Chuyện làm ăn

Hàng Tết, doanh nghiệp linh hoạt ứng biến

Minh Hào 12/12/2023 18:20

Dù kỳ vọng rất nhiều vào mùa mua sắm cuối năm nhưng doanh nghiệp (DN) cũng linh hoạt ứng biến trước xu hướng tiêu dùng mới trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

hang-tet1.jpg

Dè dặt chuẩn bị hàng hóa

Khảo sát gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho thấy, mức tiêu dùng kém khả quan. Cụ thể, nhiều người tiêu dùng (NTD) vẫn bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và nhiều gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, tăng hơn nhiều so với giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19. Kantar Việt Nam dự báo, NTD sẽ tiếp tục mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm dịp Tết Nguyên đán.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cũng dự báo thị trường năm nay rất khó khăn. Hiện sức mua vẫn yếu nhưng DN phải dự trữ lượng hàng Tết tăng khoảng 15-20% so với ngày thường nhằm đáp ứng sức mua tăng đột biến.

Trước những dự báo thị trường không mấy sáng sủa, nhiều DN dè dặt trong kế hoạch sản xuất hàng bán dịp Tết. Đơn cử, Công ty Vissan công bố chỉ dành hơn 540 tỷ đồng để dự trữ hàng Tết, tương đương sản lượng của mùa Tết Quý Mão, trong đó, chuẩn bị gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Công ty cũng chỉ dự trữ không nhiều hàng hóa dự phòng những trường hợp thiếu hụt.

Hay như Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - DN kinh doanh trứng gia cầm - một mặt hàng vốn có sức tiêu thụ rất mạnh trong dịp Tết nhưng năm nay cùng e dè trong việc chuẩn bị nguồn hàng.

hang-tet.jpg

Linh hoạt thay đổi

Trước xu thế thay đổi này, Tập đoàn KIDO phải tăng cường làm việc với các đối tác B2B, kênh thương mại điện từ để đa dạng phương thức bán hàng, quảng bá sản phẩm, đưa combo hàng Tết đến gần hơn với NTD.

Siêu thị MM Mega Market cũng chủ động làm việc với khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn để nắm bắt nhu cầu trước khi làm việc với nhà sản xuất để chuẩn bị nguồn hàng.

Trong khi đó, Saigon Co.op tập trung cho nguồn hàng bình ổn giá thị trường với tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu là 10.000 tỷ đồng. Phần lớn ngân sách ưu tiên dự trữ gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng, rau củ quả, thủy hải sản.

Để tăng lượng hàng tiêu thụ, nhiều DN tăng cường khuyến mãi. Theo ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan, Công ty cam kết giữ giá bán ổn định, không điều chỉnh giá bán trước, trong và sau Tết. Từ nay cho đến những ngày cận Tết, Vissan sẽ thực hiện các chương trình giảm giá từ 10-20% vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá trong những ngày cận Tết.

Các siêu thị Co.opmart, Satramart, Lottemart, MM Mega Market… cũng liên tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm. Bắt đầu từ tháng 12/2023, các DN phân phối này đã kết hợp với nhà sản xuất giảm giá đến 50% cho hàng ngàn mặt hàng, nhiều nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu.

Minh Hào