Trong nước

Thúc đẩy tổng cầu 2024, cần chính sách gì?

TS. Hồ Hoàng Anh (*) 09/01/2024 - 15:27

Việc các thị trường lớn cho xuất khẩu của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, đều được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2024 cho thấy rằng xuất khẩu của TP.HCM và Việt Nam đến các thị trường này sẽ khó có khả năng bức phá trong năm 2024. Đây sẽ một thách thức cho TP.HCM và Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hồi phục của tổng cầu.

xk-3-20240102171646109.jpg
(Nguồn: Tổng cục Thống kê, Đồ họa: Phạm Mơ)

Kinh tế 2024 khó bứt phá

Năm 2024, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hồi phục một cách tiệm tiến, và sẽ khó có một sự bứt phá nào xảy ra vì nhiều lý do:

Mặc dù chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực và được dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, rủi ro tắc nghẽn hay đứt gãy vẫn còn khá cao. Các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Oslo (Peace Research Institute Oslo), số lượng, cường độ và thời gian kéo dài của các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới đang ở mức cao nhất kể từ thời “chiến tranh lạnh”. Với khả năng sản xuất và cung ứng toàn cầu vẫn đang trong quá trình hồi phục, sức ép lên giá cả đến từ nguồn cung hạn chế sẽ không nhanh chóng biến mất. Điều này sẽ khiến cho công cuộc chống lạm phát ở Mỹ và châu Âu có khả năng sẽ còn kéo dài. Vì vậy xác suất các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024, đặc biệt là nửa đầu năm, là khá thấp. Cả Mỹ và châu Âu đều được dự báo tăng trưởng với tốc độ khá khiêm tốn trong năm 2024. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc vẫn đang trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng của khu vực bất động sản.

Mặc dù hầu hết các tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới đều ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc ổn định hệ thống tài chính và thúc đẩy tổng cầu, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2024.

Năm 2024 dự báo tổng cầu đối với nền kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục phục hồi nhưng khó có khả năng bứt phá mạnh mẽ. Nếu tình hình kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc TP. HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP 7.1-8% trong năm 2024 là có thể đạt được.

TP.HCM cần tập trung nhiều chính sách để phục hồi tổng cầu

Nhìn chi tiết vào số liệu theo các quý trong năm 2023 cho thấy một sự phục hồi ổn định của nền kinh tế TP.HCM. Sự phục hồi của tổng cầu được phản ánh khá rõ thông qua rất nhiều chỉ tiêu về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Để hỗ trợ sự phục hồi của tổng cầu cuối năm, ngoài việc tiếp tục giải ngân đầu tư công, nhằm hỗ trợ tổng cầu phục hồi nhanh hơn, TP. HCM cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, đầu tư tích lũy tài sản của doanh nghiệp và hộ gia đình (đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản) và xuất khẩu.

Chính quyền TP.HCM nên tăng cường hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp của TP.HCM tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân. Các chương trình này cần phải được đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm kết nối một cách hiệu quả hàng hóa và dịch vụ đến đúng nhu cầu của người dân. Một chính sách quan trọng mà chính quyền TP.HCM cần chú ý nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của TP.HCM tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia ngoài Trung Quốc và Mỹ. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của TP.HCM giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn. Theo số liệu 2022, có ba thị trường tiềm năng ở ba quốc gia mà Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện hiện đang chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM là: Nhật Bản (7.16%), Hàn Quốc (4.31%) và Ấn Độ (1.41%). Trong đó Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Tiếp tục cải cách bộ máy quản lý hành chính theo hướng tinh giản thủ tục nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Trong ngắn hạn, chính quyền TP.HCM có thể nghiên cứu phân loại, xếp hạng các dự án bất động sản theo thứ tự ưu tiên, và tập trung nguồn lực nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn các dự án tiềm năng nhất để có thể tạo ra tác động nhanh nhất trong ngắn hạn.

Điều quan trọng là tất cả các chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn: Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. TP.HCM hoàn toàn không nên nóng vội chạy theo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 bằng mọi giá mà làm chậm lại tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn.

Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi, các chính sách của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc thích nghi với sự thay đổi, tận dụng các cơ hội mới của nền kinh tế thế giới đang đi đúng hướng và phát huy tác dụng.

Đặc biệt, một chính sách quan trọng để kích cầu hiện nay chưa được khai thác hiệu quả là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của TP.HCM tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế có tốc tăng trưởng cao và ổn định. Điều quan trọng là tất cả các chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn: Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

(*) Đại học Kinh tế TP.HCM

Với sự quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, cùng với chính sách tiền tệ đang nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm, sự phục hồi của tổng cầu ở TP.HCM và Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn trong năm 2024, đặc biệt là sáu tháng cuối năm.

TS. Hồ Hoàng Anh (*)