Văn hóa kinh doanh: Giá trị để doanh nghiệp Việt phát triển bền vững
Ngày 25/11 tại TP.HCM, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, phối hợp cùng Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia thường niên năm 2023 với chủ đề “Văn hóa kinh doanh - Dòng chảy Phát triển và Hội nhập”. Bộ trưởng Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã tới dự và phát biểu ý kiến.
Cùng dự có nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp; Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tài; Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn; Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Văn Thuần; Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc, cùng đại điện cơ quan, ban, ngành và đông đảo doanh nghiệp.
Diễn đàn “Văn hóa kinh doanh - Dòng chảy Phát triển và Hội nhập”, là một trong những hoạt động thiết thực - ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức và tôn vinh văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp lẫn doanh nhân Việt Nam, đồng thời tạo ra sân chơi giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Diễn đàn đã khẳng định vai trò và đóng góp của văn hóa kinh doanh, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: “Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, đặc biệt trong gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế ngày càng được quan tâm, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện. Đảng và nhà nước rất chú trọng đến xây dựng văn hóa trong hoạt động kinh tế, như văn hóa trong doanh nghiệp hay văn hóa của doanh nhân, hướng tới ý thức tuân thủ pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ tổ quốc.”
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, về công tác xây dựng môi trường văn hoá nói chung, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan, để chung tay xây dựng, củng cố và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp, gắn liền với truyền thống ngàn đời dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong công tác xây dựng văn hoá doanh nghiệp, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, để triển khai Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam, và tổ chức nhiều hoạt động trong đó nổi bật là Diễn đàn văn hoá doanh nghiệp thường niên, nhằm góp phần hiện thực các chủ trương của Đảng và chính phủ, về xây dựng văn hóa và định hình bản sắc con người Việt Nam.
Phiên tọa đàm với chủ đề “Kinh doanh để làm giàu hay phụng sự xã hội?” đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của khách mời, là lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn, đại diện những tổ chức uy tín và có kinh nghiệm thực tiễn, trong nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam.
Diễn đàn có buổi tham luận đặc biệt của 2 doanh nhân. Đầu tiên là ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương, với chủ đề “Bản sắc văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp / doanh nhân Việt Nam”.
Sau đó là bài tham luận của ông Nguyễn Hữu Thái Hòa với chủ đề “Văn hóa kinh doanh thời 4.0”, trong đó đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam “hòa nhập nhưng không hòa tan”, trong bối cảnh thế giới chứng kiến cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ.
Ngoài ra, một số doanh nhân và chuyên gia khác cũng có bài phát biểu chia sẻ. Ví dụ doanh nhân Trần Văn Mười đến từ công ty nhà đất Nhân Mười.
Ông Mười chia sẻ kinh nghiệm vừa phát triển kinh doanh, vừa tích cực hoạt động xã hội cũng như góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
Phiên thảo luận đã mang lại những quan điểm đa dạng và phong phú, về bản sắc kinh doanh của doanh nhân Việt Nam. Làm giàu và phụng sự xã hội không đối lập, mà còn bổ sung - hỗ trợ lẫn nhau. Theo các diễn giả, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần cân bằng hai mục tiêu này. Như vậy, họ có thể tạo ra những giá trị bền vững cho chính mình, cho tổ chức, cho đất nước và cho thế giới.