Trong nước

Hà Nội dự kiến cắt giảm 4.000 nhân viên phục vụ xe buýt

Thanh An 28/11/2023 20:19

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, do thủ đô đang triển khai vé điện tử liên thông, nên 132 tuyến xe buýt trợ giá với hơn 2.000 xe dự kiến sẽ tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ.

Sáng ngày 28/11, Hà Nội đã tổ chức khai trương thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng.

Tại lễ khai trương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, thực hiện chủ trương của UBND TP, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với 3 đơn vị đề xuất tham gia thí điểm và các đơn vị cung cấp dịch vụ buýt tổ chức triển khai các công việc cụ thể để thực hiện thí điểm.

Trong đó, lựa chọn, xác định cụ thể các tuyến thí điểm (xác định được 23 tuyến buýt thường và 1 tuyến BRT); lắp đặt hệ thống kiểm soát vé trên xe buýt; phần mềm tổng hợp dữ liệu thanh toán; hướng dẫn đào tạo khai thác sử dụng cho các chủ thể liên quan.

xe-buyt-ha-noi-sut-giam-san-luong-doanh-thu-do-dich-covid-19.jpg
Hà Nội dự kiến sẽ tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ xe buýt

Hiện Hà Nội đã có 13 tuyến buýt thường và 1 tuyến BRT hoàn thành xong các thủ tục liên quan đủ điều kiện để chính thức đưa vào khai thác vận hành thí điểm trong thời gian từ 6-9 tháng theo chủ trương đã được chấp thuận.

Dự kiến đến tháng 12, Hà Nội sẽ tiếp tục đưa 10 tuyến buýt vào hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức. Các tuyến buýt này đang hoàn tất giải pháp liên quan đến đảm bảo kết nối thẻ vé với hệ thống phần mềm tổng hợp dữ liệu thanh toán để có thể tiếp tục đưa vào khai thác vận hành thí điểm.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ vé điện tử trên các tuyến buýt là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thủ đô và người tham gia giao thông công cộng.

Đây là cơ sở để tiến tới không sử dụng nhân viên phục vụ trên xe. Tính riêng 132 tuyến xe buýt trợ giá với hơn 2.000 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ trên xe, giảm số tiền lớn cho ngân sách, theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng.

"Tính riêng 132 tuyến xe buýt trợ giá với 2.034 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ, giảm số tiền lớn cho ngân sách. Theo tính toán của chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng ngân sách mỗi năm", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết.

Ngay sau khi hoàn thành thí điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổng kết đánh giá, làm cơ sở đề xuất tổ chức triển khai với toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.


Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn.

Giai đoạn 2015-2019 mỗi năm ngân sách nhà nước trợ giá cho xe buýt khoảng 1.370 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2022 mức trợ giá tăng lên 2.230 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022 là gần 3.000 tỷ đồng; năm 2023 dự kiến 2.750 tỷ đồng.

Thanh An