Tập đoàn TH và sứ mệnh tiên phong “Vì tầm vóc Việt”
Chương trình Vì tầm vóc Việt số tháng 12 lên sóng trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam với sự góp mặt của 2 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng là GS-TS. Lê Thị Hợp - Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng và PGS-TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng, đã mang tới những thông tin thiết thực về dinh dưỡng trong lứa tuổi học đường, trong đó có mô hình điểm Bữa ăn học đường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Tập đoàn TH triển khai năm học 2020-2021.
Điểm sáng về dinh dưỡng cho thế hệ tương lai
Bữa ăn học đường là mô hình đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Mô hình được thực hiện tại 10 trường học thuộc 10 tỉnh thành với các đặc tính vùng miền địa lý khác nhau trên cả nước, gồm 5 trường mầm non tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Nam; 5 trường tiểu học tại Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và An Giang.
Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã đem lại những kết quả vượt trội so với các chỉ tiêu đã đặt ra. Cụ thể, 100% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, nhân viên y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn; 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoạt động giáo dục dinh dưỡng và thể chất đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh.
Trường Tiểu học Tô Múa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) là một trong 10 trường học đã được thí điểm mô hình Bữa ăn học đường. Chỉ số đo chiều cao, cân nặng trước và sau khi thực hành theo mô hình điểm Bữa ăn học đường đã cho thấy những cải thiện tích cực về thể chất cho các em học sinh. Chia sẻ với chương trình Vì tầm tóc Việt, ông Ngô Tiến Thự - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Múa cho biết: “Sau khi kết thúc thí điểm, nhà trường vẫn cố gắng duy trì công thức dinh dưỡng và thực đơn như trong chương trình, dù không được đầy đủ hoàn toàn do vấn đề kinh phí, nhưng vẫn đảm bảo đủ chất, hấp dẫn và được các em học sinh yêu thích”.
Theo ông Phạm Thế Quyền - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Tập đoàn TH, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng TH, thì mô hình đã giải quyết được gánh nặng kép về dinh dưỡng đang tồn tại ở Việt Nam. Mô hình cũng được đánh giá là một cuộc cách mạng về nâng cao tầm vóc người Việt.
Hướng đến chuẩn hóa dinh dưỡng học đường
Tập đoàn TH đã có nhiều năm đồng hành cùng các bộ, ban, ngành, Chính Phủ chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi vàng. Tháng 9/2014, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn TH phối hợp khởi động Chương trình “Chung tay vì tầm vóc Việt”. Đây là hoạt động đầu tiên mang tầm quốc gia kêu gọi mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia vào Đề án Sữa học đường - một nội dung của Đề án 641 - Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030, phát triển mô hình Sữa học đường tại Nghệ An.
Ngoài ra, TH còn tích cực tham gia các hoạt động nâng cao sức khỏe học đường khác, như: Chương trình Xây dựng 1.000 nhà vệ sinh tiêu chuẩn cho các trường học tại vùng sâu vùng xa; tài trợ lắp đặt các bảng hướng dẫn rửa tay tại trường học để phòng chống dịch Covid-19; đồng hành cùng các hoạt động thể thao học đường như: S Race; Truyền thông phòng chống đuối nước - Hè vui khỏe, tài trợ thông qua Quỹ Vì tầm vóc Việt xây dựng trường học tại vùng cao…
Theo Nhà sáng lập Tập đoàn TH Thái Hương, những mục tiêu lớn và những trụ cột chính của chương trình Sức khỏe học đường là những giá trị cốt lõi mà Tập đoàn TH đã xây dựng và vun đắp.
Những kết quả đã đạt được từ mô hình điểm có thể xem là căn cứ khoa học và thực tiễn để có cơ sở xây dựng, chuẩn hóa về dinh dưỡng học đường và chính sách quốc gia, là nền tảng để xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường trong thời gian tới. Theo chuyên gia dinh dưỡng, PGS-TS. Lê Thị Hợp thì đây là vấn đề rất cần thiết. Bà cho biết: “Không hề đơn giản, nhưng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đang có chương trình dự kiến để xây dựng được Luật Dinh dưỡng học đường. Chúng tôi cũng mong muốn sớm có Luật Dinh dưỡng nói chung và Luật Dinh dưỡng học đường để cho con em chúng ta được hưởng lợi từ đó”.
Còn theo PGS-TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Khi thực hiện mô hình điểm tại nhiều trường với những điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, chúng ta nhận thấy rõ các yếu tố liên quan khác như chính sách, cơ sở vật chất, con người, kiến thức tập huấn nâng cao năng lực, rồi ngay cả mức thu nữa… Và đó đều là những yếu tố cần thiết để xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường. Nhật Bản họ làm ngay sau chiến tranh, còn bây giờ chúng ta không còn quá khó khăn mà chỉ là cần chuẩn hóa lại bằng một bộ luật thôi. Một khi luật được ban hành thì đó chính là lúc chúng ta có được những chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ em”.