Quốc tế

Lý do thế giới cấp tập tìm "vàng trắng"

Khởi Vũ 27/11/2023 12:03

Việc sử dụng nhanh chóng xe điện dự báo làm nhu cầu lithium tăng vọt, khiến nó được xem là "vàng trắng".

Dự báo, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng lithium sẽ tăng gần gấp 5 lần so với hiện tại. Trên thực tế, cuộc đua tìm "vàng trắng" đang được nhiều quốc gia trên thế giới cấp tập triển khai, vừa vì nhu cầu, vừa để phá thế gần như độc quyền của các quốc gia nắm trữ lượng lớn và sản lượng sản xuất kim loại này.

ly-do-the-gioi-cap-tap-tim-vang-trang-1.jpg
Nhu cầu lithium trên thế giới tăng vọt trong bối cảnh nhiều quốc gia tìm kiếm giải pháp năng lượng sạch.

Nhu cầu bùng nổ trên toàn cầu

Lithium là thành phần quan trọng của pin lithium-ion (Li-ion), yếu tố không thể thiếu đối với nhiều loại máy móc và xe điện. Các nhà sản xuất laptop, điện thoại di động và sản phẩm khác có pin sạc cũng phụ thuộc rất nhiều vào lithium. "Vàng trắng" cũng được sử dụng trong gốm sứ, một số loại thủy tinh, dầu mỡ công nghiệp và một số loại thuốc.

Thời gian gần đây, nhu cầu lithium trên thế giới tăng vọt và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong 10 năm tới, trong bối cảnh nhiều quốc gia tìm kiếm giải pháp năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.

Theo một báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB) hồi năm ngoái, việc sản xuất các khoáng sản quan trọng, trong đó có cả lithium, sẽ phải tăng gần 500% vào năm 2050 để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với các công nghệ năng lượng sạch quan trọng. Trong loạt bài gần đây, tờ Nikkei Asia của Nhật còn gọi lithium là "kim cương trắng" của ngành xe điện và công nghệ năng lượng tái tạo.

Hơn nữa, dù lithium có rất nhiều trên Trái Đất, thách thức trong việc khai thác và sử dụng nó nằm ở tốc độ phổ biến hóa xe điện. Gọi lithium là "loại dầu mỏ mới", tỷ phú Elon Musk - CEO hãng sản xuất xe điện Tesla cho biết, một cục pin của mẫu Tesla Model S sử dụng khoảng 12kg lithium, và nếu thiếu kim loại này, mục tiêu 60% doanh số bán ô tô mới trên cầu là xe điện vào năm 2030 sẽ không thể đạt được. Theo AP News, để đảm bảo đủ lithium, hãng xe GM của Mỹ và BYD của Trung Quốc gần đây đã trực tiếp tiếp cận nguồn cung cũng như mua cổ phần tại các mỏ khai thác.

Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh mà tất cả quốc gia đều triển khai chương trình chuyển đổi năng lượng gần như cùng lúc - điều đã làm phát sinh nhu cầu rất lớn về kim loại thiết yếu. Tình trạng này sẽ trở nên căng thẳng trong những năm tới với việc giá cả tăng vọt và nguồn cung khó khăn. Do đó, đây sẽ là một thách thức thực sự về chiến lược và chủ quyền quốc gia cho các nước.

Nhà địa chất học Olivier Vidal - Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành công nghiệp sản xuất xe điện sẽ phải mạnh tay đầu tư hơn nếu không muốn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lithium sớm nhất vào đầu năm 2025.

"Trong 3-5 năm tới sẽ không có quá nhiều vấn đề. Nhưng nếu những nguồn lithium khác không được phát triển nhanh chóng, trong nửa sau của thập niên này (đến gần những năm 2030), chắc chắn sẽ không có đủ lithium", Sam Abuelsamid, nhà phân tích tại Guidehouse Insights dự báo.

Đây là lý do các quốc gia sở hữu nguồn lithium dồi dào như Australia, Chile, Trung Quốc, Mỹ đang nỗ lực tăng sản lượng khai thác. Các nước Mỹ Latin, vốn có nhiều lợi thế về trữ lượng khoáng sản, nhưng lại hạn chế về vốn và công nghệ, cũng đang nhanh chóng triển khai các chính sách nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ nguồn tài nguyên của mình.

ly-do-the-gioi-cap-tap-tim-vang-trang.jpeg
Lithium là thành phần quan trọng của pin lithium-ion (Li-ion), yếu tố không thể thiếu đối với nhiều loại máy móc và xe điện.

Ba quốc gia cung cấp hơn 90% sản lượng

Xét về trữ lượng, 5 quốc gia có nhiều lithium nhất lần lượt là Bolivia, Argentina, Mỹ, Chile và Australia, với Argentina, Chile và Bolivia còn được biết đến là "Tam giác Lithium" của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc sản xuất "vàng trắng" tại Bolivia lại gần như không tồn tại, trong khi Argentina có khoảng 21% tổng trữ lượng lithium lại chỉ chiếm 6% sản lượng của thế giới.

Hiện, các quốc gia có sản lượng lithium lớn nhất lần lượt là Australia, Chile và Trung Quốc, với tỷ trọng chiếm hơn 90% toàn cầu. Đây cũng là 3 quốc gia chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường lithium tinh tế. Trong đó, Trung Quốc là nước dẫn đầu trong việc tinh chế lithium và chỉ riêng 5 công ty của nước này đã chịu trách nhiệm cho 65% lượng lithium tinh chế. Họ hoạt động ở mọi giai đoạn của dây chuyền sản xuất, từ phát triển tài nguyên, tinh chế và xử lý, đến sản xuất và tái chế pin. Trên thực tế, trong số 200 siêu nhà máy pin đang được triển khai cho đến năm 2030, 148 sẽ nằm ở Trung Quốc

Năm quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới

1Bolivia21 triệu tấn
2Argentina20 triệu tấn
3Mỹ12 triệu tấn
4Chile11 triệu tấn
5Australia7,9 triệu tấn

Ngoài Mỹ Latin, khu vực sở hữu trữ lượng và tiềm năng khai thác lithium là châu Phi, khi phần lớn các mỏ tại đây chưa được khai thác dù chỉ nắm khoảng 5% trữ lượng của thế giới. Hiện, chỉ Zimbabwe và Namibia xuất khẩu quặng lithium, còn các dự án khai thác lithium ở Congo, Mali, Ghana, Nigeria, Rwanda và Ethiopia đang trong giai đoạn thăm dò hoặc phát triển.

Với việc IEA dự báo nhu cầu lithium có thể tăng gấp 40 lần vào năm 2040, nhiều nước lớn và công ty quốc tế đang cấp tập chạy đua để giành quyền tiếp cận nguồn kim loại này ở châu Phi, khiến cơn sốt khai thác "vàng trắng" tăng nhiệt. Zimbabwe - quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất châu Phi và đứng thứ 6 toàn cầu về xuất khẩu lithium, đã kiếm được 209 triệu USD từ "vàng trắng" trong 9 tháng đầu năm 2023. Còn Namibia, Tanzania và Zimbabwe thì cấm xuất khẩu lithium thô hoặc chưa qua chế biến vì muốn tăng thêm giá trị từ khoáng sản này.

Không chỉ châu Phi, các quốc gia thấy rõ tầm quan trọng của lithium cũng đã bắt đầu có những động thái nhằm củng cố vị thế của mình và tăng sự phụ thuộc của thế giới vào họ. Bốn nước Nam Mỹ là Bolivia, Chile, Argentina và Brazil hiện đang thảo luận về việc thành lập một cơ chế giống như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để kiểm soát nguồn cung lithium. Giống như OPEC đã thiết lập quyền lực trong kỷ nguyên xe xăng, nhóm này kỳ vọng quyền lực và tiếng nói của họ sẽ tăng lên trong kỷ nguyên xe điện.

Trong khi đó, Mexico đã quyết định quốc hữu hóa lithium, còn Canada và Úc thì thận trọng hơn với các khoản đầu tư từ Trung Quốc trong ngành đất hiếm. Với các nước có ít trữ lượng lithium, những hành động vừa nêu là rất đáng lo ngại, khi nó phát đi một tín hiệu rằng chủ nghĩa bảo hộ lithium có thể sớm đến và sẽ khiến cuộc cạnh tranh tìm nguồn cung ngày càng quyết liệt hơn.

Khởi Vũ