Thương hiệu Việt mạnh khi đi cùng nhau ra thế giới
Phở là pot au feu hay pot au feu là phở? Người dân Pháp xưa hay nói phở là món ăn bắt nguồn từ món pot au feu của họ, trong khi người Việt nói đó là món ăn thuần Việt. Những ý kiến mập mờ, lẫn lộn này cho thấy câu chuyện thương hiệu đã bị bỏ quên lâu nay.
Đến nay, văn hoá Việt - Pháp có nhiều điểm giao thoa mang con người xích lại gần nhau hơn. Chuyện phở bắt nguồn từ pot au feu hay ngược lại không còn quan trọng vì quan hệ giữa hai nước Việt - Pháp đã gắn bó hơn, doanh nhân hai nước gần gũi hơn và đứng ngang bằng vị trí trong thương trường. Đó là chia sẻ của Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Marseille, Pháp - ông Nguyễn Công Tốt trong sự kiện Giao lưu cùng đoàn Lãnh sự Danh dự Việt Nam thường trực tại Marseille nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Pháp ngày 5/12.
Quan hệ giữa hai nước đã lên đến tầm đối tác chiến lược, hợp tác Việt - Pháp đã sâu rộng trên nhiều lĩnh vực đã tạo nền tảng quan trọng cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển với nhiều hoạt động đóng góp vào giao lưu văn hoá và kinh tế giữa hai nước.
Tại sự kiện, doanh nhân trong nước bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác thương mại cùng với doanh nghiệp tại Marseille. Đó cũng là mong muốn của các doanh nghiệp tại Marseille. Với những hiểu biết về thị trường tại Marseille, Lãnh sự Việt Nam sẽ là cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp 2 nước.
Ông Danny Võ Thành Đăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) nhận định cho biết khi đi vào một thị trường mới như Marseille, doanh nghiệp cần có định hướng lâu dài ở thị trường này, tránh lối mòn xuất khẩu nông sản, nguyên liệu thô. Nếu như những năm đầu 2000, đây là tập trung chính của khu vực xuất khẩu trong nước thì trong thời gian tới doanh nghiệp phải cân nhắc chiến lược dài hơi để xây dựng thương hiệu tại thị trường mới như Marseille, trong đó có sản phẩm, bao bì và marketing.
Chỉ mới vài ngày trước, Cơ quan kiểm dịch Nhật Bản phát hiện 2 lô sầu riêng, ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật đã yêu cầu doanh nghiệp phải tiêu hủy. Đây là bài học mới nhưng không cũ khi nhiều doanh nghiệp Việt không đảm bảo được chất lượng ổn định. Nếu muốn xây dựng được thương hiệu Việt vững vàng tại Marseille, doanh nghiệp phải đầu tư hơn nữa vào sản phẩm.
ThS. Nguyễn Châu Linh - đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hành Trình Kim Cương (DJC) chia sẻ kinh nghiệm lan tỏa câu chuyện thương hiệu phải mang đậm nét Quốc - Tộc - Thương - Nhân để ghi lại dấu ấn trong hành trình tiến vào thị trường Marseille.
Website và ứng dụng Ngân hàng Di sản do DJC phát triển sẽ giúp doanh nghiệp hội tụ đưa câu chuyện của mình đến với thị trường Marseille. Ngân hàng Di sản chứa đựng nhiều thông tin về thương hiệu giúp doanh nghiệp trong ngoài nước tiếp cận đến chuỗi cung ứng trên nền tảng số. Hiện nay, DJC đã khởi xướng cuộc thi Brand Review Award để lan tỏa sức mạnh thương hiệu Việt.
Ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch Công ty CP Cacao Việt Nam cho biết Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam là lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước với mức thuế quan đang giảm dần, tiệm cận đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp châu Âu cũng có lợi thế đó nên cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn.
Để tiếp cận thị trường Marseille và các nước trong khối châu Âu, doanh nghiệp Việt cần bắt tay với đối thủ, hợp tác để cùng phát triển. Cạnh tranh để chỉ riêng mình phát triển sẽ làm doanh nghiệp Việt lẻ loi ở thị trường xuất khẩu. Những chiến lược mới như hoán đổi thị trường cho nhau sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng khách hàng mới. Điều quan trọng hơn nữa, doanh nghiệp Việt phải tạo dựng được thương hiệu mạnh mẽ từ ngay trong nước mới thuyết phục được khách hàng ngoại quốc.
Ông Trần Đức Dũng - Chủ tịch CLB Doanh nhân SIYB TP.HCM cho biết hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ liên kết cùng nhau để xây dựng thương hiệu Việt vững mạnh và hỗ trợ cùng sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường xuất khẩu. Bởi vì chỉ cần một doanh nghiệp bán được hàng thì cả chuỗi cung ứng cùng hưởng lợi.