Du lịch

Về Hà Tiên...

Đức Liên 28/12/2023 11:00

Đôi khi ta bất chợt tìm thấy vẻ đẹp đợi chờ và rung cảm về những điều từng nghe nói đến. Thú thật phải vài lần đến Kiên Giang tôi mới hiểu thêm vùng đất có bề dày lịch sử - văn hoá của Tây Nam bộ, ở nơi từng mệnh danh là “Hà Tiên thập vịnh”.

ebce7811-6424-4b8b-9c03-86fc83550711.jpg

Những chuyến tàu ngược xuôi đưa khách đi lại trên Giang Thành, sóng nước xô nghiêng chòng chành làm cho du khách ngồi thưởng thức cà phê trên nhà hàng nổi cảm thấy thú vị. Tôi dõi mắt nhìn theo về phía đầm nưóc lợ Đông Hồ, một trong các điểm tham quan du lịch sinh thái ở Hà Tiên, trông như góc rừng cây bao phủ, nhô ra ôm lấy một phần Giang Thành. Nắng chiều soi bóng trên mặt nước tựa như quả cầu màu đỏ cam, rực rỡ giữa nền màu xanh lá cây từ rặng núi Tô Châu, góp thêm nét vẽ tô diểm bức tranh thiên nhiên của Hà Tiên thêm sắc màu chờ đón Xuân sang.

Dừng chân bên Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ

Đối diện Giang Thành là Nhà lưu niệm Thi nhân Đông Hồ - di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Kiên Giang, lần đầu tiên tôi cùng vài người bạn viếng thăm. Bước chân qua cổng du khách nhìn thấy tấm bảng đỏ “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường”, chung quanh phía trước có trồng một số cây xanh mang đến sự yên bình, riêng cây mai tứ quý, có tên gọi khác là nhị độ mai trong dáng thế của cây mai nhiều năm tuổi đã tạo niềm thích thú cho những du khách yêu hoa. Những cánh hoa mai vàng vẫn đều đặn khoe sắc thanh tao ở ngôi nhà lưu niệm văn chương thi phú có một không hai trên vùng đất này, mang đến cảm xúc cho khách phương xa như tìm thấy nắng xuân về trên đất Hà Tiên.

Gian phòng chính của nhà lưu niệm trưng bày nhiều hình ảnh, các tủ sách, những bài báo xưa và nay, nôi bật là tượng và di ảnh của nhà văn, nhà giáo Đông Hồ (1906-1969) cùng “tiểu muội” (theo cách gọi của nhà văn Đông Hồ về người vợ của mình) - nhà thơ Mộng Tuyết. Với tôi, thời trung học phổ thông trước năm 1975 đã từng nghe thầy cô giảng văn say sưa bình về các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn và tôi từng đọc qua một số tác phẩm của các nhà văn trong Tự Lực văn đoàn nên cảm thấy thú vị được nhìn thấy vài bức ảnh xưa đặt trong tủ kính, trong đó có bức ảnh đen trắng nhà văn Đông Hồ chụp cùng nhà văn Nhất Linh vào năm 1963, cạnh đó là bức ảnh cũ gồm nhà thơ Nguyễn Bính chụp chung với nhà văn Đông Hồ, nhà thơ Mộng Tuyết cùng vài bạn bè khác. Nhà lưu niệm này vì thế có ý nghĩa và giá trị lịch sử, giới thiệu người xem về một thời kỳ văn chương Việt Nam và một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam tiêu biểu.

Chút hoài niệm về Tao Đàn Chiêu Anh Các

Cách đó không xa là Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các phía dưới chân núi Bình San, từ đây nhìn ra khuôn viên rộng lớn với hồ nước trồng sen nở quanh năm. Người bảo vệ di tích lăng mộ cha con Tổng trấn Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Chiêu Anh Các chờ khách tham quan từ trưa đã niềm nở đón tiếp chúng tôi. Chú Tám, tên đầy đủ là Ông Vĩnh Phúc, (sinh năm 1941) cho biết chú đã 31 năm liên tục làm công việc trông coi, giữ gìn lăng mộ cha con tiền nhân Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cùng dòng họ thân tộc, bao gồm cả Chiêu Anh Các. Gắn bó qua bao năm tháng nên những thay đổi ở đây chú đều có thể nhớ tường tận, chú Tám bộc bạch: “Tôi sinh ra lớn lên từ mảnh đất Hà Tiên, tôi vừa tự hào vừa biết ơn công lao của các bậc tiền nhân đã khai phá, tạo dựng nên Hà Tiên như hôm nay. Được tham gia vào công việc giữ gìn, trông coi di tích đã giúp tôi thể hiện lòng yêu quê hương của người con đất Hà Tiên”. Nhìn lại các sắc phong từ thời vua Minh Mạng đặt trang trọng trong ngôi nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, gắn liền với lịch sử văn hoá cách nay trên 300 năm tôi càng thêm quý trọng lịch sử văn hoá của vùng đất nổi tiếng “Hà Tiên thập vịnh”.

Ngắm hoàng hôn trên vịnh Thuận Yên

Gần một ngày rong ruổi trên đất Hà Tiên, chỉ đủ ghé thăm, tham quan một vài nơi cần đến, dẫu không nhiều, nhưng so với các lần du lịch, công tác trước đây tại Hà Tiên tôi chỉ mới lướt qua nên lần này được bạn bè đồng nghiệp ở báo Kiên Giang nhiệt tình hướng dẫn, phần nào giúp tôi ngộ ra những điều mà bản thân mình còn lơ tơ mơ. Nhà báo Lâm Việt Khởi khá tâm huyết về văn hoá lịch sử của quê hương mình, đồng thời theo tôi, anh là một trong những người chịu khó nghiên cứu sách vở, từng tiếp xúc với những nhân chứng tại địa phương đã chia sẻ với tôi một số thông tin có chiều sâu về Kiên Giang nói chung, Hà Tiên và Rạch Giá nói riêng thật lý thú. Những bức ảnh của nữ đồng nghiêp An Lâm ghi lại lúc tôi tác nghiệp bên bờ biển Hà Tiên và một số nơi khác, ảnh chụp tự nhiên không hề diễn, tôi thích và cất giữ xem là một kỷ niệm đẹp khó quên về đất và người Kiên Giang.

Trước khi chia tay Hà Tiên về lại Rạch Giá, chúng tôi dừng chân bên Nhà hàng Phương Hoa, thuộc địa phận ấp Hoà Phầu, xã Thuận Yên, nơi có không gian hữu tình nhìn ra vịnh Thuận Yên. Chủ nhà hàng không chỉ rành các món ăn ngon lạ, còn là người yêu thích văn chương, mê say sưu tầm cây cảnh đẹp, vì thế khách và chủ có dịp luận bàn những mẩu chuyện về lịch sử - văn hóa của quê hương Kiên Giang, chúng tôi hàn huyên như “tâm đầu ý hợp”. Thật tình cờ và cũng là duyên ghé lại nhà hàng này, được ngắm cảnh hoàng hôn trên vịnh Thuận Yên, một trong khoảnh khắc mong đợi trong những ngày tôi ở lại vùng đất yêu mến, đôi lần tôi ngân nga theo lời bài hát “Kiên Giang mình đẹp làm sao”.

… Tiễn tôi ra sân bay về lại TP.HCM, nhà báo Lê Tây Hồ nhắn nhủ “mong thầy sớm trở lại Kiên Giang”, tôi mắc nợ một lời hứa rồi. Tạm biệt Kiên Giang yên bình, tôi về lại TP.HCM náo nhiệt luôn rực nắng, đây đó có những cánh mai vàng đơm nụ chào Xuân mới.

Đức Liên