Hội - Câu lạc bộ

Ân nghĩa quê dừa luôn trong tâm khảm mỗi người con Bến Tre

Phong Nguyễn 07/01/2024 21:45

Tối ngày 7/1, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật “Ân nghĩa quê dừa – Khát vọng vươn xa”, nhân kỷ niệm 64 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi (17/1/1960 – 17/1/2024). Mục đích nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của quê hương Bến Tre, thúc đẩy tinh thần tương thân tương ái, vận động hỗ trợ các mảnh đời khó khăn, cũng như tăng cường gắn kết những người con Bến Tre trên mọi miền đất nước.

z5051790482552_6e71ee9513b2cadcccf733e9a508ec58(1).jpg

Buổi biểu diễn nghệ thuật do Ban Liên lạc đồng hương Bến Tre, CLB Doanh nhân Bến Tre và CLB Nhà báo đồng hương Bến Tre tại TP.HCM, phối hợp cùng Trung tâm Tổ chức Biểu diễn Điện ảnh TP.HCM tổ chức.

Đến dự buổi biểu diễn có các đồng chí lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo tỉnh Bến Tre, như UV TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Quyền Bí thư tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến. Bên cạnh đó là lãnh đạo một số cơ quan ban ngành và địa phương của tỉnh Bến Tre, cộng đồng doanh nghiệp, quý báo đài, các văn nghệ sĩ và đông đảo đại biểu đến từ nhiều địa phương khác nhau trong và ngoài nước.

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, thượng tọa Thích Minh Phú, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên thường trực Ban Liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP.HCM chia sẻ, mỗi người con Bến Tre dù ở khắp mọi nơi luôn hướng về quê hương xứ sở. “Ân nghĩa xứ dừa” đã khắc sâu trong tâm khảm những ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Những hình ảnh về hàng dừa, con kênh, con rạch, cùng với sự mộc mạc, chân chất, chia ngọt sẻ bùi sẽ đi theo họ suốt cuộc đời.

z5050892391759_7e52bc007ddf05e32b0182cd474025c9.jpg
Thượng tọa Thích Minh Phú (đứng giữa) lập kỷ lục vận động cho sự kiện “Ân nghĩa xứ dừa – Khát vọng vươn xa” với số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Với tinh thần trượng nghĩa tương thân tương ái đó, thượng tọa Thích Minh Phú chia sẻ tiếp, trong 6 năm qua ông đã vận động xây dựng trên dưới 600 cây cầu ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó ở Bến Tre là hơn 200. Thời kỳ Covid-19, bếp ăn ở chùa Tường Nguyên do thượng tọa trụ trì, mỗi ngày cung cấp trên dưới 20.000 phần ăn cho đồng bào gặp khó khăn ở TP.HCM.

Có mặt tại sự kiện, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng bộc bạch cùng Doanh Nhân Sài Gòn rằng, được bạn tổ chức mời hát ca khúc đặc biệt dành riêng cho sự kiện, anh thấy rất vinh hạnh và ý nghĩa. Thông qua bài hát, anh hiểu hơn về lịch sử hình thành phát triển mảnh đất Bến Tre, vốn tràn đầy khí phách hào hùng. Bản thân anh luôn yêu quý đất và người Bến Tre, xem như quê hương thứ hai của mình. Mỗi lần có dịp đi công tác hay biểu diễn nơi đây, anh thấy ấm áp cả tình người lẫn phong cảnh, nhất là những hàng dừa ngả bóng xuống dòng sông. Chương trình ngày hôm nay, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng thấy không chỉ thiết thực trong việc quyên góp ủng hộ các mảnh đời khó khăn, mà còn cho thấy tình đoàn kết, khi người Bến Tre từ khắp nơi tụ họp về. Đây là tấm gương sáng các địa phương khác thấy Bến Tre không chỉ mạnh về Đồng Khởi, còn là tình người sâu sắc. Qua chương trình này, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng học được nhiều điều về lịch sử từ các cha chú – những bậc tiền nhân đi trước, cũng như cách người Bến Tre dành sự yêu thương cho nhau.

Thầy giáo Lê Đức Toàn đang dạy tiếng Nhật tại quận Tân Phú, lại thể hiện sự ấn tượng với sự chuyên nghiệp của chương trình. Các ca khúc đều toát lên tinh thần và ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải, nhất là liên quan đến xứ dừa. Là người con miền Tây, đến từ An Giang, nên với anh Toàn, Bến Tre cũng như quê hương quê mẹ.

Phong Nguyễn