Start up

Đề xuất thành lập Trung tâm startup xanh cho TP.HCM

Nguyễn An 11/12/2023 12:00

Trong khuôn khổ chung kết cuộc thi “Thách Thức Net Zero 2023”, một số nhà đầu tư đã nêu ý kiến về việc thành lập một trung tâm ươm tạo các startup lĩnh vực kinh tế xanh để thuận tiện hút vốn và thí điểm chính sách trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

1.jpg
Giới đầu tư bày tỏ mong muốn TP.HCM nghiên cứu thành lập một Trung tâm startup xanh nhằm góp phần giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon cho TP

Hiện nay, cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã có nhiều vườn ươm khởi nghiệp và trung tâm tăng tốc khởi nghiệp làm bệ phóng cho những các nhân có mong muốn khởi nghiệp trên cả nước nhưng vẫn chưa có nơi nào dành riêng cho các “startup xanh” - tức các dự án có liên quan đến phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon.

Vì thế, nhân dịp có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại cuộc thi “Thách Thức Net Zero 2023”, Nhà sáng lập quỹ Touchstone Partners (Việt Nam) Trần Nhật Khanh đã đại diện giới đầu tư để đề xuất nghiên cứu thành lập "Green Hub".

Theo ông Trần Nhật Khanh, ngoài việc ươm tạo startup, Green Hub còn là đầu mối để các nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực này tìm đến, cũng như giúp giải quyết các thủ tục hành chính, thí điểm các chính sách hỗ trợ từ việc tận dụng tối đa Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM.

Trước đề xuất của Nhà sáng lập quỹ Touchstone Partners, Trưởng chi nhánh Việt Nam quỹ Gobi Partners (Malaysia) Phan Nhật Minh cũng bày tỏ sự quan tâm đến dự án Green Hub mà TP.HCM có thể triển khai thử nghiệm nhằm giúp đỡ các starup xanh thông qua những cơ chế hỗ trợ.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng, vì kinh tế xanh là một lĩnh vực rộng và mới, do đó được biết đến là ngành kinh doanh có điều kiện và hạn chế đầu tư nước ngoài. Vì thế, để hút vốn ngoại vào startup xanh thì cần có nơi triển khai sandbox kinh tế xanh, tương tự như kế hoạch sandbox trong ngành tài chính.

Trước những đề xuất về nghiên cứu thành lập Green Hub, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định, với Green Hub, TP.HCM có thể thiết kế và đề xuất với cấp có thẩm quyền để trung tâm là một địa chỉ được ghi nhận trong luật, có quy chế hoạt động, nhằm có thể vận hành như một sandbox cho các startup xanh.

Được biết, TP.HCM đang triển khai khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030, tầm nhìn 2050 với 4 trụ cột chính: nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, kết nối/hợp tác xanh); hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch - tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên); hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh); nhóm ngành/ lĩnh vực ưu tiên (sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh - đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh, Cần Giờ xanh).

Nếu dự án Green Hub được triển khai thực hiện trong tương lai sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nền kinh tế xanh cho TP gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 từ những dự án xanh do các start up xanh phát triển.

Nguyễn An