Chuyện làm ăn

Gạo Việt đang vui, nông sản dè chừng

Hồng Nga 28/11/2023 10:21

Trong 2 năm qua không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo. Gạo Việt Nam đã được thị trường châu Âu đón nhận.

gao-xuat-khau-1-.jpg

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, nhu cầu gạo toàn cầu tăng cao qua các năm trong khi nguồn cung từ các nước trồng lúa lại giảm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vì thế, các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu gạo ở ngưỡng 670 - 680USD/tấn, trong những tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu có thể tiếp tục neo ở mức cao vì cầu vẫn nhiều hơn cung.

Điều đáng nói nhất là xuất khẩu gạo sang một số thị trường EU tăng ở mức ba con số, như xuất qua Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 308%... Phục vụ cho việc kiểm soát nông sản, thực phẩm khi nhập khẩu vào EU, trong 10 tháng qua, các thành viên EU đã đưa ra 103 thông báo, dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động vật thực vật. Thế nhưng, vượt qua tất cả, chất lượng gạo của Việt Nam đều đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của thị trường khó tính này.

Hiện kim ngạch xuất khẩu gạo sang châu Âu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2,45% trong tổng lượng xuất khẩu) nhưng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, lên tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172.000 tấn.

Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tể và kiểm dịch động thực vật), nhiều năm trở lại đây, không có bất kỳ lô gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo.

Không chỉ gạo, ông Nam cho rằng, EU là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với nhiều loại nông lâm thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới nhờ quy mô thị trường hơn 500 triệu dân và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Cùng với đó, những cam kết cắt giảm hầu hết thuế quan trong lộ trình ngắn theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) càng thuận lợi cho các mặt hàng nông thuỷ sản của nước ta.

Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất so với cùng kỳ các năm, kể từ năm 2009 đến nay.

Tuy nhiên, EU cũng là một trong những thị trường khó tính nhất với những quy định về kiểm dịch động thực vật rất cao và kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt với hàng nông thủy sản. Thị trường này có xu hướng tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Cụ thể là ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã có nhiều thông báo liên quan đến các quy tắc đối với cơ sở nuôi trồng và vận chuyển thủy sản; quy định về yêu cầu sức khỏe động vật khi di chuyển… Ngoài những quy định của chính quyền, nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ buộc doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải tuân theo, nhất là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm.

Không những thế, một số thị trường còn hướng đến các yếu tố tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Vì vậy, trong tương lai gần, nếu các nhà máy của Việt Nam không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường xanh, không có khoảng không gian xanh… thì hàng nông sản sẽ khó xuất khẩu.

Hồng Nga