Trong nước

Tổng hợp tin doanh nhân tuần 26/11-2/12

Thanh An 02/12/2023 08:00

Chủ tịch HĐQT Beta Group Bùi Quang Minh bật mí bí kíp vào được Đại học Harvard; Doanh nhân Nguyễn Hải Sơn chia sẻ hành trình sản xuất áo da của FTT Leather; Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh kỳ vọng vào sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước… là những tin tức nổi bật về doanh nhân trong tuần qua

Chủ tịch HĐQT Beta Group Bùi Quang Minh bật mí bí kíp vào được Đại học Harvard

3979717237182485936741936818936775827244184n-1700974692031120610936-1700986601084-170098660121747666.jpg

Được biết đến với biệt danh Minh Beta, doanh nhân Bùi Quang Minh – Chủ tịch HĐQT Beta Group là nhà đầu tư mới trên chương trình Shark Tank Việt Nam sở hữu profile ấn tượng từ thời đi học. Anh là cựu học sinh chuyên toán tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Úc và tốt nghiệp bằng ưu tú loại 1 tại Đại học Sydney. Học xong đại học, anh tới Singapore để làm việc. Trong thời gian này, anh làm commodity analyst (nhà phân tích thị trường hàng hóa) cho một tập đoàn của Pháp, với mức lương khởi điểm là 4.000 USD (gần 100 triệu đồng). Tuy nhiên, sau 2 năm làm việc tại Singapore, anh lại từ bỏ và trở về Việt Nam để thử sức với những cơ hội kinh doanh mới.

Minh Beta chia sẻ công việc khởi nghiệp đầu tiên của anh là Doco Donuts – một chuỗi bánh ngọt theo kiểu Mỹ. Từ số vốn khoảng 300 triệu đồng, anh mở cửa hàng đầu tiên trên phố Hàng Bông (Hà Nội) và thu hồi vốn chỉ sau 3 tháng. Sau 2 năm hoạt động, Doco Donuts đã có 6 cửa hàng trên toàn quốc và sinh lời tốt, nhưng ông chủ của chuỗi vẫn quyết định dừng lại. Sau đó, anh được nhận học bổng Fulbright của Mỹ, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard danh giá vào năm 2014.

Với Minh Beta, bí quyết để được nhận vào Harvard không phải là thành tích học tập, kinh nghiệm làm việc, tố chất và những ước mơ. Tất cả những điều đó chỉ là về mặt kỹ thuật, quan trọng nhất là phải hiểu được bản thân để kết nối được với người xét tuyển, để họ thấy được năng lượng và tin vào tầm nhìn của mình trong tương lai. Sau khi hoàn tất việc học tại Harvard, anh tiếp tục khởi nghiệp với dự án cụm rạp chiếu phim giá rẻ Beta Cineplex, bắt đầu từ Thái Nguyên. Từ số vốn 5 tỷ đồng, Beta Cineplex sau hơn 6 năm đã được định giá 1.000 tỷ đồng.

Doanh nhân Nguyễn Hải Sơn chia sẻ hành trình sản xuất áo da của FTT Leather

ftt-leather-1700966708173271496720-1700972472114-17009724723761280517860.jpg

Được biết đến là Co-founder của FTT Leather, doanh nhân Nguyễn Hải Sơn đang sở hữu một local brand Việt chuyên về đồ da, hiện đã có 3 cửa hàng tại Hà Nội và một cửa hàng ở TP. HCM. Xuất phát điểm từ việc kinh doanh áo da hàng thùng, anh Sơn và đội ngũ sáng lập thương hiệu đã quyết định đi tìm nguồn vải da thuộc cao cấp để tự sản xuất tại Việt Nam, nhằm khắc phục hàng loạt vấn đề của đồ si: không phải lúc nào cũng có size vừa với khách, sản phẩm đã qua sử dụng, có thể chất lượng không đảm bảo. Khoảng thời gian đồng hành với các sản phẩm áo da của FTT Leather đã giúp anh Sơn và đồng đội tích lũy nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh đồ da, đặc biệt là 3 lợi ích không ngờ của việc đánh năm sản xuất lên sản phẩm.

3 lợi ích này bào gồm: Thứ nhất, giúp đội ngũ bán hàng có một câu chuyện hay khi giới thiệu với khách hàng, giải thích được cho khách rằng trên thị trường tồn tại những sản phẩm có thể bị lưu kho quay vòng, còn họ cam kết bán sản phẩm may mới hoàn toàn; Thứ hai, giúp những khách hàng tìm sản phẩm từ các năm trước và giúp đội ngũ bán hàng giảm giá hợp lý cho họ; Thứ ba, tạo áp lực lên chính đội ngũ bán hàng là phải làm thế nào để đẩy hàng cũ đi, lấp đầy bằng các sản phẩm mới. Thông qua 3 lợi ích trên cho thương hiệu, anh Sơn đã tìm ra phương pháp giải quyết các sản phẩm tồn kho cũng như phát triển các sản phẩm khác với chất liệu khác nhau cho nhu cầu của khách hàng trong mỗi thời điểm của năm. “Chúng tôi giải quyết bằng cách chăm sóc sản phẩm từ A đến Z. Tất cả các sản phẩm chúng tôi bán ra, hàng năm khách sẽ mang đến để vệ sinh, bảo dưỡng, làm mềm hoàn toàn miễn phí, để họ không còn băn khoăn về việc chăm sóc áo da như thế nào.", Co-Founder FTT Leather phân tích.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh kỳ vọng vào sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước

1-9116.jpg

Phát biểu khai mạc Toạ đàm “Changed vs Unchanged”, trong khuôn khổ Chương trình kỷ niệm 30 năm Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh trong thế giới không ngừng biến đổi, quá trình học tập thay đổi cá nhân là chặng đường dài buộc các thế hệ doanh nhân Việt Nam phải đi cùng nhau, chấp nhận thay đổi để tồn tại. Đối với Chủ tịch Đặng Hồng Anh, doanh nhân được ví như những chú chim đại bàng trên bầu trời, loài chim có thể sống đến 80 tuổi, nhưng đằng sau đó là quá trình khắc nhiệt để thay đổi. Ở tuổi 40, bộ lông móng vuốt của nó mất dần, để có mỏ mới, nó phải đập mỏ mình vào đá. Sau đó nhờ sự biến đổi đó đại bàng trở lại mạnh mẽ và sống đến 80 tuổi, đó là một quá trình lột xác đầy đau đớn.

Vì thế ông Đặng Hồng Anh cho rằng, doanh nhân Việt Nam trong sự biến đổi ấy, có những giá trị bất biến mà có lẽ không hề thay đổi đối với mỗi một chú chim đại bàng. Đó là sự bản lĩnh, sức chịu đựng, niềm kiêu hãnh và một khát khao được sống. "Mình là thế hệ F2, mình sẽ làm thế nào để thoát khỏi "vỏ bọc" quá lớn từ ông cha? Tôi đã khẳng định sự lột xác của bản thân bằng sự nhiệt huyết, máu lửa muốn được dấn thân cống hiến, đến bây giờ tôi cũng đang cố gắng trên nền tảng truyền thống, có cái không còn phù hợp thì mình thay đổi, cái hay mình phát triển quyết liệt, sáng tạo hơn”, thông điệp của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh gửi đến các thế hệ doanh nhân Việt Nam trong sứ mệnh phát triển kinh tế đất nước.

Khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới của CEO Lưu Thị Thanh Mẫu

z3793952543332_db1a9c3ad93a8f1c44d92891e0ae376a-1651.jpg

Với sứ mệnh: “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”, doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu - nữ CEO xanh của Phuc Khang Corporation ấp ủ chiến lược đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới bằng những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quốc tế. Theo đó, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu luôn định hướng tập trung hoàn thiện và phát triển các sản phẩm xanh theo chuẩn mực quốc tế bằng các công trình xanh được xem là phương tiện để doanh nghiệp làm ra những sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho mọi người và đóng góp vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững chung của đất nước và tạo “sức hút” với các đối tác quốc tế.

Bên cạnh đó, CEO Phúc Khang Corporatin đã triển khai nhiều chiến lược giúp giữ vững nội lực, song song với kế hoạch hội nhập và nâng tầm doanh nghiệp thông qua các hội thảo, chương trình đào tạo, học tập định kỳ trong và ngoài nước, cũng như những diễn đàn chuyên môn mà đội ngũ nhân sự nòng cốt của Phúc Khang đã tham gia như Diễn đàn CSI 2022 “Chuyển đổi, tăng tốc, bứt phá: doanh nghiệp vững bền - quốc gia hưng thịnh”; Tuần lễ môi trường xây dựng quốc tế 2022 (IBEW); Hội thảo Hiện thực hóa phát triển công trình xanh hướng tới kiến trúc bền vững 2022; Diễn đàn M&A 2022 “Kích hoạt những cơ hội mới”; BCI Equinox 2022 "Net Zero Carbon & Wellness”… Cùng với đó, trong hành trình tiến tới phát triển bền vững và vươn tầm quốc tế, Phúc Khang từ kiến tạo công trình xanh đến cộng đồng xanh và tương lai xanh, thực hành CSR đang chuyển dịch sang ESG. “Chúng tôi sẽ cùng nhau nỗ lực để có thật nhiều công trình xanh, cộng đồng xanh, nơi cư ngụ của những công dân toàn cầu, gia đình toàn cầu hướng đến phát triển bền vững, có trách nhiệm”, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu khẳng định.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chuẩn bị chi hơn 600 tỷ đồng làm nhà ở xã hội cho công nhân

vua-tom-minh-phu-luon-biet-hoc-hoi-02.gif

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang, HĐQT CTCP Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội với tổng vốn gần 633 tỷ đồng. Trong đó gồm hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án, còn lại là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Dự án tọa lạc tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Quy mô dân số giao động 3.200 – 3.800 người. Dự kiến sử dụng đất, mặt nước, mặt bằng có tổng diện tích 17,67 ha; trong đó phần lớn là đất ở 9,47 ha, đất giao thông bộ là 4,91 ha, đất giao thông thủy là 1,82ha. Thời gian dự án hoạt động là 49 năm kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc ký hợp đồng thực hiện dự án đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu. Tiến độ thực hiện tối đa 60 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc ký hợp đồng thực hiện dự án.

Lãnh đạo Minh Phú cho biết, mục tiêu thực hiện dự án này nhằm khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà ở xã hội theo quy hoạch được phê duyệt; tạo thêm quỹ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy định pháp luật. Hiện HĐQT Minh Phú đã giao cho ông Quang chỉ đạo ban quản lý dự án thực hiện các thủ tục cần thiết để nộp hồ sơ tham gia dự án cho cơ quan chức năng, đồng thời xin ý kiến HĐQT phê duyệt kế hoạch xây dựng chi tiết trước khi triển khai dự án.

Thanh An