Start up

Đại học khởi nghiệp tạo nguồn lực giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội

Lê Hạnh 27/11/2023 08:01

TS-KTS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cho rằng, nếu triển khai thành công mô hình trường đại học khởi nghiệp (ĐHKN) thì sẽ có tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

dsc00244.jpg
TS-KTS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM

* Cụ thể, ĐHKN sẽ tác động đến nền kinh tế như thế nào, đặc biệt là nền kinh tế tri thức, thưa ông?

- Trung tâm của nền kinh tế tri thức chính là con người và ĐHKN là nơi tạo ra nguồn nhân lực, là những con người có tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp, tư duy thực tế và năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST). Quan trọng là khả năng tham gia, vận dụng tri thức, năng lực cá nhân hiệu quả góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Nguồn nhân lực là một trong những động lực cơ bản nhất của nền kinh tế tri thức, và nguồn lực trí tuệ, tri thức từ ĐHKN có khả năng tạo ra những thay vượt trội trong các hoạt động kinh tế, xã hội.

ĐHKN sẽ tạo nên sức hấp dẫn thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, từ đó lan tỏa đầu tư dựa trên giá trị của nền kinh tế tri thức.

* Theo ông thì ĐHKN sẽ thay đổi cách đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học, cao đẳng như thế nào?

- ĐHKN thay đổi cách đào tạo nguồn nhân lực không chỉ có tư duy và thực hành tốt mà còn tiếp cận những vấn đề thực tiễn của của đất nước, của thị trường, những khó khăn, trở ngại để tìm cách thích ứng hay vượt qua. Sinh viên của các trường ĐHKN là những cá nhân có kỹ năng, kiến thức, có cách tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, có tính cạnh tranh cao. Như vậy, nguồn nhân lực từ ĐHKN trước tiên phải có tinh thần khởi nghiệp, tinh thần của doanh nhân, những người dám đổi mới, dám chấp nhận rủi ro, dám chịu trách nhiệm và tinh thần phụng sự xã hội. Thứ hai là năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn, vào ĐMST, bao gồm kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, tính chuyên nghiệp trong hành nghề, khả năng làm việc nhóm, khả năng phát huy sức mạnh tập thể cùng với phát huy năng lực cá nhân trong tập thể.

b8946f5725ebf3b5aafa.jpg
a3dc56a1631db543ec0c.jpg
Station F được xem là một trong những trung tâm khởi nghiệp lớn nhất thế giới tại Paris, Pháp

* Mô hình ĐHKN ở các quốc gia phát triển mà ông có cơ hội tiếp cận đã góp phần thay đổi nền kinh tế, xã hội của các nước đó ra sao, thưa ông?

- Tôi muốn đề cập mô hình “chuỗi xoắn ba” (Triple Helix) trong ĐHKN. Khởi nghiệp, nếu nhìn trong phạm vi thành phố hoặc quốc gia, thì vai trò của các chủ thể trong “chuỗi xoắn ba” là nhà nước, viện - trường và doanh nghiệp, trong đó mô hình ĐHKN có sự tham gia tích cực, chủ động của nhà nước và doanh nghiệp trong nền kinh tế tri thức. Mô hình này với sự gắn kết hữu cơ, tương tác lẫn nhau giữa các trụ cột, trong đó lấy trung tâm là lợi ích của cộng đồng, tạo nên đầu vào rộng lớn về nguồn lực và năng lực. Cả ba trụ cột này đều phải thể hiện tâm thế khởi nghiệp, cùng nhau đổi mới, hợp tác, cùng nhau giải quyết những vấn đề ĐMST. Như vậy, khởi nghiệp có thể bắt đầu từ một trong ba trụ cột này, hoặc cả ba trụ cột. Sứ mệnh khởi nghiệp, ĐMST nhằm triển khai những chương trình phát triển kinh tế, xã hội cần có sự tham gia, hợp tác chặt chẽ của các bên.

Một số thành công “chuỗi xoắn ba” về khởi nghiệp và ĐMST có thể tham khảo, ví dụ như Singapore, một đất nước vươn lên mạnh mẽ chỉ sau vài chục năm, bí quyết đơn giản là giải quyết đúng những vấn đề của chính họ, như vấn đề nhà ở, môi trường xanh, quy hoạch sử dụng đất hiệu quả… Hay Thung lũng Silicon ở Mỹ là ví dụ điển hình cho việc phát triển một khu công nghệ cao, mang lại nguồn thu nhập rất cao, bắt đầu từ khuôn viên của Trường Đại học Standford. Họ luôn tạo cơ hội cho giáo sư, giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu, thử nghiệm những công nghệ mới phục vụ quân sự và thương mại hóa công nghệ đó, trở thành nguồn lực công nghệ có giá trị kinh tế cao, tạo nên một ngành công nghiệp tiên phong, giúp địa phương phát triển kinh tế vượt bậc. Hay việc cải tạo một khu công nghiệp cũ bên dòng sông Seine (Pháp) thành khu vực thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST là Station F tại Paris. Đó là từ một kho xưởng cũ chuyển thành một trung tâm kết nối về khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng, giáo dục tinh thần khởi nghiệp, ĐMST. Đó là trường hợp điển hình trong cải tạo đô thị, cấy ghép ĐMST vào không gian đô thị và phát huy giá trị của nó để phát triển kinh tế, xã hội.

* Ông có thể cho biết việc xây dựng mô hình ĐHKN thành công sẽ tác động thế nào đến việc quy hoạch, phát triển đô thị?

- Trong quy hoạch, phát triển đô thị cần quan tâm đến việc phát huy vai trò các trường đại học trong hệ sinh thái ĐMST của các cụm, ngành kinh tế. Quy hoạch chung TP.HCM dự kiến bố trí khu vực tập trung các trường đại học tại hướng Đông, Tây Bắc, Tây Nam và hướng Nam Thành phố. Sắp tới những điều chỉnh trong quy hoạch chung Thành phố phải lưu ý khả năng kết nối thuận lợi nguồn nhân lực từ các trường đại học với kinh tế ngành, cụm ngành nhằm tối ưu việc tương tác, di chuyển trong tổng thể các khu vực chức năng đô thị. Một trong những nguồn lực hỗ trợ cho ĐHKN là khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng đô thị, đất đai và tiện ích nhằm cải thiện, tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế tri thức phát triển.

Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, cần phát huy vai trò của hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, tăng cường kết nối hạ tầng, giao thông, khả năng tiếp cận, phát huy hiệu quả không gian ĐMST, ưu tiên xây dựng tiện ích, cơ sở hạ tầng dịch vụ nhằm phát huy tối đa khả năng tương tác gắn với các trường đại học.

* Vậy, cần cơ chế, chính sách hỗ trợ gì để xây dựng thành công ĐHKN, thưa ông?

- Theo tôi, cần phát huy vai trò tự chủ của các trường đại học mạnh mẽ hơn, trong đó cơ chế đầu tư, tham gia quản lý, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Cần điều chỉnh, bổ sung, đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ĐMST trong các viện và trường đại học. Bên cạnh đó, đầu tư, cải thiện khả năng kết nối, xây dựng và tiếp cận cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ công tác nghiên cứu của nhà trường, doanh nghiệp trong lĩnh vực ĐMST. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào khởi nghiệp, ĐMST trong nhà trường cũng như giải pháp quy hoạch, phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị hướng đến kết nối chặt chẽ giữa các viện, trường đại học với cụm, ngành kinh tế.

* Cảm ơn ông!

Một trong những nguồn lực hỗ trợ cho ĐHKN là khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng đô thị, đất đai và tiện ích nhằm cải thiện, tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế tri thức phát triển.

Lê Hạnh