Sự kiện

Chính thức khai mạc Hội nghị quốc tế GEOTEC 2023

Nguyễn An 14/12/2023 21:00

Với chủ đề “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững”, Hội nghị quốc tế GEOTEC 2023 vừa chính thức được khai mạc vào sáng ngày 14/12 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 1000 đại biểu đến từ 40 quốc gia, gồm các chuyên gia hàng đầu quốc tế và trong nước.

anh-2-2375.jpg
Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị GEOTEC 2023

Được biết, Hội nghị GEOTEC năm nay do Tập đoàn FECON phối hợp cùng Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Trường Đại học Thủy Lợi, Hội Địa kỹ thuật Nhật Bản và Viện Dầu Khí Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Cơ học đất và Kỹ thuật Địa kỹ thuật Quốc tế (ISSMGE) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp, Hội nghị GEOTEC được tổ chức bởi các doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu về địa kỹ thuật của Việt Nam và thế giới.

Tham dự và phát biểu khai mạc GEOTEC 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 5, sau 4 kỳ rất thành công và có kết quả thiết thực trong triển khai thực tế. Hy vọng sẽ còn nhiều GEOTEC với quy mô, chất lượng cao, thu hút được đông đảo nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và các doanh nghiệp tham gia, từ đây sẽ kết nối để giải quyết các vấn đề lớn cho Việt Nam, dựa trên thành tựu nghiên cứu khoa học.

image00520231214152725.png
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng mong muốn các đại biểu đến tham dự Hội nghị sẽ đề xuất nhiều ý tưởng đóng góp, khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ trong xây dựng chính sách, chiến lược và các giải pháp để góp phần hoàn thành một trong các nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của Việt Nam, đó là phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, xanh và bền vững.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Trưởng Ban tổ chức GEOTEC 2023, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa cho biết, hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa đến nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội Việt Nam, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến việc phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc.

Do đó, ông Khoa mong muốn Hội nghị lần này sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ trong ngành Địa kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước phát triển, đồng thời tạo ra một sân chơi để các nhà khoa học trong nước và quốc tế kết nối với nhau, có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau, cùng nhau khai thác ứng dụng các thành tựu khoa học đã đạt được trên thế giới và tiếp tục phát triển.

Theo dự kiến, Hội nghị diễn ra liên tục trong 2 ngày 14 - 15/12, với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế, cùng lắng nghe hàng chục bài giảng chuyên sâu xoay quanh 6 chủ đề cấp thiết nhất của địa kỹ thuật gồm: (1) Móng sâu; (2) Thi công hầm và không gian ngầm; (3) Cải tạo nền đất yếu; (4) Mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; (5) Trượt lở và xói mòn; (6) Năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển.

Thông qua 6 chủ đề trên, GEOTEC 2023 đã đón nhận nhiều bài giảng chuyên sâu từ 6 giáo sư hàng đầu thế giới như: GS. Alessandro Mandolini (Đại học Campania - Ý), GS. Giulia M.B. Viggiani (Đại học Cambridge - Vương quốc Anh), GS. Rainer Massarsch (Geo Risk & Vibration Scandinavia AB - Thụy Điển); GS. Antonio Gens (Đại học Kỹ thuật Catalonia - Tây Ban Nha), GS. Mitsu Okamura (Đại học Ehime - Phó chủ tịch Hiệp hội Địa kỹ thuật Nhật Bản)…

Bên cạnh đó, Ban tổ chức GEOTEC 2023 còn nhận được gần 300 bài trình bày của hơn 800 tác giả và nhóm tác giả đến từ 41 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 208 bài được Hội đồng Khoa học chấp nhận. Số lượng bài tóm tắt nhận được tại Hội nghị năm nay tăng 15% so với Hội nghị năm 2019.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị được tổ chức không gian triển lãm với 55 gian hàng, dành cho các tổ chức khoa học, các công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, có cơ hội giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới của mình trong hoạt động sản xuất, thi công xây dựng hạ tầng, dự án nền móng, công trình ngầm.

Nguyễn An