Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Mỹ vượt 100 tỷ USD
Trải qua 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ ước đạt 100,62 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ là 88 tỷ USD hàng hóa các loại.
Cụ thể, Bộ Công thương vừa có thống kê mới nhất về tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, theo đó, trong 11 tháng năm 2023, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88,05 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Riêng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ ước đạt 12,57 tỷ USD, giảm 6,4%. Như vậy, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 75,45 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của việc kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều có sự sụt giảm là do tình hình khó khăn chung trên thế giới. Dự báo trong thời gian tới, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều sẽ phục hồi.
Cũng theo Bộ Công thương, nhờ vào quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm qua đã có sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ nên từ thời điểm năm 1994 đến nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của hai nước liên tục tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022).
Hiện tại, Mỹ trong nhiều năm liên tục đã trở thành đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Đến năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ mở rộng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điển hình như gần đây, tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Lương Sơn, UBND huyện Yên Thủy, Công ty CP Nông nghiệp RYB đã tổ chức xuất khẩu chuyến bưởi diễn đầu tiên với số lượng 16 tấn, trong 3 lô đơn hàng 48 tấn bưởi sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đang có nhiều cơ hội rộng mở tại thị trường Mỹ nhưng Bộ Công thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Khi xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối.
Đồng thời tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại. Đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức. Đặc biệt, từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Mỹ