Đồng thuận tăng gấp 3 năng lượng tái tạo có ý nghĩa thế nào với châu Á?
Đầu tháng 12/2023, gần 120 quốc gia tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28), đã đồng ý tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 so với hiện nay. Điều này nghĩa là cần đạt được ít nhất 11.000 gigawatt. Nhiều chuyên gia cho rằng, châu Á có thể đối mặt với áp lực. Lý do là thời gian chỉ còn gần 7 năm, và phải chuyển đổi nhanh chóng tiến tới giảm mạnh sử dụng than, dầu mỏ và khí đốt.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gọi thỏa thuận trên là đòn bẩy quan trọng, để hạn chế lượng khí thải carbon dioxide, với mục tiêu ngăn biến đổi khí hậu và kìm chế tốc độ nóng lên toàn cầu.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, thỏa thuận trên mang lại cho ngành công nghiệp nghiệp năng lượng tái tạo một tương lai rõ ràng có thể dự đoán được. Điều này rất hữu ích trong việc huy động vốn trên toàn thế giới, nhất là vốn đến từ cá nhân hoặc tổ chức ủng hộ cho thỏa thuận. Bà Ursula thông tin thêm tại Dubai rằng, thỏa thuận do Mỹ, châu Âu và nước chủ nhà UAE đề xuất. Nó sẽ được theo dõi và báo cáo, nhằm đảm bảo các bên tuân thủ cam kết.
Theo Ủy ban châu Âu, các nước châu Á như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Bangladesh ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu này, đồng thời cam kết tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh, các quốc gia ủng hộ nhưng không tham gia, thì không có nghĩa vụ tăng gấp ba năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ, nhưng phải thực hiện cải cách toàn diện để góp phần đạt mục tiêu. Mỗi quốc gia nên hành động quyết đoán, nhưng có tính đến xuất phát điểm, hoàn cảnh và thực tế đặc thù khác nhau.
Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá, vẫn chưa ký thỏa thuận. Cả hai đã công bố kế hoạch của riêng mình, phù hợp với thỏa thuận khí hậu Paris 2015, nhằm kìm chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), để đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần như trên, đòi hỏi thế giới phải sản xuất ít nhất 11.000 gigawatt năng lượng tái tạo, nghĩa là thêm 7.800 gigawatt trong 7 năm tới. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ chiếm phần lớn, với lần lượt là 4.000 và 2.600 gigawatt, gấp 5 và 4 lần so với năm 2022.
Báo cáo tháng 11/2023 của tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember chỉ ra, mục tiêu trên nằm trong khả năng mặc dù có khó khăn ở một số quốc gia. Ember nghiên cứu kế hoạch chống biến đổi khí hậu ở 57 quốc gia và Liên minh châu Âu, vốn chiếm hơn 90% năng lượng tái tạo toàn cầu hiện nay, cho thấy thế giới đang trên đà tăng gấp đôi công suất vào năm 2030, và có thể đi nhanh hơn. Để đạt được mục tiêu gấp 3, việc triển khai năng lượng tái tạo cần tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 17%.
Tuy nhiên, vấn đề và sự ưu tiên ở mỗi quốc gia khác nhau. Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm nhiều hơn để đáp ứng mục tiêu này. Họ sở hữu đủ khả năng, đủ công nghệ và đủ điều kiện tự nhiên. Mấu chốt là các chính sách có đủ mạnh và chịu chấp nhận tốn kém hay không. Ví dụ nước Úc có đường bờ biển và sa mạc mênh mông, là kho tài nguyên vô tận để phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Cái họ cần bây giờ, là hành động dứt khoát từ chính phủ, trong việc giảm phụ thuộc than đá – nguồn tài nguyên có sẵn, dễ dàng lấy lên và dùng.
Theo Ember, các quốc gia phát triển có thời gian dài công nghiệp hóa, nên đã thải rất nhiều khí carbon dioxide tàn phá môi trường. Giờ đây, họ cần có trách nhiệm chuyển đổi nhanh hơn những quốc gia khác. Mặc dù thể hiện quyết tâm tiến tới ngưng dùng than - loại nhiên liệu nguy hiểm bậc nhất với môi trường và sức khỏe con người, nhưng trong nội bộ các nước này tồn đọng không ít ý kiến khác biệt, khiến quá trình chuyển đổi chưa nhanh như mong đợi.
Trung Quốc đang trên đà tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Ấn Độ, Indonesia và Philippines thì đặt mục tiêu tăng gấp ba.
Theo nhà phân tích Dinita Setyawati của Ember, công suất năng lượng tái tạo ở khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng có bước đột phá từ giờ đến năm 2030. Tỷ lệ hiện tại của ASEAN là khá thấp. Rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ngoài gió và mặt trời, ASEAN giàu tài nguyên địa nhiệt và thủy điện.
Tuy vậy, một trong những khó khăn của ASEAN nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, là xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. Theo IRENA, lưới điện và hệ thống lưu trữ điện của nhiều nước ASEAN phải mở rộng hơn, hiện đại hơn và linh hoạt hơn, nếu muốn chuyển sang năng lượng tái tạo. Lý do đây là nguồn điện không ổn định, dễ dàng thay đổi tùy theo thời tiết. Những nước ASEAN có lưới điện cần nâng cấp nhất hiện nay, là Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan.
Báo cáo tháng 10/2023 của cơ IRENA có đoạn: “Cấu trúc tài chính đa phương nên cải cách, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại các quốc gia đang phát triển. Tổ chức tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB), cần thay đổi một số điều kiện, trong việc cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ năng lượng tái tạo.”
IRENA cũng gợi ý, để vận hành tốt hệ thống năng lượng tái tạo, ngoài cơ sở hạ tầng, các quốc gia đang phát triển nên xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt trang thiết bị và đào tạo nguồn lao động lành nghề, vững kỹ thuật.
Ông Gerry Arances, giám đốc điều hành Trung tâm Năng lượng - Sinh thái và Phát triển (IEEFA) có trụ sở tại Philippines cho biết: “Cam kết tại COP28 vừa qua, đòi hỏi các chính phủ ở châu Á cần biện pháp đồng bộ trong phát triển năng lượng tái tạo. Không phải quốc gia nào cũng đủ nguồn lực, nhưng có thể làm được nếu quyết tâm mạnh.”