Sách hay

“Đô thị Việt Nam đương đại”: Từ tổn thương đến chữa lành

T.Minh 26/11/2023 10:03

Sau gần 40 năm làm nghề tư vấn và thiết kế đô thị ở Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam, TS khoa học - KTS Ngô Viết Nam Sơn đã ra mắt cuốn sách đầu tay “Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại” vừa được Phanbook và NXB Dân trí liên kết ấn hành.

Sách tập hợp những bài viết khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về nhiều vấn đề của đô thị Việt Nam trong khoảng 20 năm qua.

ts-ngo-viet-nam-son-nhan-dien-_571697428727.jpg

Theo tác giả, các chữ cái đầu tiên tạo thành cụm từ CITY DESIGN là những nguyên tắc cấu thành tư tưởng thiết kế đô thị bền vững trong thế kỷ 21, gồm: Communication (Văn hóa giao tiếp và chia sẻ thông tin đa chiều), Interdisciplinary (Văn hóa hợp tác đa ngành), Teamwork (Văn hóa liên kết cộng đồng), Yin Yang (Văn hóa cân bằng lợi ích hài hòa âm dương), Direction (Văn hóa quản lý có định hướng chiến lược và kế hoạch khả thi), Environment (Văn hóa môi trường gắn với trách nhiệm xã hội), Sense of Place (Văn hóa bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc), Intelligence & Integration & International (Văn hóa khoa học, công nghệ thông minh, và hội nhập quốc tế), Growth (Văn hóa tầm nhìn trăm năm) và Network (Văn hóa liên kết vùng).

Cuốn sách gồm 2 phần. Phần 1 có chủ đề: “Không gian & Thời gian đô thị”, tác giả đã cùng người đọc nghiên cứu sâu sắc nhiều vấn đề nổi cộm trong quản lý đô thị hiện đại như bảo tồn di sản vật chất và tinh thần ở đô thị, ý tưởng và giải pháp nào cho công tác quản lý ấy với những đề xuất khả thi như xây dựng đô thị sức khỏe, đô thị di dưỡng và giáo dục, đô thị sân bay, đô thị thông minh...

Với chủ đề “Thành phố & Những hình dung”, phần 2 của sách đi sâu vào từng câu chuyện cụ thể ở các đô thị lớn trong cả nước như Ðà Nẵng, Ðà Lạt, Nha Trang, Thủ Ðức, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Mã Pì Lèng, Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ... Đây là những vấn đề thời sự “nóng” ông từng lên tiếng trên báo chí trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, được chọn đưa vào sách vì tính điển cứu (case study) và có thể là những chuyện sẽ lặp đi lặp lại như: Đầu tư nhà hát nghìn tỷ sao cho trở thành một biểu tượng đời sống tinh thần một thành phố, chuyện quy hoạch khu Hòa Bình Đà Lạt xâm hại di sản, câu chuyện hồi sinh một tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay phát triển gắn với yêu cầu bảo tồn hệ sinh thái Cần Giờ hay viễn kiến phát triển cố đô Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương.

Đây cũng là các thử thách mà những đô thị châu Á trong đó có Việt Nam phải đối diện trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa, vấn đề giữ bản sắc đô thị - nhìn nhận mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, những đe dọa đối với di sản đô thị nhìn từ quy trình xếp hạng, pháp lý và quản lý, đô thị chữa lành. Đồng thời tác giả đi sâu phân tích một số xu hướng và tư duy mới trong thiết kế, kiến trúc đô thị.

Có những bài học kinh nghiệm được ông rút ra ngay trong “thực tế gần” như Covid-19 để đề xuất xây dựng mô hình đô thị sức khỏe, đô thị chữa lành. Ở mỗi mô hình hay ý tưởng cho đô thị hiện đại đều có thể thấy cái nhìn thực tế của tác giả trong việc coi trọng vai trò tư nhân trong đầu tư, hợp tác công - tư và nhất là cần điều kiện quản lý cơ chế, chính sách năng động, cởi mở và hiểu biết.

Là người mang tâm niệm lý tưởng rằng quy hoạch đô thị là để trao cơ hội phát triển cho mọi người trong đô thị, điểm chung của các bài viết trong cuốn sách đó là, dù phản biện hay trình bày phương pháp, thì mục tiêu hướng đến vẫn là những thành phố đáng sống cho mọi người.

T.Minh