Quản trị

Khi khó khăn, nhớ về lúc bắt đầu

Injoon Song (*) 01/12/2023 08:03

Khó khăn, thử thách và hàng tá áp lực bủa vây, đã có lúc tôi suy nghĩ: “Có nên dừng lại?” nhưng nhớ về lúc bắt đầu nên vẫn tiếp tục.

picture4.jpg

4 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ thôi bất ngờ về những sản vật địa phương và những tác phẩm tỉ mỉ, độc đáo của những người thợ thủ công. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng bị mai một hoặc bị giới hạn trong một phạm vi nhỏ bé nào đó.

Dự án Chus cũng bắt đầu từ một câu hỏi: “Làm thế nào để những người nước ngoài mua được những món quà lưu niệm đậm chất Việt, do chính tay người Việt làm ra chứ không phải những món thời trang nhái với giá cả phải chăng và chất lượng từ chính gốc người làm ra nó?”.

Khó khăn là thị trường mua sắm online của Việt Nam đang bị “thống trị” bởi các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada hay những nền tảng tích hợp đa dạng mặt hàng nhưng cơ hội là xu hướng mua sắm trên mạng lại rất lớn vì nó tiện lợi nhưng không có nhiều nền tảng cung cấp tập hợp những sản phẩm đủ độc đáo, đủ “nice” “dễ thương”.

#VietFlex được tôi thiết kế ngay sau khi nhận ra cơ hội với mong muốn để mọi người cùng chia sẻ những món đồ Việt Nam mà họ có. Tuy nhiên, có vẻ không thuận lợi vì tâm lý nhiều người vẫn ưa chuộng đồ dùng nhập khẩu từ nước ngoài như Hàn Quốc và các nước châu Âu. Khó khăn ở chỗ, họ không biết cách chọn sản phẩm tốt và không tin vào chất lượng sản phẩm làm tại doanh nghiệp địa phương nên không đặt nhiều kỳ vọng cũng như không có niềm tin.

Khó khăn, thử thách và hàng tá áp lực bủa vây, đã có lúc tôi suy nghĩ: “Có nên dừng lại?” nhưng khi ấy, tôi nhớ đến lòng tin của những khách hàng đã yêu thích các sản phẩm mình mang lại và nhớ câu hỏi: Vì sao mình bắt đầu và bừng tỉnh, lại có thêm niềm tin vào lý tưởng mình theo đuổi.

Tôi cũng thường tự vấn và hỏi nhân viên: “Khách hàng đang nghĩ gì?” để luôn đi tìm câu trả lời.

Dù nỗ lực mang đến nhiều lựa chọn mua hàng khác nhau nhưng có vẻ khách hàng vẫn chưa thỏa mãn. Vì vậy, tôi muốn thấu hiểu khách hàng hơn nữa. Đó là cách duy nhất để thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường.

Một điều thú vị là các nền tảng trực tuyến, sự phát triển của AI cho phép chúng ta tiếp cận tới mọi nơi và trên toàn thế giới. Hãy tận dụng hết những khả năng kỳ diệu của công nghệ và chạm đến nhiều khách hàng tiềm năng hơn trong tương lai và vươn xa ra cả thị trường quốc tế bởi vì ai cũng có thể sử dụng nền tảng online để mua sắm.

img_20231027_211942-1-_2869551.jpg

Cuối cùng, hãy cho khách hàng cảm thấy họ không phải đang mua sản phẩm, mà đang mua câu chuyện đằng sau sản phẩm và thương hiệu ấy. Chúng tôi đang “bán” câu chuyện thực tế mà CHUS và các thương hiệu hợp tác đang cùng truyền tải.

Marketing và IT là những hình thức dễ “chạm” khách hàng nhất vì vậy, cần cung cấp đúng sản phẩm đúng đối tượng cần là việc marketing phải làm được. Sản phẩm tìm được đúng người cần sẽ được trân trọng, cũng như khách hàng tìm được đúng sản phẩm phù hợp với phong cách, lối sống họ sẽ cảm thấy thoải mái và yêu đời hơn.

Hiện tại tôi đang làm điều mình thích, cho dù nó khiến tôi khá đau đầu và stress hơn trước đây rất nhiều. Vì mọi thứ đều mới nhưng tôi có được cảm giác đang sống thật với niềm đam mê và lí tưởng của mình. Đôi lúc mọi thứ lại không như mong đợi nhưng tôi tin tưởng rằng sẽ tới thời điểm mà thị trường sẽ thay đổi, chỉ vài năm thôi cây chúng ta trồng sẽ ra trái ngọt. Nếu chúng ta xây dựng thương hiệu một cách đúng đắn, đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để phục vụ nhiều khách hàng hơn nữa, cả ở trong lãnh thổ Việt Nam và cả quốc tế.

Điều quan trọng là hãy cố gắng tìm công việc bạn thật sự thích, muốn dành 200% năng lượng để làm. Bạn có thể làm việc mình không thích trong thời gian ngắn. Nhưng để làm việc với 200% năng lượng trong thời gian dài, bạn cần thật sự thích nó.

Nói đơn giản là, tôi dành 15 năm để làm việc mình làm tốt, nhưng tôi không thích nó. Sau 15 năm, tôi làm thứ mình thích và qua đó, tôi cảm thấy tự tin hơn và tin vào quả ngọt sẽ đến trong tương lai.

(*) Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Chus

Kim Ngọc ghi

Bài học rút ra:
- Để hoạt động của doanh nghiệp đi vào quỹ đạo, nguyên tắc đầu tiên là phải luôn khiến khách hàng “wow” với sản phẩm mình tạo ra.
- Thứ hai, trong kinh doanh, có rất nhiều thứ cần phải được hoàn thành và đôi lúc công việc đòi hỏi mình phải gắng sức nhưng bạn cần phải chia nhỏ công việc và đi từ khách hàng trước.
- Nếu có quá nhiều thứ phải lo, luôn ưu tiên những việc cần phải hoàn thành trước trong tuần này, trong tháng này để mọi thứ đi theo quỹ đạo của nó.
- Tiếp theo, hành động quan trọng hơn việc lên kế hoạch, phạm lỗi gì đó không phải là vấn đề. Nhưng lên kế hoạch mà không làm gì cả mới là vấn đề lớn.

Bí quyết thành công:
“Cần đặt mình vào vị trí của khách hàng, thường xuyên tổ chức những buổi trò chuyện để hiểu họ nhiều hơn, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu nhất để chính doanh nghiệp phát triển. Sự tự tin của chúng ta chắc chắn có được là từ các khách hàng, họ tiếp năng lượng và sức mạnh để doanh nhân tiếp tục bước tiếp trên con đường này”.
“Khi khách hàng biết được về những câu chuyện đằng sau sản phẩm, họ sẽ hiểu được giá trị của sản phẩm họ mua. Họ đang mua những thứ được làm bởi các nghệ nhân, bởi con người thật làm ra từ đam mê”.

Injoon Song (*)