Chuyện làm ăn

Ngành gỗ vẫn còn thách thức

Hồng Nga 29/12/2023 - 22:48

Ngành gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức bởi các quy định càng ngặt nghèo hơn từ các nhà nhập khẩu quốc tế.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022. Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest cho rằng, 2023 là một năm đầy thách thức của ngành gỗ Việt Nam khi xuất khẩu giảm sâu nhất. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính như Mỹ, EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, một số DN thậm chí phải đóng cửa. Bên cạnh các khó khăn về đầu ra, ngành đang đối diện với một số vấn đề thới sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành.

Chia sẻ thêm về thực trạng ngành gỗ, ông Trần Quốc Mạnh - Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết hiện nay, hầu hết các thị trường quốc tế đều đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương, nhập khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam. Chẳng hạn, Nhật Bản yêu cầu sản phẩm gỗ phải có chứng chỉ bền vững trong khi nhà nhập khẩu Đức yêu cầu các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạnh sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…

Không chỉ vậy, từ tháng 10/2024, các quốc gia châu Âu đã có yêu cầu về Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), buộc hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu phải được sản xuất ở nhà máy ít phát thải hơn. Trước đó, hồi tháng 6/2023, EU đã đưa ra Quy định chống phá rừng (EUDR), buộc sản phẩm gỗ nhập vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng… Đây là các yêu cầu khắt khe mà nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam rất khó để đáp ứng trong thời gian ngắn.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), những quy định của EUDR đặt ra những thách thức lớn cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng chính sách, hạ tầng thông tin để người sản xuất biết số gỗ đó được sản xuất ở khu đất nào, có đáp ứng được yêu cầu của EUDR hay không. Bởi nguồn gốc gỗ chứng minh ở Việt Nam đã khó, việc chứng minh ở nước nhập khẩu lại càng khó hơn.

go2.jpg

Theo nhiều DN, để thực hiện việc sản xuất xanh, DN phải bỏ ra một khoản vốn đầu tư khá cao - đây là điểm yếu khi mà hầu hết đều là DN nhỏ và vừa. Đã vậy, hiện vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ DN phát triển xanh. Theo khảo sát của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, có đến 89% DN được hỏi đã trả lời không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm xanh. Chỉ có 26% DN cho biết họ nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, phân phối đối với sản phẩm xanh.

Ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường nội thất toàn cầu đạt giá trị 677 tỷ USD vào năm ngoái và sẽ đạt 1.070 tỷ USD năm 2030.


Hồng Nga