Bốn yếu tố giúp doanh nghiệp trụ vững tại Trung Quốc
Trong tuyên bố chung ngày 13/12/2023 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, nước bạn cho biết sẽ mở cửa thị trường rộng hơn cho nông sản nước ta, như: dừa tươi, bơ, mãng cầu, sầu riêng và các trái cây đông lạnh khác. Thịt bò và thịt heo cũng nằm trong danh sách Trung Quốc ưu tiên nhập khẩu.
ThS. Lưu Văn Vinh - chuyên gia kinh tế và an ninh tiền tệ chia sẻ thêm về vấn đề này với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.
* Ngoài quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, theo ông vì sao Trung Quốc mở rộng nhập khẩu nông sản Việt Nam?
- Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tới toàn cầu, trong đó Trung Quốc và Việt Nam thuộc nhóm bị tác động nhiều nhất. Năm 2022 và 2023, sông Hoàng Hà và Trường Giang, nhiều nơi cạn khô, dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới tiêu. Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới nhưng chưa tới 10% diện tích đất canh tác. Diện tích đất nông nghiệp lại ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa, công nghiệp hóa và sa mạc hóa.
Biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên làm cho rau khó trồng, lợn chậm lớn, gà đẻ ít trứng và bò cho ít sữa hơn. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ước tính, nông sản năm 2030 có thể giảm 8% so với năm 2020, đe dọa an ninh lương thực. Để ngăn viễn cảnh trên, hai năm qua Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD đào kênh và xây dựng hệ thống tưới tiêu và đưa công nghệ tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi. Trước mắt, các giải pháp này đã phát huy phần nào hiệu quả. Ví dụ họ xây dựng một khối nhà 26 tầng làm trang trại nuôi lợn lớn nhất thế giới, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến để hạn chế tối đa ảnh hưởng của khí hậu đến vật nuôi, từ đó cung cấp hàng trăm nghìn tấn thịt lợn ra thị trường mỗi năm.
Nhìn chung, Trung Quốc đang chạy đua để chống lại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhưng theo tôi, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường nhập khẩu nông sản từ bên ngoài.
* Doanh nghiệp nông sản Việt Nam cần làm gì để đứng vững ở thị trường Trung Quốc, thưa ông?
- Để đứng vững ở thị trường Trung Quốc liên quan đến nhiều thứ, ví dụ quan hệ chung giữa hai nước. Về cơ bản, để trụ lại và mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại Trung Quốc cũng giống như những thị trường lớn khác. Tôi nghĩ doanh nghiệp nông sản Việt Nam cần lưu ý 4 điều sau.
Một, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng khó tính với tiêu chuẩn cao vì sức khỏe. Để nâng cao chất lượng, doanh nghiệp nông sản cần chú trọng áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hạn chế tối đa hóa chất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức cao nhất. Hai, tuân thủ quy định của thị trường Trung Quốc. Nước bạn có nhiều điều khoản khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó có truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu và nắm thật vững những quy định này. Ba, tìm kiếm đối tác kinh doanh uy tín. Thị trường Trung Quốc có quy mô cực lớn, nhưng cũng không ít rủi ro. Do đó, doanh nghiệp nông sản Việt nên tìm đối tác kinh doanh uy tín của nước bạn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản xuyên biên giới. Bốn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Để tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường, doanh nghiệp Việt cần xúc tiến thương mại tại Trung Quốc nhiều hơn, như tham gia hội chợ - triển lãm, tổ chức những đoàn khảo sát. Hội chợ - triển lãm đa ngành, đa lĩnh vực, nước bạn tổ chức rất nhiều và thường xuyên.
* Trong thời gian qua hai nước đã có sự chuẩn bị gì để tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc?
- Khả năng cao là trong năm 2024, xe tải chở rau củ quả của Việt Nam sẽ thông thương qua cửa khẩu dễ dàng hơn. Vận chuyển chính ngạch sẽ chiếm ưu thế và tiểu ngạch giảm dần. Hai bên vừa đồng ý nâng cấp hạ tầng công nghệ một số cửa khẩu quan trọng như Tân Thanh và Hữu Nghị. Việc sử dụng giải pháp thông minh trong kiểm kê hàng hóa và kiểm tra xe cộ được dự báo giúp quy trình thông quan mau lẹ hơn, tiết kiệm tiền bạc và công sức cho doanh nghiệp. Không chỉ cửa khẩu trên bộ, tôi nghĩ cảng hàng không, cảng biển, đường sắt, quy trình xuất nhập khẩu cũng sẽ cải tiến trong thời gian tới.
* Một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào một thị trường và phải tìm thêm thị trường mới...?
- Mấy năm nay nhiều doanh nghiệp tích cực tìm thêm thị trường xuất khẩu. Mỹ đang là đối tác mua hàng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên nông sản có đặc tính riêng. Ví dụ không thể để trong thùng hàng quá lâu. Giá trị nông sản cũng không quá cao nên không thể tốn nhiều chi phí logistics. Thị trường Trung Quốc cực lớn, lại nằm sát bên, chúng ta không muốn phụ thuộc vào nó cũng khó. Dẫu vậy, tôi tin rằng, nếu cải cách mạnh mẽ ngành nông nghiệp, như đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao chất lượng lẫn số lượng. Doanh nghiệp chúng ta có thể xuất khẩu nông sản nhiều hơn sang những thị trường gần, như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines.
* Cảm ơn ông!