Thịt nhân tạo - Thức ăn tương lai quá đắt ở hiện tại
Khác với kỳ vọng của nhiều người, thịt nhân tạo đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, đơn giản vì loại thức ăn của tương lai này quá đắt ở hiện tại.
Tháng 6 qua, Eat Just và Upside Foods đã trở thành hai doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép bán thịt nhân tạo được nuôi cấy ra thị trường. Trước đó, hai startup này cũng được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép, xác nhận rằng thịt gà nuôi cấy tại phòng thí nghiệm của họ an toàn với sức khỏe của người tiêu dùng.
Ngoài Mỹ, Eat Just còn bán thịt nuôi cấy tại Singapore - quốc gia đầu tiên cho phép bán loại sản phẩm này vào năm 2020. Theo The Economist, rất nhiều đối thủ đang nỗ lực đuổi theo Eat Just và Upside Foods, với tổng cộng khoảng 160 công ty cố gắng đưa thịt nuôi cấy ra thị trường. Tuy nhiên, điều này là không hề dễ dàng. Tại Mỹ, thực khách không có thẻ nhà báo hiện chỉ có thể tìm thấy thịt nuôi cấy tại duy nhất hai nhà hàng, một ở San Francisco và một ở Washington D.C..
Trên thực tế, con số vừa nêu hết sức khiêm tốn, khi nhiều dự báo cách đây vài năm đều khẳng định rằng triển vọng của ngành công nghiệp thịt nuôi cấy là vô cùng khả quan. Vào năm 2021, McKinsey từng dự đoán giá trị của ngành này có thể vọt lên 25 tỷ USD trên toàn cầu vào cuối thập niên này. Giờ, hy vọng đó dường như ngày càng mờ mịt, trong bối cảnh thịt nhân tạo vẫn giậm chân tại chỗ do chi phí cao và nhiều rắc rối trong việc mở rộng quy mô sản xuất.
Tiềm năng phát triển nhờ lý do đạo đức và môi trường
Về mặt lý thuyết, triển vọng của thịt nuôi cấy là khá hấp dẫn, vì nó được nhiều người cho là sẽ hỗ trợ giải quyết hai vấn đề là nhu cầu tiêu thụ thịt và lượng khí thải nhà kính. Cụ thể, dân số thế giới dự kiến đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050, với tỷ lệ cư dân thành thị và tầng lớp trung lưu tăng, kéo theo sức tiêu thụ thịt ngày một lớn, ước đạt 470 triệu tấn/năm. Hiện, nhu cầu thịt đã và đang tăng vọt trong tầng lớp trung lưu đang phát triển ở cả châu Phi lẫn châu Á.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, 12% lượng khí thải nhà kính của nhân loại đến từ hoạt động sản xuất thịt và sữa. Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc cảnh báo, nếu phương thức chăn nuôi như hiện tại được giữ nguyên thì để có thể cung cấp đủ thịt cho 9 tỷ người, diện tích rừng bị phá nhằm lấy đất sản xuất sẽ tăng gấp đôi, khiến lượng khí thải nhà kính tăng thêm 77%.
Do đó, những người ủng hộ thịt nhân tạo được nuôi cấy tại phòng thí nghiệm cho rằng sản phẩm này có thể giúp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt ngày một lớn mà đồng thời không cần phải cắt giảm ngân sách carbon. Hơn nữa, tại các quốc gia giàu có, nhiều người lại muốn cắt giảm mức tiêu thụ thịt, hoặc vì lý do đạo đức hoặc vì lý do môi trường, đơn cử như khoảng 40% người Mỹ tuyên bố hạn chế tiêu thụ thịt vì môi trường. Với một số người tiêu dùng, ăn thịt nhân tạo có thể ít gây lo ngại về mặt đạo đức hơn so với việc ăn thịt động vật.
Và, thành công bước đầu của các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật đã thắp lên hy vọng cho các nhà đầu tư. Ví dụ, Beyond Meat - một nhà sản xuất các sản phẩm thay thế thịt từ thực vật, đã IPO vào năm 2019 và chứng kiến giá trị của công ty tăng lên 14 tỷ USD. Thêm vào đó, những người đam mê thịt nuôi cấy thậm chí còn mơ về đủ loại sản phẩm khác ngoài thịt gà. Đầu năm nay, Vow Food - một startup ở Úc, đã tạo ra "thịt viên voi ma mút" chứa ADN lấy từ xác của một con voi ma mút đông lạnh trộn với ADN của voi hiện đại. Wanda Fish Technologies - một công ty tại Israel, đang nghiên cứu để nuôi cá ngừ vây xanh
Hai thách thức lớn với thịt nhân tạo
Dù vậy, có hai thách lớn đang cản trở mọi doanh nghiệp sản xuất hàng loạt thịt nhân tạo. Đầu tiên là nhu cầu. Dù thịt nuôi cấy sẽ còn khá lâu để được bày bán rộng rãi trên các kệ siêu thị, người anh em của nó - thịt từ thực vật, đang trải qua giai đoạn khó khăn.
Theo công ty nghiên cứu Circana, doanh thu các loại thịt thay thế ở Mỹ lập đỉnh vào năm 2021, đạt 483 triệu USD. Dù vậy, trong 12 tháng gần nhất (tính đến tháng 11/2023), con số này đã giảm còn 338 triệu USD. Hiện, doanh thu vẫn tăng ở châu u, dù đã chậm hơn trước.
Khi sức mua giảm, niềm tin của giới đầu tư cũng vơi dần. Trên thực tế, giá trị vốn hóa của Beyond Meat đã giảm mạnh, xuống chỉ còn hơn 600 triệu USD. Bên cạnh đó, một số loại thịt nhân tạo về căn bản là không ngon bằng thịt thiên nhiên. Theo dữ liệu từ Viện Good Food (GFI) - một tổ chức tư vấn về protein thay thế, khoảng một nửa số người thử thịt thực vật một lần không cảm thấy thích nó.
Thách thức thứ hai khó khắc phục hơn là chi phí phát sinh từ quy trình nuôi cấy phức tạp. Trong quy trình nuôi cấy thịt, tế bào được lấy từ động vật bằng sinh thiết không gây hại, sau đó được đặt vào các bình thép lớn gọi là lò phản ứng sinh học chứa dung dịch gồm các chất dinh dưỡng như muối, protein và carbonhydrate. Ở nhiệt độ thích hợp, tế bào được nuôi cấy sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân rồi cho ra thịt sau 2-3 tuần.
Theo GFI, các loại thịt từ thực vật có giá gấp đôi một miếng thịt từ trang trại. Elliot Swartz - một nhà phân tích tại GFI, cho biết việc chuyển sang sử dụng các nguyên liệu nông nghiệp, thay vì nguyên liệu dược phẩm, có thể giúp giảm tới 90% chi phí nuôi cấy. Dù vậy, Swartz cho rằng thịt nuôi cấy vẫn sẽ đắt hơn khoảng 5 lần so với loại từ trang trại.
Nhận thức về khó khăn này, nhiều công ty đã và đang nghiên cứu để tìm cách giảm chi phí. Amy Chen - CEO tại Upside Foods, cho biết startup của cô đã tìm ra các tế bào không cần đến chất tăng trưởng bên ngoài, nhờ đó giúp cắt giảm chi phí. Còn Gustavo Burger - ông chủ của Believer Meat, một công ty tại Israel, gần đây tuyên bố đã hạ chi phí cho giải pháp tăng trưởng xuống dưới 1 USD/lít, thấp hơn nhiều so với mức mà các công ty khác phải trả.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thịt kỳ vọng rằng chi phí có thể được tiếp tục cắt giảm nhờ một chuỗi cung ứng mới đang hình thành. Trong đó, ADM - một tập đoàn nông nghiệp khổng lồ ở Mỹ đã bắt đầu cung cấp nguyên liệu cho quy trình tăng trưởng tế bào. Ngoài ra, những công ty mới tham gia với thiết bị được thiết kế riêng cũng đã xuất hiện như Multus Biotechnology của Anh chuyên bán các thành phần dung dịch và NewDay Farms của Trung Quốc chuyên sản xuất các giàn giáo giúp định hình tế bào khi chúng phát triển.