Trong nước

Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện

Thanh An 28/11/2023 12:10

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.

Được biết, tối ngày 27/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Fumio Kishida đã tổ chức hội đàm và phát biểu báo chí chung tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản. Hai lãnh đạo ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới", qua đó khẳng định mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.

vnapotalchutichnuocvovanthuonghoidamvoithutuongnhatbankishida7100949-1701085061162628648167.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Fumio Kishida tại buổi hội đàm

Quyết định nâng cấp diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đưa Nhật Bản trở thành nước thứ sáu mà Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Trên cơ sở khuôn khổ quan hệ mới, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hợp tác hai nước, mở ra thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung của cả hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao hằng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại hợp tác đã có giữa các bộ, ngành hai nước và thúc đẩy thiết lập các cơ chế hợp tác mới; tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản.

Trong vấn đề kinh tế, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác để bảo đảm an ninh kinh tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…. Hai nhà lãnh đạo mong muốn tăng cường tính chống chịu của các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên, trong đó có tính đến tầm quan trọng của chuỗi cung ứng minh bạch, đa dạng, an toàn, bền vững và ổn định.

untitled-1-copy-17010913643762013671209.jpg
Hai nhà lãnh đạo đồng tổ chức và chủ trì buổi hội đàm và phát biểu báo chí chung

Trong vấn đề giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao công tác khuyến khích học sinh Việt Nam học tại Nhật Bản, tăng cường trao đổi trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước và thúc đẩy giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển trong lĩnh vực giao lưu văn hóa, hợp tác du lịch giữa hai nước, đặc biệt là sự mở rộng cả về quy mô, chất lượng và sức lan tỏa của các lễ hội Việt Nam, lễ hội Nhật Bản, góp phần tích cực vào việc tăng cường sự hiểu biết, tình cảm hữu nghị và gắn kết xã hội giữa người dân hai nước.

Về vấn đề an ninh và quốc phòng, hai nước khẳng định sẽ tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin, các lĩnh vực quân y, cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Qua đó, cả hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc theo đuổi thực hiện các quy trình của Hiệp định về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng ký tháng 9/2021.

Về tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp, hai bên cũng khẳng định sẽ luôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản đều bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tránh có các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép và làm gia tăng căng thẳng.

Vì thế, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định sẽ nỗ lực duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Đồng thời hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Thanh An