Quốc tế

Thủ tướng Malaysia gặp khó trong nỗ lực khôi phục kinh tế như thế nào?

PV 03/12/2023 15:05

Tại hội nghị APEC ở San Francisco giữa tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã năng nổ quảng bá hình ảnh đất nước mình, như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng hóa lớn ở Đông Nam Á.

Ông Anwar nói tại hội nghị thượng đỉnh CEO APEC: “Malaysia và ASEAN là những nơi đầu tư ổn định và sôi động nhất hiện nay. Tôi mong được gặp các bạn đến tìm hiểu. Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước bằng nhiều chính sách ưu đãi.”

thu-tuong-anwar-tai-hoi-nghi-apec-anh-borneo-post.jpg
Thủ tướng Anwar tại hội nghị APEC 2023 - Ảnh: Borneo Post

Khi chính phủ của ông Anwar kỷ niệm 1 năm thành lập vào cuối tháng 11/2023, các nhà quan sát chính trị cho rằng, thách thức ngày càng tăng có thể gây trở ngại trong việc thực thi cải cách kinh tế và tài chính cần thiết, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho tăng trưởng trong tương lai.

Gặp gỡ đại diện những gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft và TikTok trong chuyến công du Hoa Kỳ, ông Anwar cam kết Malaysia sẽ áp dụng quy trình phê duyệt nhanh chóng cho tất cả nhà đầu tư.

Hy vọng cuộc gặp với tất cả công ty khổng lồ này, có thể mang lại lợi ích cho đất nước và người dân. Chúng ta cần thêm đầu tư và phải cải cách để hấp dẫn hơn với cộng đồng doanh nghiệp ngoại quốc.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

Hiện nay, kinh tế Malaysia đang đối mặt không ít khó khăn. Dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội từ tháng 7 đến tháng 9 cho thấy, xuất khẩu giảm 12% so với một năm trước đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung. Giá lương thực tăng và đồng ringgit xuống giá trị, chạm mức thấp nhất trong 25 năm vào tháng 10, cũng ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp và ví tiền hộ gia đình.

2023-12-02_145955.jpg
Tăng trưởng xuất khẩu của Malaysia trong thời gian gần đây - Ảnh: Nikkei Asia

Ông Anwar - chính trị gia kỳ cựu 76 tuổi, trở thành thủ tướng thứ 10 của Malaysia vào ngày 24/11/2022, sau khi liên minh Pakatan Harapan giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Sau khi thành lập liên minh cầm quyền với tên gọi “chính phủ đoàn kết”, ông hứa cải cách thể chế và nền kinh tế.

Malaysia có hệ thống chính trị khá bất ổn trong nhiều năm qua. Ông Anwar là thủ tướng thứ 5 trong vòng chưa đầy 5 năm, sau các ông Najib Razak (2009-2018), Mahathir Mohamad (2018-2020), Muhyiddin Yassin (2020-2021) và Ismail Sabri Yaakob (2021-2022). Chiến thắng của ông Anwar làm dấy lên hy vọng của người dân, về một thời kỳ ổn định và phát triển, trong bối cảnh quốc gia đang hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Lâu lắm rồi tôi mới thấy một thủ tướng mà người dân Malaysia có thể tự hào khi đi ra nước ngoài. Ông ấy nỗ lực quảng bá hình ảnh đất nước để thu hút đầu tư. Ông ấy rất năng động và nhiệt tình. Ông ấy mang lại 1 hình ảnh tích cực về các chính khách.

Anh Kishan Buxani, một cử tri 26 tuổi đến từ Penang

Quả thực, một luồng gió mới đã xuất hiện vào thời điểm ông Anwar nhậm chức. Thị trường chứng khoán phục hồi trong vài tháng đầu tiên. Đồng ringgit tăng với tỷ lệ USD là 4,24/1 vào tháng 2/2023. Theo thăm dò ý kiến ​​từ trung tâm Merdeka, Thủ tướng Anwar nhận được tỷ lệ tín nhiệm cao là 68% trong tháng đó.

Tuy nhiên, những diễn biến sau đấy đã không dễ dàng, khi thủ tướng Anwar phải vật lộn với khó khăn kinh tế, căng thẳng chính trị và ảnh hưởng kéo dài của đại dịch, trong lúc cố gắng thực hiện chương trình cải cách đầy tham vọng.

Chính phủ đưa ra quy hoạch tổng thể các ngành công nghiệp mới đến năm 2030, bao gồm mục tiêu thúc đẩy GDP của ngành sản xuất thêm 6,5% mỗi năm cho đến năm 2030, và lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia, nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, để đạt được tăng trưởng bền vững và đảm bảo phân phối của cải công bằng.

Thống kê cho thấy, Thủ tướng Anwar cũng gặt hái một số thành tựu tích cực trong năm đầu tiên. Chính phủ nhận về 132 tỷ ringgit (28 tỷ USD) đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 60% mục tiêu cả năm. Theo tổ chức tư vấn MIDF Research, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp sau đại dịch là 3,4% trong tháng 9/2023, trong đó thất nghiệp ở thanh niên giảm xuống còn 10,6%.

Dẫu cố gắng, nhưng chính phủ của Thủ tướng Anwar cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 10/2023 đã hạ mức tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong năm nay xuống 3,9%, so với dự báo trước đó là 4,3%. Năm 2022, kinh tế Malaysia khôi phục với GDP tăng 8,7%. Trước đại dịch, GDP bình quân mỗi năm tăng từ 4% đến 5%. Lý do WB đưa ra, là nhu cầu bên ngoài mua hàng của Malaysia đã giảm.

Đồng ringgit là tiền tệ ở ASEAN có diễn biến tiêu cực nhất trong năm 2023, khi giảm hơn 5% giá trị so với USD, chạm mức thấp nhất trong 25 năm. Ngày 23/10/2023, 1 USD đổi 4,792 ringgit. Theo MIDF Research, khoảng 4,19 tỷ ringgit đã bay khỏi thị trường chứng khoán Malaysia trong nửa đầu năm 2023.

bien-dong-ty-gia-cua-dong-ringgit-so-voi-usd-trong-thoi-gian-gan-day-anh-nikkei-asia.jpg
Biến động tỷ giá của đồng ringgit so với USD trong thời gian gần đây - Ảnh: Nikkei Asia

WB nói về Malaysia trong báo cáo tháng 10: “Là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, đối mặt với những cú sốc giá dầu, và khả năng dễ bị tổn thương trước các dòng vốn chảy ra ngoài đột ngột với số lượng lớn, đồng ringgit của Malaysia có biến động so với các đồng tiền châu Á khác. Điều này được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài qua năm 2024.”

Một số nhà kinh tế cũng cho biết, khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng là nguyên nhân khiến đồng ringgit mất giá. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia nhưng nền kinh tế đang chậm lại.

Một số chủ doanh nghiệp và thương nhân ở Kuala Lumpur nói với Nikkei Asia rằng, đồng ringgit yếu ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm và nhiều loại hàng hóa khác của họ, đồng thời làm tăng chi phí chung do phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài. Tất cả góp phần làm tăng lạm phát.

Bà Wong Mee Fang, 70 tuổi, chủ một quầy bán đồ ăn chay ở thành phố Petaling Jaya cho biết, giá gạo và các nguyên liệu khác tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của gia đình, buộc cửa hàng phải tăng giá sản phẩm. Giá bán lẻ gạo nhập khẩu đã tăng 36% trong tháng 9/2023 so với 1 năm trước, phản ánh giá gạo toàn cầu có biến động.

Bà Wong nói tiếp với Nikkei Asia: “Việc kinh doanh khá bấp bênh. Các quầy bán đồ ăn chay nhỏ như của tôi còn khó khăn hơn. Tôi biết chính phủ đang cố gắng giải quyết tình trạng lạm phát giá lương thực, nhưng có vẻ tình hình không được cải thiện là bao. Tôi không chắc mình có thể tiếp tục bán được bao lâu nữa. Hy vọng năm 2024, mọi thứ sẽ tốt hơn.”

Khi những vấn đề kinh tế khiến người dân không hài lòng, Thủ tướng Anwar cũng đang cảm thấy áp lực trên mặt trận chính trị.

Áp lực bủa vây Thủ tướng Anwar và chính phủ

Hiện tại, Thủ tướng Anwar nhận được sự ủng hộ từ 2/3 thành viên Hạ viện gồm tổng cộng 222 ghế, trong đó có 147 ghế từ liên minh cầm quyền và 4 nhà lập pháp đối lập. Nhưng các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức tại 6 trong số 13 bang của đất nước vào tháng 8/2023, đã giáng một đòn mạnh vào Thủ tướng Anwar, khi liên minh cầm quyền mất khoảng 30% ghế trong hội đồng các bang. Đảng đối lập theo tư tưởng Hồi giáo và đảng cánh hữu Perikatan Nasional đã có thêm nhiều ghế ở các thành trì vốn thuộc về liên minh của ông Anwar.

Chuyên gia Bridget Welsh, từ đại học Nottingham Malaysia giải thích, kết quả bầu cử cấp tiểu bang đã làm nổi bật sự yếu kém của chính phủ trong mắt cử tri. Chính phủ mất đi nhiều sự ủng hộ từ các cử tri không theo Hồi giáo lẫn cử tri ôn hòa.

Bà Welsh chia sẻ tiếp: “Rất ít người công nhận Thủ tướng Anwar là nhà cải cách. Càng ít người nhìn thấy cam kết cải cách trong năm đầu tiên của ông ấy thành hiện thực. Những cam kết rất nhiều, nhưng thực hiện thành công rất ít, và người dân Malaysia đang dần cảm nhận rõ hơn về điều đó.”

Bà Welsh dẫn chứng, người dân đang mất niềm tin ở cuộc chiến chống tham nhũng. Tháng 9/2023 chính phủ đã bãi bỏ cáo buộc tham nhũng với Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi, lãnh đạo 1 đảng trong liên minh cầm quyền. Điều này đặt dấu chấm hỏi về cam kết làm sạch bộ máy của thủ tướng Anwar.

Bà Welsh kết luận: “Thủ tướng Anwar được ủng hộ vì những gì mọi người tin, là khả năng lãnh đạo giống như một chính khách thực thụ, với hy vọng về một tầm nhìn trong việc cải tiến nền quản trị của đất nước. Hai điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Tập trung thể hiện bản thân tốt hơn, trong khi lơ đi những nghị sự quyết liệt để cải cách, đã làm tổn hại đến hiệu quả hoạt động của chính phủ.”

Thủ tướng Anwar hiện cũng kiêm nhiệm chức bộ trưởng tài chính, tháng trước tuyên bố sẽ cải cách lĩnh vực tài chính của đất nước. Ông nói: “Cải cách cần phải được thực hiện, mặc dù đây có thể là quá trình gian khổ đầy thách thức. Rất khó để hoàn thành trong 1 sớm 1 chiều. Nhưng tôi tin chúng ta sẽ làm được với bức tranh tích cực hơn vào năm sau.”

Cũng trong bài phát biểu về dự thảo ngân sách 2024, ông đề cập đến việc mở rộng các nguồn thu ngân sách, thực hiện trợ cấp có mục tiêu, giảm tham nhũng và giảm những hành vi sai trái khác.

Theo ông James Chin, giáo sư nghiên cứu châu Á tại đại học Tasmania, khi chính phủ của ông Anwar bước sang năm thứ hai, phải bắt đầu thực hiện lời hứa của mình nhiều hơn, nếu không sẽ là thảm họa ở lần bầu cử sau. Cuộc bầu cử địa phương vừa qua, là lời cảnh báo và phát súng đầu tiên.

Rất nhiều người không tin rằng Thủ tướng Anwar có thể làm được điều đó. Đây cũng là lý do tại sao bạn có thể thấy đồng ringgit sụt giảm và thị trường chứng khoán đi xuống không ngừng nghỉ. Ông ấy phải đưa ra những chính sách và thực hiện hiệu quả trong một hoặc hai năm đầu. Nếu không, người dân sẽ trút giận. Vì vậy, thời gian không còn nhiều.

Ông James Chin, giáo sư nghiên cứu châu Á tại đại học Tasmania

PV