Quốc tế

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật thế giới năm 2023

Khởi Vũ 26/12/2023 06:00

Hãy cùng Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn nhìn lại 10 sự kiện kinh tế - xã hội đáng chú ý trên thế giới trong năm qua.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023.png

Đạt 13 triệu lượt truy cập mỗi ngày chỉ trong tháng 1/2023, sự kiện ra mắt Chat GPT nhanh chóng tạo nên "cơn sốt" và tạo tiền đề cho sự xuất hiện và phổ biến của nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác. Trên thực tế, công nghệ AI dựa trên "mô hình ngôn ngữ lớn" không chỉ trở nên tốt hơn trong năm nay, mà phiên bản mới nhất của ChatGPT được cho là tiên tiến gấp 10 lần so với phiên bản tiền nhiệm của mình. Do đó, không ngạc nhiên khi "AI" được Chính phủ Đan Mạch và nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) lựa chọn là từ khóa của năm nay.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_1.png

Theo giới chuyên gia, ChatGPT hay AI nói chung sẽ là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, song điều quan trọng là cần hiểu rõ hơn về AI để tận dụng và làm chủ công nghệ này một cách có trách nhiệm. Dự báo, đến năm 2028 giá trị thị trường AI có thể vượt 1.000 tỷ USD, đồng nghĩa việc xây dựng hành lang pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn rủi ro từ AI ngày càng cần thiết. Hiện, hơn 50 tập đoàn và tổ chức nghiên cứu như Meta, IBM, Intel, Sony, Dell, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) v.v... đã cùng thành lập Liên minh AI nguồn mở để bảo đảm phương thức hợp tác cởi mở và minh bạch hơn trong việc phát triển AI.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-1-.png

Rạng sáng 6/2/2023, một trong những trận động đất kinh hoàng nhất 100 năm qua đã san bằng toàn bộ thành phố ở phía Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hơn 50.000 người dân nước này thiệt mạng. Bên kia biên giới Syria, khoảng 6.000 người cũng thiệt mạng vì rung chấn.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_2.jpg

Hai tuần sau thảm họa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết hơn 1 triệu người dân phải sống trong các căn lều, container hoặc ký túc xá sinh viên, do hơn 50.000 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc sẽ phải bị phá bỏ vì động đất. Theo các chuyên gia kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần tới 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng. Thảm họa ước tính khiến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ mất 1-2 điểm phần trăm tăng trưởng trong năm nay.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-2-.png

Tháng 3/2023, thị trường tài chính toàn cầu nói chung và hàng hóa nói riêng trải qua cơn rung lắc dữ dội khi loạt ngân hàng thương mại lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank , Signature Bank, Silvergate Bank tuyên bố phá sản. Sau khi 3 ngân hàng này lần lượt phá sản, Moody’s Investors Service - một trong 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn và uy tín nhất thế giới, đã hạ triển vọng tín nhiệm với toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ từ "ổn định" xuống "tiêu cực".

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_3.jpg

Hiệu ứng "domino" chưa dừng lại sau đó, khi bước sáng tháng 4/2023, đến lượt First Republic Bank - ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ, phá sản. Theo giới phân tích, sự sụp đổ của các ngân hàng nói trên là ví dụ cho thấy áp lực đè trên các ngân hàng khu vực ở Mỹ khi Cục Dự trữ liên bang (FED) tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Hoạt động này đã làm giảm giá trị tài sản được các ngân hàng nắm giữ như trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Đáng chú ý, theo một nghiên cứu được tờ USA Today trích dẫn, gần 190 ngân hàng ở Mỹ đang có nguy cơ phá sản. Mối lo chính nằm ở bảo hiểm tiền gửi, mặc dù hiện chỉ một nửa số người gửi tiền không được bảo hiểm đang quyết định sẽ rút tiền.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-3-.png

Vào tháng 4 năm nay, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới, với dân số gần 1,43 tỷ người, tăng trung bình 36.470 người/ngày. Dự báo, trong vài chục năm tới, Ấn Độ vẫn sẽ là nước đông dân nhất thế giới, khi dân số Trung Quốc vừa giảm vừa già và sẽ giảm khoảng 100 triệu người vào giữa thế kỷ này. Theo Giám đốc của Tổ chức Dân số Ấn Độ (PFI) Poonam Muttreja, việc trở thành nước đông dân nhất thế giới đánh dấu một giai đoạn mới trong hành trình tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy phải đối mặt nhiều thách thức trong quản lý dân số ngày càng tăng, đây cũng là cơ hội để định hình lại các chiến lược phát triển. Trong đó, lực lượng dân số trẻ của quốc gia Nam Á có tiềm năng to lớn để thúc đẩy nền kinh tế, điều mà các nhà kinh tế học thường gọi là "lợi tức nhân khẩu học".

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_4.jpg

Theo đó, các hệ quả với cán cân quyền lực ở châu Á có thể rất đáng kể trong nhiều năm tới. Dù vậy cần biết rằng để tận dụng được lực lượng lao động trẻ, Ấn Độ cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp mới vào năm 2030. PFI cũng lưu ý chính phủ nước này cần tập trung đầu tư để những người trẻ làm việc hiệu quả hơn và phải đặt họ vào trung tâm của các chính sách nếu muốn tận dụng được "lợi tức nhân khẩu học".

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-4-.png

Mở đầu với sự sụp đổ của Tập đoàn China Evergrande và nối sau là một loạt doanh nghiệp địa ốc lớn của Trung Quốc vỡ nợ, khủng hoảng bất động sản Trung Quốc không chỉ làm rung chuyển nền kinh tế nước này mà còn gây ảnh hưởng đến thế giới. Hiện, công ty bất động sản lớn nhất về doanh số của nước này là Country Garden Holdings cũng đang bên bờ vực vỡ nợ, khiến tâm lý của người mua nhà càng thêm bi quan và thị trường khó có thể phục hồi sớm.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_4.jpeg

Cần biết rằng, ngành bất động sản trong nhiều thập niên qua với tốc độ tăng trưởng như vũ bão là đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Không chỉ tạo công ăn việc làm, bất động sản còn là nơi cất giữ và tăng trưởng tài sản của tầng lớp trung lưu nước này. Hơn nữa, chính quyền các địa phương Trung Quốc cũng có mức độ phụ thuộc lớn vào thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất. Xét trên thế giới, Trung Quốc đóng góp hơn 40% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, so với 22% của Mỹ và 9% của khu vực Eurozone, theo BCA Research. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đồng nghĩa nhu cầu giảm với nhiều hàng hoá, từ dầu thô, khoáng sản cho tới vật liệu xây dựng.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-5-.png

Tháng 8/2023, thế giới chứng kiến khối BRICS (5 nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) kết nạp 6 thành viên mới gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Sau kết nạp, BRICS mới (còn gọi là BRICS+) chiếm đến 46% dân số thế giới, chiếm 29% GDP toàn cầu tính theo danh nghĩa và 37% GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP).

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_5.jpg

Về quy mô của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2023 tại Nam Phi, ngoài 5 thành viên trực thuộc, lãnh đạo G7 các nước phương Nam (đang phát triển) cũng được mời tham dự, trong đó có Việt Nam. Đây là lần đầu tiên BRICS tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng với quy mô chưa từng có. Sự mở rộng của BRICS diễn ra khi căng thẳng giữa Nga với phương Tây leo thang, từ khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga cũng đang xích lại gần hơn, khi cả Trung Quốc và Mỹ cũng đang có những bất đồng và tách rời nhau trong những năm gần đây.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-6-.png

Ngày 7/10/2023, hàng trăm tay súng phong trào Hồi giáo Hamas bất ngờ từ Gaza tràn qua biên giới Israel, giết chết khoảng 1.140 người, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 250 người làm con tin. Đây là vụ thảm sát tồi tệ nhất lịch sử Israel và gây chấn động thế giới. Ngay lập tức, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đang "chiến tranh" với Palestine và cam kết tiêu diệt Hamas. "Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, không phải trong một chiến dịch hay các cuộc tập trận, mà là trong một cuộc chiến", ông Netanyahu nói.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_6.jpg

Sau 2 tháng giao tranh, chiến tranh Israel - Hamas chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Trong báo cáo mới nhất về viễn cảnh kinh tế thế giới ngày 29/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo nếu chiến tranh Israel - Hamas trở nên trầm trọng hơn và lan ra toàn khu vực, thì có thể làm suy yếu nền kinh tế và gây ra tác động chủ yếu thông qua giá dầu và khí đốt.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-7-.png

Theo các nhà khoa học thuộc Liên minh châu Âu (EU), 2023 sẽ là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua. Trên thực tế, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết, tháng 10/2023 đã phá vỡ kỷ lục tháng 10/2019, trở thành tháng 10 nóng nhất từng ghi nhận.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_7.png

Kết quả, các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục diễn ra tại khắp nơi trên thế giới, từ lũ lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, nắng nóng nghiêm trọng ở Nam Mỹ cho đến mùa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử Canada.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-8-.png

Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 28 năm nay đã giành được chiến thắng mang tính biểu tượng, khi 118 quốc gia đồng ý tăng gấp 3 năng lượng tái tạo vào năm 2030 và là lần đầu tiên thế giới đoàn kết xung quanh một thỏa thuận rõ ràng về sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_8.jpg

Đây cũng là lần đầu tiên sau 30 năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP, các quốc gia nhất trí về việc phối hợp giảm sử dụng dầu, khí đốt và than đá, vốn chiếm 80% năng lượng toàn cầu. Theo đó, thỏa thuận kêu gọi "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, trật tự và hợp lý, thúc đẩy hành động trong thập niên quan trọng này, để đạt mức 0 ròng vào năm 2050 phù hợp với khoa học".

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023-9-.png

Năm 2023, chiến sự Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai và đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngày 25/12 vừa qua, Ukraine đã thừa nhận thực tế khó khăn và có thể phải tổng động viên vào 2024. Về phần Nga, bất chấp các tổn thất lớn, nước này chưa có dấu hiệu muốn chấm dứt chiến dịch tại Ukraine. Điều này cho thấy chiến sự sẽ tiếp tục diễn biến khốc liệt có thể kéo dài qua cả năm 2024, nhưng áp lực với Kiev sẽ lớn hơn khi động lực ủng hộ từ phương Tây lung lay.

10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-the-gioi-nam-2023_9.jpeg

Kể từ tháng 2/2022, đến nay Nga đã giành quyền kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine, gồm cả Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Theo New York Times, nếu Nga chiếm ưu thế trên chiến trường trong khoảng thời gian tới, đây sẽ là áp lực nặng nề với Ukraine và là dấu hiệu cho thấy chiến sự bước sang giai đoạn mới.

Khởi Vũ