Sự kiện doanh nghiệp

Cơ hội, triển vọng và thách thức cho ngành logistics TP.HCM

Thanh An 30/11/2023 15:01

Chiều ngày 29/11, Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) đã tổ chức Diễn đàn Logistics TPHCM năm 2023, với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng: Triển vọng và thách thức” với mục tiêu phân tích những lợi thế và thách thức cho ngành logistics của TP và kêu gọi đẩy mạnh đầu tư 6 trung tâm logistics.

Tham dự Diễn dàn có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng; Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM Trần Phú Lữ…

Phát biểu tại diễn đàn, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu thuộc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Công Luận cho biết, với những thuận lợi đặc thù về thương mại và vận tải quốc tế, TP.HCM đã và đang có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam và cả nước.

dsc03468-7128.jpg
Đại diện Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Công Luận thông tin về những kế hoạch đầu tư của TP vào ngành logistics

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ logistics ở TP.HCM chưa được đầu tư đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong thời gian tới, TP cũng chưa có trung tâm logistics quy mô lớn và chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại.

Theo đại diện từ Sở Công thương, toàn TP.HCM hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics (chiếm 36,7% cả nước). TP cũng chiếm tỷ trọng 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước (khoảng 2.700 doanh nghiệp), đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong hoạt động giao thông vận tải, hậu cần, logistics, giúp TP.HCM duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu trong hoạt động logistics trong khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ logistics của TP.HCM chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong thời gian tới. Trong đó, chưa có trung tâm logistics quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Cùng với đó, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics tại thành phố còn chậm, chưa thực sự đồng đều; quy mô doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics còn hạn chế về năng lực hoạt động…

Vì thế, để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế, trong thời gian tới, ngành Công Thương TP.HCM sẽ phối hợp cùng các sở, ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển logistics theo Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

“Để đón đầu các chuỗi cung ứng, cần tăng cường công tác triển khai dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics trên địa bàn thành phố, trong đó đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác kêu gọi đầu tư của 6 dự án xây dựng trung tâm logistics" – ông Nguyễn Công Luận cho biết.

img_8223_1.jpg
Các diễn giả thao luận về những vấn đề liên quan đến ngành logistics TP.HCM

Cùng với đó, để mở rộng mạng lưới logistics ra vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM cũng sẽ tập trung phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng. Đồng thời tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Tăng cường công tác triển khai dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics trên địa bàn TP. Đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác kêu gọi đầu tư của 6 dự án xây dựng trung tâm logistics tại TP.Thủ Đức, huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ) và huyện Nhà Bè (xã Hiệp Phước).

Song song với đó, TP.HCM cam kết sẽ luôn đồng hành cùng hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh logistics. Trong đó, tập trung thiết lập bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức để phục vụ cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải và đầu mối tập kết hàng hóa, áp dụng các công nghệ tiên tiến (tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật...), phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu, thành lập trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics để cung cấp, kết nối các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại. Đồng thời, thành lập trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics cho Vùng hướng đến tính liên kết vùng Đông Nam Bộ và cung cấp nguồn nhân lực cao của TP.HCM cũng như chia sẻ nguồn nhân lực của Vùng…

Thanh An