Văn hóa nghệ thuật

Phát triển du lịch qua điện ảnh

Đan Khanh 02/12/2023 14:01

Gắn kết du lịch với điện ảnh là góp phần quan trọng phát triển du lịch văn hóa trở thành một trong 13 ngành công nghiệp được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức thành công Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23, góp phần quảng bá hình ảnh Đà Lạt với 130 năm hình thành, phát triển. Trong khuôn khổ LHP (từ ngày 20 - 25/11), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã phát động Tuần lễ Phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng qua điện ảnh, Triển lãm "Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh" trưng bày hình ảnh những bộ phim được quay tại Đà Lạt, những bức ảnh phong cảnh TP. Đà Lạt, áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử, tour du lịch đưa các nghệ sĩ tới các điểm du lịch, trang trại rau và hoa...

Từ lâu Đà Lạt đã là một phim trường với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng, trở thành bối cảnh cho nhiều bộ phim điện ảnh, như: Mối tình đầu (năm 1977), Chuyện tình trong ngõ hẹp (1992), Tháng năm rực rỡ (2018), Em và Trịnh (2022)… Vì vậy, LHP còn có giải thưởng của UBND tỉnh Lâm Đồng dành cho phim có bối cảnh quay tại tỉnh Lâm Đồng. “Chúng tôi hy vọng sau LHP lần thứ 23, hình ảnh của Đà Lạt - Lâm Đồng, với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo sẽ trở thành nơi thu hút hơn nữa các hoạt động liên quan đến phim ảnh, âm nhạc”, TS. Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ. Ông cho biết thêm, tỉnh sẽ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà sản xuất đến Lâm Đồng quay phim và cho kế hoạch xây dựng phim trường tại Đà Lạt.

1-canh-dong-que-moc-mac-trong-phim-mat-biec.jpg
Cảnh đồng quê mộc mạc trong phim Mắt biếc

Thực tế trên thế giới cho thấy, điện ảnh có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, do độ phủ sóng rộng, kinh phí quảng bá thấp hơn nhiều so với những cách xúc tiến du lịch khác. Bà Phan Cẩm Tú - Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) cho biết, báo cáo Xu hướng du lịch 2023 của Expedia cho thấy, 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Ở Việt Nam, những bộ phim như: Chuyện của Pao - quay ở Hà Giang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - quay ở Phú Yên, Mắt biếc - quay ở Huế... đã góp phần khiến các tỉnh - thành ấy trở nên thu hút hơn với khách du lịch. Sau khi xuất hiện trên phim Đất rừng phương Nam, sự thu hút của rừng tràm Trà Sư trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư An Giang cho biết: “Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi công chiếu phim Đất rừng phương Nam, nhiều khách du lịch rất tò mò và hiếu kỳ tìm về An Giang để tham quan rừng tràm Trà Sư và nhiều điểm du lịch lân cận khác. Từ đó lượng khách du lịch tăng đáng kể”.

Bên cạnh du lịch, quá trình quay phim còn tạo việc làm cho một số người địa phương, sử dụng dịch vụ địa phương, chi tiêu cho chỗ ở và phương tiện đi lại. “Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự gắn kết thương hiệu điện ảnh Việt Nam với du lịch, tạo ra những giá trị lớn về tinh thần và thúc đẩy phát triển kinh tế”, PGS-TS. Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh. Gắn kết lĩnh vực du lịch và điện ảnh, quảng bá trực tiếp các điểm du lịch, khách sạn gắn với điện ảnh, đưa điện ảnh ra nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước cũng là một trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong năm 2023.

Bởi vậy, trước tỉnh Lâm Đồng, có những địa phương từng thu hút du khách qua phim ảnh đã quan tâm đến việc tổ chức LHP hay hội nghị, hội thảo, tọa đàm bàn về việc gắn kết điện ảnh với du lịch. Như Khánh Hòa, nơi vẻ đẹp của đất, trời, biển đã lưu dấu hình ảnh qua những bộ phim Về nơi gió cát, Những nụ hôn rực rỡ, Mỹ nhân kế... qua việc tổ chức Hội nghị quốc tế Xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh vào tháng 6 và qua Lễ trao giải Cánh diều 2023 (đầu tháng 9) của Hội Điện ảnh Việt Nam. Hai sự kiện này cho thấy cam kết và định hướng của Khánh Hòa trong việc khai thác giá trị thương mại của du lịch kết hợp điện ảnh.

Phú Yên - mảnh đất đã trở nên nổi tiếng từ sau khi trở thành bối cảnh của bộ phim “ăn khách” Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng vừa phối hợp với VFDA tổ chức Chương trình Điện ảnh với Phú Yên (từ ngày 15 - 17/11) với tiêu điểm là hội thảo quốc tế về Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cùng lãnh đạo địa phương đã đưa ra một số ý tưởng mới giúp Phú Yên khai thác thế mạnh cảnh quan, du lịch để xây dựng phim trường thu hút những nhà làm phim Việt Nam và nước ngoài. Thời gian tới, VFDA sẽ thúc đẩy các chương trình điện ảnh góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, thiên nhiên ở Phú Yên để đóng góp vào kinh tế và du lịch tỉnh. Dịp này, VFDA đã công bố Bộ chỉ số thu hút đoàn phim - PAI (Production Attraction Index) dựa trên 5 tiêu chí, gồm: hạ tầng sẵn có, hỗ trợ thủ tục pháp lý, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin và hỗ trợ thực địa, sẽ được triển khai thí điểm tại Phú Yên. PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Dựa trên PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm Việt Nam làm bối cảnh.

Điều 38 Luật Điện ảnh 2022 có một điểm mới, đó cho phép UBND cấp tỉnh được tổ chức LHP, LHP chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. TP.HCM đang chuẩn bị tổ chức LHP quốc tế TP.HCM (HIFF) lần thứ nhất vào tháng 4/2024, dự kiến thu hút hàng trăm ngàn người tham dự, trong đó có khoảng 200 nhà làm phim và đạo diễn, diễn viên từ một số nước. HIFF là một hoạt động nằm trong chiến lược của Thành phố về phát triển, nâng cao chất lượng và uy tín của điện ảnh TP.HCM, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và du lịch đến với bạn bè quốc tế, đưa TP.HCM trở thành một thành phố điện ảnh (Film City), gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (Mạng lưới UCCN).

Nhìn chung, dù có cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đa dạng, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài, việc quảng bá điểm đến du lịch thông qua điện ảnh vẫn dừng lại ở một số nơi, chưa khai thác hiệu quả được tiềm năng. Thiết nghĩ, các tỉnh, thành phố cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư về điện ảnh gắn kết với du lịch một cách bền vững.

Đan Khanh