Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng thuận lợi trong năm tới bởi nhu cầu lúa gạo trên thế giới đang ngày càng tăng cao.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm 2023 của Việt Nam đã đạt 7,8 triệu tấn, với giá trị kim ngạch 4,4 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, cao nhất trong 34 năm trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Philippines hiện đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 35% thị phần gạo xuất khẩu. Trong 11 tháng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu, và đạt hơn 2,3 tỷ USD giá trị.
Trước nhu cầu về gạo trên thế giới ngày càng tăng cao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự đoán, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng thuận lợi trong cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Được biết, trong năm 2024, bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo, hay Philippines - một đối tác quan trọng khác của Việt Nam – ngay trong năm 2023 này ước nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam; 4,5% từ Thái Lan (126.560 tấn); 4,3% từ Myanmar (120.538 tấn), còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia. Tuy nhiên, dự báo năm tới nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm nhập như Brazil, Ai Cập, Ghana…
Xuất phát từ nhu cầu gạo trên thế giới tăng cao, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã trải qua một thời kỳ biến động tương đối phức tạp kể từ năm 2021. Cụ thể, đầu năm 2021, giá gạo đạt ngưỡng 550 USD/tấn, nhưng đến khoảng giữa năm 2022, con số này giảm xuống sát 460 USD/tấn, sau đó tăng cao đột biến trong năm 2023. Giá gạo xuất khẩu thời điểm cao nhất được ghi nhận vào tháng 10/2023, đạt 640 USD/tấn.
Đồng thời, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 chiếm 74% và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm.
Đây cũng là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi nhiều chuyên gia đã dự báo, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn do lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn.
Tuy nhiên, dù thị trường xuất khẩu gạo được dự báo là khả quan, nhưng theo nhận định của một số doanh nghiệp xuất gạo lớn, khó khăn nội tại lớn nhất hiện nay là xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với việc Ấn Độ - quốc gia cung cấp một nửa lượng gạo trên thị trường quốc tế tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng, kèm với tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan... khiến nguồn nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng trong khi nguồn cung lúa gạo khó đoán định thì có khả năng mỗi năm sản xuất lúa gạo của Việt Nam sẽ đạt trên 43 triệu tấn lúa, ngoài số lượng phục vụ các nhu cầu khác nhau trong nước (tiêu dùng nội địa, dự trữ quốc gia, làm giống, chế biến thức ăn chăn nuôi…) mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa - tương đương hơn 7 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.
Trong tình hình nguồn cung gạo thiếu hụt so với nhu cầu, các quốc gia nhập khẩu gạo cần đặt hàng trước với Việt Nam bằng việc ký kết các bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ sở để chủ động nguồn hàng, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp chủ động xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân...
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khuyến cáo, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.