Malaysia muốn đồng nội tệ sử dụng nhiều hơn trong thương mại quốc tế
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim có kế hoạch tăng dần việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại xuyên biên giới, hy vọng giảm tác động ngoại hối khi đồng USD mạnh lên so với những tiền tệ khác ở châu Á.
Năm 2023, đồng ringgit của Malaysia đã giảm khoảng 5% giá trị so với USD, chạm mức thấp nhất trong 25 năm. Điều này diễn ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, khiến các dòng tiền đổ về xứ cờ hoa nhiều hơn, gây thiếu hụt ngoại tệ tại một số nước đang phát triển và đẩy áp lực lên đồng nội tệ. Khi USD thống trị thương mại toàn cầu, đồng nội tệ yếu nghĩa là chi phí nhập khẩu cao hơn. Các nước đang phát triển vay nợ bằng đồng USD cũng cảm thấy gánh nặng nhiều hơn.
Bà Charu Chanana, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty Saxo Markets có trụ sở ở Singapore nói: “Sự kết hợp của đồng USD tăng giá, kinh tế Trung Quốc ảm đạm và giá dầu mỏ cao, đang tác động tiêu cực tới hầu hết nền kinh tế trong ASEAN. Xuất khẩu yếu sang Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, đang ảnh hưởng tới lượng ngoại tệ và tỷ giá hối đoái. Đó là lý do chính phủ muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và tăng dần tỷ lệ dùng nội tệ.”
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia tại Tokyo ngày 20/12, Thủ tướng Anwar cho biết, đồng ringgit tiếp tục giảm giá trị so với các loại tiền khác, mặc dù tình hình kinh tế của Malaysia đã và đang cải thiện.
Thủ tướng Anwar, đồng thời cũng là Bộ trưởng Tài chính nói: “Tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát thấp và các khoản đầu tư đang đổ vào. Làm thế nào đồng ringgit lại có giá trị bị sụt giảm? Điều này đang đi ngược các nguyên tắc kinh tế cơ bản. Một tổ chức có thể giải thích được nguyên do, đó là FED.”
Thủ tướng Anwar thừa nhận, USD có tầm quan trọng đặc biệt với đất nước ông và phần còn lại của thế giới. Do đó, chính phủ không có kế hoạch độc lập khỏi tờ bạc xanh. Mục tiêu là giảm dần sự phụ thuộc, để tăng tính chủ động trong giao thương quốc tế, cũng như bớt áp lực khi thiếu ngoại tệ thanh toán.
Malaysia đang thúc đẩy sử dụng nội tệ trong giao dịch quốc tế. Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, trong 9 tháng đầu năm 2023, khoảng 19,7% tổng giá trị giao dịch thương mại với Thái Lan được thanh toán bằng đồng nội tệ hai nước. Tương tự là 17% với Indonesia và 23,3% với Trung Quốc.
Tại nước láng giềng Thái Lan, đồng baht cũng gặp tình huống tương tự, khi liên tiếp xuống giá so với USD. Vào tháng 10 vừa qua, đồng baht cán mức thấp nhất trong 10 tháng, khi 1 USD đổi được 37,07 baht. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có dấu hiệu bán bớt đồng baht, trong bối cảnh niềm tin vào nền kinh tế Thái Lan có phần sụt giảm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo ngại về một số chính sách, ví dụ phát tiền cho người dân khoảng 15 tỷ USD. Động thái có thể gây thêm thâm hụt ngân sách và tăng nợ công. Do vậy, Thái Lan có chung quan điểm với Malaysia, là ủng hộ kế hoạch buôn bán xuyên biên giới sử dụng đồng nội tệ của nhau.
Tại Indonesia, đồng nội tệ yếu đang tạo điều kiện cho xuất khẩu, ví dụ các mặt hàng thế mạnh như than và dầu cọ. Tuy nhiên thặng dư thương mại có dấu hiệu đi xuống, cũng làm sói mòn giá trị đồng rupiah. Nguyên nhân chính là do thị trường Trung Quốc giảm mua. Indonesia cũng là bên đồng ý tăng tỷ lệ thanh toán bằng đồng nội tệ, khi buôn bán với nước láng giềng Malaysia.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Anwar còn đề cập nhiều chủ đề khác nhau. Ví dụ đầu tư nước ngoài đang đổ về Malaysia – một trong những trung tâm sản xuất quan trọng ở châu Á.
Theo ông Anwar, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Malaysia, từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, đang tăng lên bất chấp khó khăn như xuất khẩu yếu. Ông dẫn chứng trong 6 tháng qua, hàng loạt tập đoàn lớn đã tìm tới nước này. Ví dụ gã khổng lồ sản xuất chip Infineon từ Đức. Các khoản đầu tư trên giúp Malaysia không còn bị tụt lại và dần trở thành cường quốc xuất khẩu chip. Năng lực chuyên môn và tay nghề của người lao động cũng được nâng cao theo.
Thủ tướng Anwar cũng chia sẻ, Malaysia đang có nhu cầu mở rộng các trung tâm dữ liệu. Chính phủ khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp nâng cấp hệ thống dữ liệu, và thu hút tập đoàn nước ngoài mang công nghệ tiên tiến tới chia sẻ. Ví dụ tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ là Nvidia, đang kết hợp với nhà sản xuất địa phương YTL Power International, để cùng nhau xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo ở bang Johor.
Ông Yeoh Seok Hong, Tổng giám đốc YTL Power International chia sẻ về hợp tác với Nvidia: “Đây là cơ hội thực sự với chúng tôi. Một năm từ khi ChatGPT ra mắt, chúng ta đã nhìn thấy AI thay đổi cách xã hội làm việc, sống và học tập mạnh mẽ như thế nào. Malaysia có cơ sở hạ tầng điện toán tốt. Hợp tác với Nvidia giúp chúng tôi bức tốc để trở thành quốc gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.”
Đề cập cuộc cải tổ nội các gần đây, Thủ tướng Anwar giải thích việc thành lập bộ mới chuyên phụ trách về năng lượng và kỹ thuật số, là để tập trung vào những dự án có giá trị cao, đóng góp mạnh cho tăng trưởng. Ví dụ các nhà máy năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước. Ngoài ra, bộ mới cũng chuyên tâm hơn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kỹ thuật số, nhất là trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, dữ liệu lớn hoặc vật lý lượng tử.
Theo ông Anwar, những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, là quản trị tốt, minh bạch, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi và phát triển cơ sở hạ tầng. Ngược lại, quản trị kém và tham nhũng, sẽ làm suy yếu tiềm năng và nội lực đất nước. Ông khẳng định, Malaysia đang ở vị thế và có thời cơ thuận lợi để cải cách, tạo ra thay đổi thực chất mà mọi người dân đều cảm nhận được.