Đón 2024, niềm tin mới, kỳ vọng mới
Năm 2023 với nhiều khó khăn đang gần qua đi, đón chào năm mới 2024, cộng đồng doanh nhân đang kỳ vọng kinh tế với những “điểm sáng” được dự báo, nhiều doanh nhân đưa ra chiến lược thích ứng, đón đầu cơ hội tăng trưởng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
1.Lạc quan kinh tế 2024
Dự báo mới nhất của Công ty Chứng khoán VnDirect, GDP của Việt Nam có thể tăng 7,0% so với cùng kỳ trong quý IV/2023, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm lên 5,0%. Đồng thời, VnDirect cũng kỳ vọng quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm tới và dự báo mức tăng trưởng GDP là 6,3% so với cùng kỳ vào năm 2024 nhờ các yếu tố hỗ trợ sau:
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn, khi được hỗ trợ từ mức rất thấp vào năm 2023, đồng thời đơn đặt hàng bên ngoài tăng trong bối cảnh lạm phát giảm, mức tồn kho giảm ở các thị trường phát triển.
VNDirect ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 7% trong năm tới, cải thiện từ mức giảm (dự kiến) là 4,7% vào năm 2023. Sự phục hồi của hoạt động sản xuất cũng kích thích nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng khoảng 8,5% trong năm tới, cải thiện từ mức giảm (dự kiến) 9% vào năm 2023. Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và những năm tiếp theo cũng sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi của hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước theo sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương được cải thiện vào năm 2024. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa đầu năm 2024.
Chính phủ dự kiến chi 499 nghìn tỷ đồng trong 3 năm tới (2024-2026) để thực hiện cải cách tiền lương, trong đó chi tăng lương là 470 nghìn tỷ đồng (~19,3 tỷ USD). Ngoài ra, 11 nghìn tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng lương hưu và 18 nghìn tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng trợ cấp cho những người có công với cách mạng.
Thứ ba là sự hồi phục của thị trường bất động asản. Theo VNDirect, 70-80% khó khăn trên thị trường hiện nay đều liên quan đến vấn đề pháp lý. Để hỗ trợ thị trường, Chính phủ và các địa phương đang tích cực xử lý vướng mắc pháp lý với các dự án bất động sản. TP.HCM đã giải quyết được 30% dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, trong khi Hà Nội cũng giải quyết xong vướng mắc pháp lý cho khoảng 60% dự án.
Lãi suất cho vay giảm 2-3 điểm % kể từ đầu năm 2023 sẽ thúc đẩy nhu cầu vay thế chấp và cải thiện tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024. Hơn nữa, sự hồi phục dần của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là chìa khóa giúp giải quyết khó khăn về vốn cho các nhà phát triển bất động sản trong những năm tới.
Sự phục hồi của lĩnh vực đầu tư tư nhân, được kỳ vọng bởi những lý do sau: Doanh nghiệp sẽ triển khai dự án mới, mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng và sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu; lãi suất cho vay thấp hơn, điều kiện tài chính toàn cầu được nới lỏng hơn vào nửa cuối năm 2024 và sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới.
Tuy nhiên, nhưng dự báo trên sẽ còn những tác động của rủi ro, đến từ lạm phát cao hơn dự kiến ở Mỹ và châu Âu sẽ khiến Fed và ECB duy trì chính sách tiền tệ “diều hâu”; DXY mạnh hơn dự kiến, có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam; tăng trưởng chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam sẽ làm chậm quá trình phục hồi của khu vực sản xuất.
2. Doanh nhân kỳ vọng gì?
Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT
“Khó khăn năm 2023 sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2024 chứ chưa khởi sắc ngay được. Khi xảy ra việc đụng độ của các cường quốc, việc sản xuất và vận chuyển máy móc và linh kiện trong lĩnh vực khoa học công nghệ ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn như đơn hàng chậm trễ và đôi khi thay đổi rất nhiều so với ban đầu. Điều quan trọng là DN phải nhận diện được những vấn đề phải đối mặt và đưa ra hoạch định để quản trị rủi ro.
Việc hoạch định chiến lược trong tình hình bất ổn kinh tế và địa chính trị trên thế giới hiện nay không dễ dàng, nhưng mỗi DN đều cần làm quen và hợp tác, thay vì đối đầu trực diện. Quan trọng hơn, DN phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Hoạch định chiến lược hợp tác hiệu quả mới tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và tạo ra công ăn việc làm cho xã hội.
Chính phủ đã nhận ra những thách thức đối với DN và đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Các cơ quan ban ngành cũng đang quyết liệt triển khai và giám sát nhiều dự án đầu tư công. Tuy nhiên, DN vẫn có nhu cầu được giải quyết các vướng mắc về luật lệ và quy định một cách nhanh chóng để tránh gây thiệt hại về chi phí và thời gian hay mất đi nhiều cơ hội.
Tinh thần doanh nghiệp nên được triển khai không chỉ trong giới doanh nhân mà còn trong cơ quan quản lý Nhà nước vì cơ quan Nhà nước cũng cần giúp DN nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ và trọng trách khôi phục kinh tế chung. Tín hiệu đáng mừng là Chính phủ đã nhận ra điều này và đã quyết liệt nâng cao hơn nữa nhận thức và tinh thần của cán bộ các cơ quan để phục vụ DN, mong rằng sẽ có kết quả chuyển biến tích cực trong năm 2024.
TP.HCM đang bàn về cơ chế đặc thù để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế. DN trong ngành khoa học công nghệ đều muốn tìm cơ hội khi TP.HCM chuyển mình thành trung tâm tài chính vì có nhiều thế mạnh trong việc ứng dụng quản lý ngân hàng, tài chính và quản trị dữ liệu. Tôi có niềm tin vào những biến chuyển tích cực trong năm 2024. Công ty chúng tôi có đội chuyên gia kinh nghiệm và nhiều uy tín trên thị trường. Vì vậy chúng tôi sẽ mạnh dạn mở rộng dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng ở các thị trường hiện tại và thị trường mới. Chúng tôi cũng sẽ đầu tư vào công nghệ và tăng cường chất lượng, dịch vụ và nguồn lực con người. Năm 2024 sẽ là năm chúng tôi đồng hành với TP.HCM phục hồi và phát triển kinh tế”.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty CP Bibica
“Năm 2024 tôi cũng chưa nhìn thấy tín hiệu tốt lên một cách rõ ràng. Các yếu tố ảnh hưởng ở tầm vĩ mô vẫn còn nên chắc chắn khó khăn sẽ còn tiếp diễn nhưng trong thách thức đó, tôi nghĩ cũng có những “điểm sáng”.
Mặc dù thấy trước khó khăn nhưng nhận định cá nhân, tôi vẫn cho rằng có thể đã qua “đáy” rồi, điều khó khăn nhất đã ở lại phía sau. Năm 2024, tôi nghĩ kinh tế vĩ mô nói chung sẽ có chuyển biến thuận lợi hơn hoặc ít ra là không khó khăn hơn năm 2023. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào, bây giờ không còn nhiều. Trong quý IV, biến động về tỷ giá cũng tác động đến giá đầu vào tương đối nhiều nhưng sang tháng 12, tôi thấy tình hình cũng đỡ hơn. Có thể thấy, với quyết định mới của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) khả năng sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 thì hy vọng tỷ giá sẽ không biến động ở mức đáng lo ngại như đã dự báo trước đó, đây cũng là một thuận lợi.
Riêng Công ty CP Bibica cũng tập trung rất nhiều vào các hoạt động kiểm soát chi phí và tập trung phục vụ khách hàng tốt hơn để có thể tồn tại trong năm 2023. Công ty không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạt 92-95% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đánh giá chung thì công ty vẫn ổn định sản xuất, duy trì sự hiện diện của sản phẩm trên thị trường và phục vụ người tiêu dùng. Đây là một kết quả có thể chấp nhận được và dù không quá thuận lợi nhưng nó cũng giúp Công ty có điều kiện tiếp tục cố gắng phấn đấu vươn lên trong năm 2024.
Năm 2024, Công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10-15% so với năm 2023 và các giải pháp vẫn tập trung vào kiểm soát chi phí đầu vào để đảm bảo sản phẩm có giá thành phù hợp, phục vụ người tiêu dùng; Xây dựng nhiều phương án kinh doanh khác nhau để đảm bảo thích ứng được trong các điều kiện khác nhau.
Bà Hoàng Bích Thảo - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàng Lam
“Qua một năm quá khó khăn thì Công ty cũng phải có thêm những hướng phát triển mới. Tôi định hướng cho Công ty mở rộng thêm các lĩnh vực hoạt động về sản xuất nông nghiệp, ví dụ như trồng xoài, làm nhà máy chế biến các sản phẩm xoài. Chúng tôi cũng mua thêm đất trồng cây lâu năm để phát triển cây nông nghiệp. Việt Nam có ưu thế về nông nghiệp, nông sản rất chất lượng, sắp tới, đây sẽ là một ngành phát triển bền vững. Ngoài ra, chúng tôi mở rộng việc thi công chăm sóc cây kiểng ra các tỉnh để có thêm công ăn việc làm cho công nhân.
Bên cạnh đó, Công ty Hoàng Lam cũng áp dụng các giải pháp về công nghệ để giảm bớt sức lao động, làm sao phát triển công việc nhưng không cần tăng nhân công, qua đó, tăng năng suất đồng thời tăng lương cho người lao động.
Tôi hy vọng rằng với chính sách mở của Nhà nước về vấn đề tài chính, cho các DN đang gặp khó khăn vay vốn để tiếp tục sản xuất, đẩy mạnh công việc của mình. Việt Nam là nước nông nghiệp, có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, nếu phát triển được thị trường này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các DN.
Hy vọng với những đột phá trong hoạt động sắp tới của kinh tế TP.HCM cũng như cả nước thì các DN sẽ đỡ khó khăn và có sự phát triển hơn so với năm 2023. Tôi tin tưởng rằng Công ty TNHH Hoàng Lam sẽ là một DN đóng góp rất nhiều cho hoạt động của Thành phố trong đó có việc tăng cường mảng xanh tạo thêm những khu vực xanh, sạch, đẹp cho thành phố.
Ông Trần Văn Liêng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cacao Việt Nam (Vinacacao)
“Trong năm 2024, Công ty sẽ mở rộng xuất khẩu ở thị trường Bỉ. Để vào được thị trường mới này, Vinacacao sẽ liên kết hợp tác cùng DN bản địa để trao đổi thị trường. Ông cho biết DN hiện nay tìm được khách hàng trong một thị trường mới rất khó khăn. Trong nhiều năm qua, các DN trong ngành đã thúc đẩy nhiều hoạt động xúc tiến sản phẩm chế biến để gia tăng giá trị ra thị trường thế giới nhưng chỉ dừng lại mức chế biến thô, trị giá gia tăng thấp. Đối với chocolate, thâm nhập thị trường châu Âu và Bắc Mỹ giống như chở “củi về rừng”.
Hiện nay, chi phí quảng cáo và tiếp thị đã tăng cao hơn trước rất nhiều. Vì vậy, Vinacacao sẽ cùng DN Bỉ chọn mô hình thương mại hai chiều. Hai đối tác tại hai quốc gia sẽ hoán đổi thị trường, giúp nhau thâm nhập vào hệ thống phân phối tại quốc gia sở tại, qua đó đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối. Phương thức này còn gọi là đổi hàng, thanh toán bằng cách bù trừ nên sẽ không dùng ngoại tệ và cũng không chịu sự chênh lệch tỷ giá. Bỉ sẽ là thị trường thử nghiệm của Vinacacao trong năm 2024 để mở rộng phát triển sang các nước lân cận vào năm 2025”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Triển lãm Hàng không Việt Nam (VIAExpo)
“Năm 2024 lĩnh vực hàng không sẽ tiếp tục phục hồi, ngang với năm 2023 hoặc hơn. Trong bức tranh đầy khó khăn năm 2023, hàng không là một trong những lĩnh vực hiếm hoi có sự phục hồi ấn tượng. Năm 2024, tôi nghĩ rằng kinh tế vẫn khó khăn nhưng sẽ chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực. Năm 2023 GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 5%. Trong bối cảnh khó khăn của thế giới như hiện nay, thì con số trên cũng không phải là quá tệ. Có thể năm 2024 sẽ tương đương hoặc cao hơn. Du lịch sẽ tiếp tục phục hồi. Tôi tin rằng năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ cao hơn con số 12 triệu người của năm 2023. Lạc quan nhất, tôi nghĩ chúng ta sẽ đón từ 15 - 18 triệu du khách”.