh nghiệp, cách Ấn Độ giải quyết vấn đề tỷ giá hối đoái trong tương lai, là yếu tố quan trọng để tập đoàn nước ngoài quyết định có tăng đầu tư hay không. Khi biên độ tỷ giá đồng rupee thấp, biến động hạn chế giúp nhà đầu tư dễ dàng dự đoán lợi nhuận và giảm rủi ro, làm cho quá trình xem xét đầu tư dễ dàng hơn. Nếu bất kỳ sự can thiệp nào dừng lại, các chính sách thất bại và đồng rupee mất giá, sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng, nhưng cũng khiến xuất khẩu từ ngành sản xuất mà Ấn Độ củng cố trong những năm gần đây, trở nên cạnh tranh hơn.

Trong một diễn biến khác, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das mới đây đã vẽ ra bức tranh tươi sáng về kinh tế đất nước. Trả lời phỏng vấn Nikkei Asia, ông Das nói: “Việc hoạch định chính sách đã trở nên phức tạp do bất ổn toàn cầu. Xung đột địa chính trị khắp thế giới tạo ra phân mảnh về kinh tế, nhất là chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Ấn Độ đang nỗ lực để vượt qua và gặt hái một số bước tiến đáng kể.”

Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 5 và là quốc gia đông dân nhất thế giới, đang trở thành động lực ngày càng quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu, nhất là khi kinh tế Trung Quốc chậm lại. Ấn Độ hiện đóng góp 15% tăng trưởng toàn thế giới. Cường quốc Nam Á có thuận lợi về nhân khẩu học, với độ tuổi trung bình 28 và phân khúc trong độ tuổi lao động chiếm 68%. Ngược lại, dân số Trung Quốc bắt đầu giảm vào năm 2022. Hiện 30% từ 65 tuổi trở lên.

Thủ tướng Narendra Modi đặt ra tầm nhìn Ấn Độ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047, nhân kỷ niệm 100 năm độc lập khỏi thực dân Anh. Để đạt được điều đó, Ấn Độ cần tăng trưởng ở mức trên dưới 7,6% trong 2 thập kỷ tới. Năm tài chính tính đến tháng 3/2024, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ dự đoán nền kinh tế tăng trưởng 6,5% và có thể là 7%, nếu các biện pháp cải cách được thực hiện triệt để.

Mặc dù bất đồng về chính sách hối đoái, IMF vẫn dự đoán Ấn Độ sẽ vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu trong 4 năm tới. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ thì khẳng định, họ đã là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nếu tính theo sức mua tương đương.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Das cũng chia sẻ, xét bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, việc tiếp cận công nghệ và nguồn vốn ngày càng khó khăn. Với vai trò chủ tịch G20 năm 2023, Ấn Độ đã cố gắng giữ cho thế giới đoàn kết hơn và thúc đẩy thương mại công bằng. Về chủ trương ngắn hạn, Ấn Độ sẽ tập trung vào tăng trưởng trong nước, để bù đắp áp lực bên ngoài.

Đồng USD vẫn thống trị thương mại toàn cầu, nhưng đã gây thất vọng cho một số quốc gia. Trong năm qua, nhiều Ngân hàng Trung ương phải đối mặt với tình trạng đồng nội tệ mất giá, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tích cực thắt chặt tiền tệ, gây ra sự dịch chuyển dòng vốn vào Hoa Kỳ. Về điều này, ông Das lập luận, sử dụng nhiều hơn các tiền tệ khác sẽ tạo thuận lợi cho thương mại, cũng như giảm nguy cơ xảy ra cú sốc kinh tế ở Mỹ gây ảnh hưởng đến nước khác.

Do đó, Ấn Độ đang tăng cường sử dụng đồng rupee trong thương mại quốc tế. Ví dụ với đối tác lâu năm là Nga. Với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng vậy, Ấn Độ có thỏa thuận cho phép thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau.

Về vấn đề lạm phát, Ấn Độ chứng kiến con số vượt quá 7,8% vào tháng 4/2022 sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ. Điều này làm giảm nhu cầu tiêu dùng và tạm thời che mờ triển vọng tăng trưởng. Để đối phó, Ngân hàng Trung ương lập tức tăng lãi suất, từ 4% vào tháng 4/2022, lên 6,5% vào tháng 2/2023.

Đến cuối năm 2023, lạm phát cơ bản được khống chế, nhưng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cảnh báo, giá lương thực toàn cầu vẫn phức tạp, do căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu. Hiện giờ quá trình tăng lãi suất đã dừng lại, nhưng các chính sách của Ấn Độ vẫn sẽ tập trung vào tăng trưởng trong trung và dài hạn.

PV