Quốc tế

Chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm năm 2024

PV 28/12/2023 16:00

Một số chuyên gia mới đây dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024, xuống còn 4,6%, sau mức tăng ước lượng khoảng 5,2% năm 2023.

Theo cuộc khảo sát mới nhất của Nikkei Asia, 23 trên 25 chuyên gia kinh tế Trung Quốc nhận định, nước này sẽ đạt được mục tiêu đề ra là tăng trưởng 5% GDP trong năm 2023.

bat-dong-san-va-xay-dung-o-trung-quoc-duoc-cho-la-dang-bao-hoa-anh-cnn.jpg
Bất động sản được cho vẫn là điểm yếu của kinh tế Trung Quốc 2024 - Ảnh: CNN

Một chuyên gia từ Everbright Securities International dự báo tăng trưởng cả năm 2023 là 5,6%. Ông chỉ ra tốc độ tăng trưởng phục hồi, nhờ sản xuất công nghiệp và thị trường bán lẻ sôi động trong tháng 10 và 11.

Tuy vậy, dự báo trung bình của các nhà kinh tế về tăng trưởng năm 2024 chỉ là 4,6%, cao hơn 0,1% so với cuộc khảo sát trước vào tháng 9/2023.

Tăng trưởng năm 2023 bị ảnh hưởng bởi đầu tư cơ sở hạ tầng thấp, do tác động kéo dài của Covid-19. Vì vậy, các nhà kinh tế thận trọng về viễn cảnh năm 2024, với nguy cơ suy thoái do lĩnh vực bất động sản ảm đạm.

Bảng xếp hạng toàn cầu của S&P cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là 4,6% vào năm 2024, nhưng đưa ra kịch bản con số có thể đi xuống còn 2,9%, tùy thuộc vào bất động sản có gặp khủng hoảng hay không.

Chuyên gia Eunice Tan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết: “Năm 2023 đã bước vào quý cuối cùng. Kịch bản ảm đạm đã được nhìn thấy trước vào năm 2024. Bất động sản vẫn rất khó khăn, nhiều nơi gần như đóng băng.”

Chuyên gia kinh tế Sophie Altamatt từ tập đoàn Julius Baer, cũng đồng tình với quan điểm này. Bà nói: “Sự điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ tiếp tục vào năm 2024. Nó tác động đến nhà đầu tư, niềm tin của hộ gia đình và tình trạng tài chính của các chính quyền địa phương.”

Khi được hỏi những thách thức kinh tế lớn nhất năm 2024, 13 trong số 17 nhà kinh tế trả lời là “thị trường nhà ở trì trệ” và “niềm tin của người tiêu dùng yếu”, tiếp theo là “thiếu hoặc không đầy đủ các chính sách phù hợp”. Điều này được cho là thể hiện sự lúng túng của chính quyền trung ương, trong việc thực hiện các biện pháp kích thích hiệu quả.

PV