Trong nước

Những “điểm sáng” của nền kinh tế Việt Nam năm 2023

Lê Hạnh 01/12/2023 22:07

Dù tình hình thế giới bất định, còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có những “điểm sáng” nổi bật, tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 có bao nhiêu điểm sáng?, vừa diễn ra ngày 1/12. Hội thảo do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Các nhà kinh tế và Tập đoàn Green+ tổ chức.

Doanh nghiệp “sửa soạn” đón đầu xuất khẩu

Theo TS. Phạm Đỗ Chí - cựu chuyên gia tài chính Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngoại thương nói chung và xuất khẩu hàng hóa nói riêng là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 322 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lên đến gần 620 tỷ USD (dù giảm 8,3% so với cùng kỳ).

5j0a3908.jpeg
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết: "Trong bối kinh tế trong nước và thế giới còn rất nhiều khó khăn, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và CLB Các nhà kinh tế muốn mang tới một góc nhìn khác về những điểm sáng của nền kinh tế để tạo động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, qua đó, các doanh nhân có thể xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp cho năm 2024 và những năm tiếp theo". Ảnh: Quỳnh Lâm

Điểm sáng thứ hai theo TS. Phạm Đỗ Chí, kiều hối và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam gia tăng ấn tượng: Kiều hối năm 2023 ước đạt 14 tỷ USD còn số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản đem đến nhiều cơ hội, kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao trong tương lai. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp, Việt Nam đang thu hút lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Tiêu biểu, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư 19 tỷ USD gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; Apple và nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới khác như Google, Dell, Amazon cũng thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm đa dạng hóa, chuyển dịch sản xuất khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc. Cựu chuyên gia tài chính IMF cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có hy vọng phát triển ngành công nghệ bán dẫn, tuy nhiên đây là kế hoạch dài hạn có thể đến 10 năm nên cần có sự chuẩn bị nhiều hơn.

Ông Chí cũng nhận định, việc FED tạm ngừng tăng lãi suất, chính sách của FED ổn định sẽ là hy vọng lớn cho sự phục hồi, phát triển kinh tế Hoa Kỳ. Trong năm 2024 nền kinh tế Mỹ có nhiều điểm sáng do là năm bầu cử, Chính phủ Mỹ sẽ chi tiêu mạnh hơn, do đó, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam sẽ rất tốt. “Bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, cần quan tâm chính sách kích cầu và chính sách tiền tệ trong năm 2024. Dù chính sách tài khóa có giảm VAT từ 10 xuống 8% nhưng khá nhỏ giọt, phải giảm xuống 5% và áp dụng đến cuối năm 2024 thay vì chỉ đến tháng 6/2024 để khuyến khích các nhu cầu của DN”, TS. Phạm Đỗ Chí cho hay. Đồng thời, ông khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) nên có kế hoạch tăng cường sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi kinh tế Mỹ phục hồi.

5j0a4018.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo, từ phải sang: TS. Võ Trí Thành, TS. Cấn Văn Lực, TS. Phạm Đỗ Chí, PGS-TS. Nguyễn Chí Hải, ThS. Ngô Quốc Khánh. Ảnh: Quỳnh Lâm

Đồng quan điểm với TS. Phạm Đỗ Chí, ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Green+ cho biết, chỉ số xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ là 123 tỷ USD năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu gần 25 tỷ USD, trong đó Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, “chúng ta phải sửa soạn đầu tư vào những mặt hàng bán cho Mỹ. Hàng phải chất lượng cao, phù hợp những tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế của Mỹ, từ đó xác định được hướng đi cho DN. Đơn cử, Green+ đã ký hợp đồng với Mỹ, trong đó xuất khẩu hàng cho Mỹ trị giá 30 triệu USD”, ông Thành chia sẻ.

Nông nghiệp - trụ chính của nền kinh tế

PGS-TS. Nguyễn Chí Hải - nguyên Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 chưa đạt mục tiêu song vẫn là “điểm sáng” của kinh tế thế giới. Đặc biệt, ngành nông nghiệp (bao gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản) vẫn là “điểm sáng” nổi bật của nền kinh tế năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu đạt 8,04 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, năm 2023, xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt mục tiêu cán mốc chỉ tiêu 54 tỷ USD.

9 tháng đầu năm, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt vượt mức so với cùng kỳ năm 2022 là 3,43%, đóng góp 9,16% vào mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Dự báo cuối năm 2023, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 3,5%, giữ vững vai trò “bệ đỡ” và là “trụ chính” của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ vẫn có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm, khu vực này tăng 6,24%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng các tháng cuối năm 2023, khu vực dịch vụ, đặc biệt là thương mại, du lịch, vận tải sẽ sôi động hơn, cải thiện mức tăng trưởng. Trong tháng 10/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 9,4% so với cùng kỳ; du khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đạt hơn 11,2 triệu người, vượt xa chỉ tiêu năm 2023 (8 triệu người).

5j0a4063(1).jpeg
Hội thảo thu hút sự quan tâm, thảo luận của nhiều doanh nghiệp. TS. Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao), Chủ tịch CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM đang chia sẻ ý kiến với các chuyên gia. Ảnh: Quỳnh Lâm

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 cũng trong xu hướng khó khăn chung của thế giới nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP cả nước đạt trên 5%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Lực nhận định, tín hiệu phục hồi của nền kinh tế từ tháng 6/2023 đến nay khá rõ nét. Nền kinh tế có nhiều động lực tăng trưởng cho năm 2023-2024 như: Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1/2023, cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá khả quan, dù có chậm hơn; đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát… Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và bất động sản có tín hiệu phục hồi rõ nét từ tháng 6 đến nay. Một điểm sáng nữa, theo TS. Lực đó là thể chế được thúc đẩy hoàn thiện, ông chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng ta có những luật lệ quan trọng được sửa đổi cùng một thời điểm để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán như bây giờ (sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, luật Các tổ chức tín dụng). Dù, việc thông qua, có thể việc thông qua không cùng thời gian và cách nhau một vài tháng".

Ở khía cạnh khác, ThS. Ngô Quốc Khánh - Chuyên gia tài chính, chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) rất quan trọng, giúp DN tái cấu trúc lại chính mình, qua đó, tái cấu trúc lại nền kinh tế. Bản chất của TTCK nhằm huy động vốn cho nền kinh tế, không chỉ DN mà các ngân hàng cũng thông qua thị trường chứng khoán để tăng vốn và phát triển.

Ông Khánh dẫn chứng trường hợp VPBank phát hành cho Tập đoàn Sumitomo 500 triệu USD và thu về 1,5 tỷ USD. Trước đây, Vingroup cũng phát hành cổ phiếu cho 2 đối tác chiến lược, mỗi đối tác100 triệu USD và thu về 2 tỷ USD, gấp 10 lần giá thị trường. Ông khẳng định: “Chỉ có thị trường chứng khoán mới làm nên những câu chuyện lịch sử như vậy” và mong các DN quan tâm huy động vốn bằng việc niêm yết chứng khoán.

Những năm gần đây, số lượng nhà đầu tư tăng theo cấp số nhân, tính đến tháng 3/2023, Việt Nam có hơn 7,8 triệu tài khoản nhà đầu tư. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Các doanh nhân chia sẻ về những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Thực hiện: Lê Hạnh - Minh Phú - Thanh Trúc

Vẫn còn thách thức

Dù có những “điểm sáng”, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ vẫn còn nhiều thách thức do xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn căng thẳng; giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao; giải ngân Chương trình phục hồi 2022-2023 và đầu tư công chưa có đột phá; DN còn nhiều khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, đơn hàng...

Các chuyên gia cũng đề xuất những giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam năm 2024 và các năm tiếp theo. Bên cạnh việc kiểm soát lạm phát, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô, cần giải quyết nút thắt trong phát triển thị trường chứng khoán, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế năm 2024, đặc biệt là thị trường bất động sản. Ngoài ra, đầu tư công, tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vẫn là động lực cho sự tăng trưởng.

5j0a3984.jpeg
Các chuyên gia, đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Quỳnh Lâm

Còn với DN, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị cần cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ và đa dạng hóa nguồn vốn. Ở góc nhìn khác, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, các DN nên giữ tinh thần lạc quan, cần quản trị rủi ro, nắm bắt thông tin, thời cơ để bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi chuỗi cung ứng để có thể phát triển bền vững.

Lê Hạnh