Trong nước

Hàng hóa miền Tây đang chịu chi phí logistics quá cao

Thanh An 04/12/2023 16:22

Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 được tổ chức tại TP. Cần Thơ hôm 2/12, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch Cảng Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu chi phí logistics cao nhất cả nước.

z4936690644156-ed6385cf0b1743b-5000-4832-1701520368.jpg
Phó Chủ tịch VLA Lê Quang Trung phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023

Cụ thể, trong khi chi phí logistics cả nước vào khoảng 16,5% thì con số này ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể gấp đôi, từ 30-40%. Điều này đã dẫn đến các mặt hàng nông – thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long đang bị giảm tính cạnh tranh không nhỏ trong xuất khẩu nông nghiệp bởi chi phí logistics.

Cũng theo số liệu từ VLA, riêng tỷ lệ hao hụt của nông - thủy sản của vùng trong quá trình vận chuyển là 10%, bảo quản tại kho là 2% và xử lý là 2%. Tổng cộng, tổn thất sau thu hoạch có thể dao động 20-40% vì hạ tầng logistics kém.

Hiện tại, chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có vài địa phương đạt hạng cao như Long An, Cần Thơ (đồng hạng 9), còn lại khả quan có Kiên Giang (hạng 16), Tiền Giang (hạng 19) và An Giang (hạng 20). Kết quả LCI hàng năm là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp định hướng kinh doanh và đầu tư.

Được biết, chi phí logistics là một khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần tạo nên giá thành hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, chi phí cao dẫn đến giá cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nguyên nhân khiến cho chi phí logistics ở miền Tây hiện quá cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân như hạ tầng đường bộ hạn chế, xe rỗng chạy đường dài, ít khả năng tối ưu hóa chi phí cho hàng lạnh.

Mặc dù sản lượng hàng hóa vận chuyển của miền Tây hàng năm đạt gần 140 triệu tấn nhưng toàn vùng chỉ có 171 km cao tốc tính trên đường bộ. Còn đối với đường thủy, dù hệ thống sông ngòi dày đặc theo lý thuyết chiếm đến 22.000 km trên tổng chiều dài 28.000 km có thể khai thác giao thông thủy nhưng hiện trạng vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, do cả vùng chủ yếu là luồng sông cạn, độ tĩnh không cầu thấp nên trọng tải sà lan chở hàng có thể di chuyển chỉ ở mức 1.500 tấn đến 3.500 tấn.

Bên cạnh đó, trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 12 cảng biển, 32 khu bến nhưng chủ yếu xếp hàng rời. Chỉ 6 khu bến có khả năng bốc dỡ container, với 3 khu tại Cần Thơ. "Cảng Cái Cui (Cần Thơ) là tiềm năng nhất, còn lại (85%) nhỏ và manh mún. Cảng cạn thu gom hàng hóa thì gần như chỉ dừng lại ở khâu quy hoạch. Hiện miền Tây cũng chưa có trung tâm logistics hàng hóa đường biển cấp vùng.

Cùng với đó, phần lớn các dịch vụ logistics ở miền Tây chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.

caotoc12-234.gif
Do hạn chế về đường bộ lẫn đường thủy, hàng hóa miền Tây đang chịu chi phí logistics rất cao

Trước thực trạng trên, nhằm giải quyết bài toán logistics miền Tây, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, TP.Cần Thơ dự kiến sẽ trình Chính phủ trong cuối năm 2023 quy hoạch thành phố, với kế hoạch lập ít nhất 3 khu vực phát triển logistics phục vụ chung cho vùng.

Theo đó, Cảng hàng không Cần Thơ sẽ được nâng cấp lên công suất 7 triệu hành khách và 250.000 tấn hàng hóa một năm. Tiếp tục đầu tư 3 trụ cao tốc đi qua địa phương, trong khi đường thủy với 15 tuyến sẽ được nạo vét thường xuyên. Thủ phủ miền Tây cũng sẽ xây một cảng thủy nội địa tổng hợp để gom hàng đưa đi TP.HCM.

Ngoài ra, cũng trong Diễn đàn, nhiều chuyên giá đã nêu ý kiến cần chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, đặc biệt là hoạt động đầu tư của các dự án, thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng và cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực...

Thanh An