Quốc tế

Những nội dung chính của hội nghị khí hậu COP28 tại UAE năm nay

PV 30/11/2023 17:00

Hội nghị khí hậu quốc tế quan trọng nhất năm 2023, vừa bắt đầu vào ngày 30/11 tại thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Đây cũng là trung tâm tài chính, thương mại và du lịch ở Trung Đông. Đại diện các Chính phủ sẽ họp, cùng nhau thảo luận giải pháp chống biến đổi khí hậu và ngăn trái đất nóng lên.

Đại biểu gồm các quan chức Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhiều nhóm xã hội dân sự từ 200 quốc gia, sẽ trao đổi và đề ra chương trình hành động, nhằm giải quyết hậu quả ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tốc độ và quyết tâm hành động được cho là yếu tố then chốt trong cuộc chiến này, sau 1 năm nóng kỷ lục cùng nhiều hình thái thời tiết cực đoan tấn công cả thế giới.

hoi-nghi-cop28-nam-nay-se-ban-thao-hang-loat-van-de-cap-bach-ve-khi-hau-anh-arn.jpg
Hội nghị COP28 năm nay sẽ bàn thảo hàng loạt vấn đề cấp bách về khí hậu - Ảnh: ARN

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vừa đến thăm Nam Cực vào tuần trước. Ông cảnh báo băng ở đây đang tan nhanh gấp 3 lần so với đầu những năm 1990, khiến nhiều loài động vật mắc kẹt trong chu kỳ chết chóc và tuyệt chủng.

Các lãnh đạo phải phá vỡ chu kỳ đáng sợ trên. Giải pháp có rất rõ ràng rồi, nhưng chúng ta không đủ quyết tâm. Sẽ muộn nếu vẫn chưa đưa ra quyết định thực sự mạnh mẽ tại hội nghị lần này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Dưới đây là một số điều cần biết về hội nghị COP28 tại UAE 2023.

COP28 là gì?

COP là viết tắt của “Conference of the Parties”, tức hội nghị các bên trên toàn cầu không phân biệt quốc gia, thể chế chính trị, giàu nghèo, tôn giáo hay đảng phái. Tất cả hướng tới mục tiêu chung, là ngăn tình trạng biến đổi khí hậu. Năm nay cuộc họp được tổ chức lần thứ 28.

COP28 diễn ra khi nào và ở đâu?

COP28 bắt đầu ngày 30/11 tại Dubai, thành phố đông dân nhất UAE - nổi tiếng với các khách sạn sang trọng. Phần điểm nhấn bắt đầu từ ngày 1/12, với cuộc họp thượng đỉnh 2 hôm của các lãnh đạo. Nguyên thủ 140 quốc gia sẽ trình bày kế hoạch chống biến đổi khí hậu ở nước mình. Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 12/12, mặc dù đàm phán về tài liệu chung cuối cùng có thể xong trước đó, như đã diễn ra trong quá khứ.

uae-sap-la-chu-nha-hoi-nghi-cop28-anh-cnn.jpg
Dubai là thành phố chủ nhà của COP28 năm nay - Ảnh: CNN

Hội nghị khí hậu năm nay tổ chức tại quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đã gây ra sự tranh cãi không nhỏ. Hơn nữa, chủ tịch hội nghị COP28 là ông Sultan Ahmed al-Jaber, người đứng đầu Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi do nhà nước kiểm soát, cũng đặt ra nhiều dấu chấm hỏi. Các hoạt động của UAE liên quan tới COP28 thời gian gần đây được theo dõi sát sao, khi BBC đưa tin nước này có kế hoạch sử dụng hội nghị để đạt được những thỏa thuận về dầu khí.

Ai sẽ tham dự COP28?

Theo tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi sẽ có mặt tại Dubai trong hai ngày đầu tiên, để nêu bật cam kết về khí hậu mà New Delhi chia sẻ tại cuộc họp G20 năm nay.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Junior và Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự kiến phát biểu vào ngày 1/12, hôm đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh. Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường đại diện cho Trung Quốc cũng phát biểu vào ngày 1/12. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim dự kiến phát biểu vào ngày 2/12.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không có mặt ở Dubai, nhưng đặc phái viên về khí hậu John Kerry sẽ tham dự, đại diện cho một trong những quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới.

Giáo hoàng Francis có thể là giáo hoàng đầu tiên tham gia hội nghị thường niên về khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhưng đã hủy chuyến đi vì lý do sức khỏe. Nhìn chung, có khoảng 70.000 người sẽ tham dự hội nghị khổng lồ này.

Những chủ đề chính bàn thảo tại COP28

Một trong những thách thức lớn nhất là ra mắt quỹ đền bù cho các nước đang phát triển, nhưng chịu mất mát và thiệt hại vì biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nguyên nhân lại đến từ các nước giàu mạnh, như Trung Quốc và Mỹ là 2 bên phát thải nhiều nhất. Phương Tây đã phát thải mạnh mẽ trong 1 thời gian dài suốt quá trình tăng trưởng kinh tế.

cac-nuoc-ngheo-dang-chiu-anh-huong-nghiem-trong-nhat-cua-bien-doi-khi-hau-anh-cnn.jpg
Các nước nghèo đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu - Ảnh: CNN

Các bên đồng ý thành lập quỹ này tại hội nghị COP27 ở Ai Cập năm 2022. Kế hoạch sẽ tiếp tục đàm phán ở Dubai năm nay, nhưng thương lượng dần trở nên khó khăn, vì nhiều nước giàu không muốn đáp ứng yêu cầu từ các nước đang phát triển, nhất là câu hỏi ai sẽ trả tiền?

Các bên tại hội nghị năm nay cũng sẽ cố gắng hoàn tất vòng đàm phán kéo dài 8 năm, về khuôn khổ bảo vệ một số cộng đồng người, sống ở nơi dễ tổn thương do thay đổi khí hậu. Với tên gọi “Mục tiêu toàn cầu về thích ứng” (Global goal on adaptation), chương trình nghị sự năm nay còn nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các quốc gia đang phát triển, để họ tự đối phó tốt hơn với hậu quả từ nhiệt độ tăng cao và những hình thái khắc nghiệt khác của thời tiết. Tiến trình trên bị đình trệ trong các cuộc họp trước, khi những bên đàm phán gặp khó trong việc thống nhất mục tiêu cụ thể, cũng như cách huy động tiền.

Theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015, các quốc gia cam kết chế ngự mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. COP28 diễn ra sau đợt đánh giá đầu tiên về tiến trình hướng tới mục tiêu trên. Tiến trình này rất quan trọng, được gọi là kiểm kê toàn cầu, diễn ra 5 năm một lần. Đánh giá đầu tiên cho thấy, thế giới đang không đi đúng hướng, với quá nhiều bất đồng khiến chậm tiến bộ. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo điều này vào tháng 9 vừa qua. Các quan chức tập trung ở Dubai dự kiến sẽ thảo luận cách khắc phục những lo ngại trên.

Đề ra bước đi cụ thể hướng tới chuyển đổi năng lượng sạch, cũng là 1 trọng tâm của hội nghị năm nay. Mục tiêu tăng gấp ba công suất và gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030. Một số nước phương Tây đang thúc đẩy các biện pháp nghiêm ngặt hơn, để giảm sử dụng năng lượng từ đốt than, mặc dù động thái này có thể bị Trung Quốc và Ấn Độ phản đối. Than được coi là nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm bậc nhất hiện giờ. Các quốc gia dễ bị tổn thương ở Thái Bình Dương, cùng với nhiều nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường, mong muốn tất cả tiến thêm một bước nữa, để dần loại bỏ mọi nhiên liệu hóa thạch.

Những sáng kiến nhằm giảm methane, một loại khí thải nhà kính nguy hiểm khác cùng với CO2, cũng sẽ được thảo luận tại COP28 năm nay.

PV