Tín hiệu khả quan về xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024
Trong khuôn khổ Festival Quốc tế lúa gạo Việt Nam, để giúp các nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp có định hướng, giải pháp phù hợp trong sản xuất và kinh doanh, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới".
Tại Hội thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế trong nửa đầu năm 2024 sẽ tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và Châu Phi.
Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến cáo việc tăng lượng gạo xuất khẩu sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá gạo tại thị trường trong nước.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung triển khai nhiều đề án liên quan tới sản xuất lúa gạo như "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” và “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long", hướng tới gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo.
Định hướng sản xuất lúa gạo Việt Nam thời gian tới cũng sẽ gắn liền với xu hướng tiêu dùng của thế giới. Do đó, sản xuất và chế biến sẽ có sự dịch chuyển lớn về phân khúc sản phẩm dựa trên hai yếu tố gồm định hướng của chính phủ và xu thế tiêu thụ của thế giới. Các chủng loại gạo xuất khẩu đã đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường lớn tại hai khu vực chính là Đông Nam Á và châu Phi, đồng thời, có ưu thế cạnh tranh với những nguồn cung khác trong khu vực nhờ giá cả phù hợp với năng lực tài chính của các nhà nhập khẩu.
Theo chuyên gia hàng đầu về ngành lúa gạo – GS. Võ Xuân Tòng, nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ 1 năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu.
Mặc dù vậy, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu.
Vì thế, đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, cần phải thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi cung ứng hiện chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Cùng với đó là thay đổi quy mô sản xuất nhỏ làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao.
Trước tiên, Việt Nam cần phải giải quyết 2 thách thức quan trọng nhất, đó là nâng cao thu nhập cho nông dân và chuyển đổi sản xuất xanh để thích ứng biến đổi khí hậu. Do hiện nay ở nhiều nơi đã có hiện tượng nông dân bỏ ruộng hoặc bỏ vụ, do không thể sống được bằng nghề trồng lúa, theo nhận xét của Chủ tịch HĐQT IRRI Cao Đức Phát tại hội thảo.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải trở thành cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo. Theo Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Bùi Bá Bổng, trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp cần là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất và cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến và cung ứng ra thị trường.
Được biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải khó khăn khi thiếu nguồn tiền để mua lúa khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Chỉ trong thời gian ngắn nhiều doanh nghiệp phải xoay sở để có đủ nguồn tiền rất lớn để mua hết sản lượng lúa trong vùng nguyên liệu liên kết.
Vì thế, mặc dù hiện nay có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành lúa gạo.
Tiếp theo là rào cản môi trường pháp luật. Tình trạng người dân, doanh nghiệp vi phạm, bẻ kèo, vi phạm hợp đồng hay nhiều hành vi vi phạm khác đang còn diễn ra phổ biến.
Vì vậy, Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo và sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong ngành xuất khẩu này.