Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng giám đốc Brother Việt Nam: “Nơi làm việc lý tưởng là nơi đem lại nhiều niềm vui”
Liên tục giữ vị trí Số 1 toàn cầu trong 4 năm liền (2018-2022), máy in laser và máy in phun khổ A3 là một thành tích “đáng nể” và không thể không tự hào của Tập đoàn Brother. Để có được thành tích đó, có rất nhiều lý do mà Tổng giám đốc Brother Việt Nam Nguyễn Hoài Nam đã chia sẻ cởi mở với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn vào một ngày trung tuần tháng 11.
* Chúc mừng Tập đoàn Brother với thành tích vừa được vinh danh vị trí Số 1 toàn cầu. Là một thành viên của Tập đoàn trong ngôi nhà chung Brother, chắc hẳn ông cũng rất tự hào. Ông có thể chia sẻ về giải thưởng này và các nỗ lực mà Tập đoàn đã làm để duy trì được vị trí Số 1 nhiều năm liền này?
- Đây là giải thưởng được công bố hằng năm bởi Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dành cho các loại máy in laser và máy in phun khổ A3. Bản thân tôi và tập thể lãnh đạo, nhân viên Brother không chỉ tự hào mà còn hãnh diện. Bởi, trong những năm qua, nhất là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nền kinh tế toàn cầu vô cùng khó khăn, nhất là thị trường đầy tính cạnh tranh, nhiều xu hướng công nghệ mới liên tục ra đời nhưng Brother vẫn giữ được vị trí số 1 toàn cầu. Điều đó có thể minh chứng cho sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo và cải tiến công nghệ không ngừng của Tập đoàn.
Đặc biệt, kết quả đó còn phản ánh tính hiệu quả trong kinh doanh và chất lượng vượt trội của sản phẩm cũng như dịch vụ hậu mãi hoàn hảo trong chiến lược kinh doanh của Brother. Brother Việt Nam cũng vô cùng tự hào vì đã nỗ lực không ngừng nghỉ và đã đóng góp tích cực vào thành công chung của Tập đoàn.
* Cụ thể Brother Việt Nam đã đóng góp những gì vào thành tích chung đó, thưa ông?
- Trước hết về con người. Chúng tôi đã nhận được sự đồng hành của tập thể nhân viên tâm huyết và trách nhiệm trong nhiều năm, cùng với đó là sự ủng hộ của các nhà phân phối chuyên nghiệp và các đại lý trên cả nước. Điều này giúp Brother Việt Nam thiết lập nên kênh phân phối rất vững chắc trong thời gian qua.
Kế đến là chiến lược kinh doanh đúng đắn. Việc chọn sản phẩm phù hợp cho từng thị trường rất quan trọng. Cụ thể ở Việt Nam, do kinh tế trước đây còn khó khăn nhiều nên việc sử dụng vật tư chính hãng rất ít, người dùng thường bơm mực không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng để tiết kiệm chi phí.
Các hãng sản xuất máy in đều vận động khách hàng dùng vật tư chính hãng để bảo đảm chất lượng bản in, kéo dài tuổi thọ máy in và hạn chế ảnh hưởng môi trường. Dù có ý thức đó nhưng do giá thành chênh lệch đáng kể nên nhiều khách hàng vẫn chọn mực không rõ nguồn gốc. Chúng tôi đã thuyết phục thành công công ty mẹ hỗ trợ hộp mực chính hãng có giá mà phần đông người dùng chấp nhận được. Điều này giúp Brother Việt Nam tăng đáng kể doanh số trong các năm qua.
Sau nữa là chất lượng sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng. Brother đang được đánh giá là máy rất bền, tỷ lệ bảo hành thấp. Chúng tôi nỗ lực đẩy mạnh các dịch vụ phục vụ khách, đặc biệt chú trọng vào On-site service (bảo hành tận nơi) và đáp ứng trên 98% các ca bảo hành giải quyết trong vòng 24 giờ.
Đó là lý do các năm qua, dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và kinh tế cũng chưa thực sự phục hồi sau đó, nhưng chúng tôi may mắn vẫn giữ được tốt độ tăng trưởng ấn tượng, đóng góp đáng kể cho thành công chung của Tập đoàn. Với thành tích đó, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để lạc quan trong thời gian tới.
* Ngày 22/11 vừa qua, Brother Việt Nam ra mắt một sản phẩm mới với giá “gây sốc” cho thị trường. Phải chăng đây là một minh chứng cho sự thành công nhờ nhạy bén, linh hoạt với nhu cầu người dùng?
- Đúng là chúng tôi đã “gây sốc” cho thị trường khi đưa ra hộp mực chính hãng giá 250.000 đồng, in được 2.600 trang. Giá này có thể nói là gần bằng giá mực bơm, khách hàng giờ đây có thể yên tâm dùng mực chính hãng với chi phí thấp.
Theo thống kê thì hơn 90% khách hàng in dưới 2.600 trang mỗi tháng cho mỗi máy in, tức chi phí cho việc in ấn dưới 250.000 đồng/tháng. Đó là chi phí rất hợp lý. Có thể nói, Brother là hãng duy nhất tung ra chiến lược chi phí hợp lý như vậy tại thời điểm này.
* Xu hướng công nghệ xanh, kinh tế xanh, không phát thải ròng (Net zero) và phát triển bền vững đang là một trong những vấn đề thách thức với doanh nghiệp. Brother đang thực hiện vấn đề này thế nào, có trở ngại, khó khăn gì không, thưa ông?
- Brother là một tập đoàn tiên phong và luôn hướng tới sự phát triển bền vững từ nhiều năm trước với mục tiêu giảm 30% phát thải khí CO2 so với năm 2015, hướng đến việc xây dựng xã hội không carbon năm 2050. Giảm lượng khí thải CO2 trong khi vẫn duy trì năng suất tối đa buộc chúng tôi hạn chế sử dụng nguyên liệu và năng lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, tối đa hóa tuần hoàn tài nguyên và bảo tồn tài nguyên nhiên nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái và tác động tích cực đến đa dạng sinh học.
Cam kết của chúng tôi trong việc giảm gánh nặng lên môi trường thể hiện ở tất cả các khâu, từ thiết kế, phát triển, tái chế, sản xuất, vận chuyển, đồng thời cố gắng đưa công nghệ thân thiện với môi trường mới nhất vào sản phẩm. Việc này không chỉ thể hiện ở đổi mới trong công nghệ in ấn mà còn ở quy trình đóng gói ở các nhà máy của Brother, kết quả là cho ra đời những dòng máy in thân thiện với môi trường nhất.
* Để giảm thiểu khí thải ra môi trường, việc vận chuyển cũng là vấn đề khiến gia tăng chi phí đối với nhà sản xuất…
- Chúng tôi có kế hoạch tiết giảm từ những việc nhỏ nhất. Ví dụ, các thiết kế bao bì truyền thống thường có kích thước lớn, đòi hỏi nhiều nguyên vật liệu, chiếm nhiều không gian lưu trữ, tăng giá vận chuyển. Vì thế Brother đã thiết kế bao bì mới không chỉ nhẹ hơn, nhỏ hơn mà còn an toàn hơn. Hiện nay Brother vẫn tiếp tục giảm kích thước bao bì để nâng cao hiệu quả vận chuyển và giảm thiểu gánh nặng cho môi trường.
Chúng tôi tin rằng, phát triển bền vững không chỉ là vận hành doanh nghiệp có trách nhiệm, đó còn là cơ hội để hỗ trợ cộng đồng. Vì vậy, thay vì nghĩ đến những trở ngại hay khó khăn, Tập đoàn Brother và Brother Việt Nam nỗ lực tìm ra các giải pháp tối ưu để phục vụ khách hàng để cùng nhau xây dựng tương lai bền vững.
* Brother nằm trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong nhiều năm và vì vậy đã giữ được nhân sự. Ông có thể chia sẻ vì sao Brother Việt Nam trở thành nơi làm việc lý tưởng?
- Brother Việt Nam trở thành một trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong nhiều năm là kết quả từ những nỗ lực cải thiện các tiêu chí quan trọng về môi trường làm việc, sự hài lòng của nhân viên… Sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận cho phép chúng tôi đầu tư nhiều hơn chế độ làm việc và phúc lợi cho nhân viên.
Nhận thức rõ môi trường làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của nhân viên, tại Brother Việt Nam, chúng tôi đề cao sự sáng tạo và luôn khơi gợi sự sáng tạo của nhân viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất trong Công ty. Brother Việt Nam dành ngân sách riêng cho chương trình “Innovation Ideas” để đầu tư, khen thưởng xứng đáng cho những ý kiến sáng tạo đem lại lợi ích cho tập thể. Những cải tiến nhỏ vẫn được khuyến khích và ghi nhận thông qua đánh giá về năng lực làm việc vào cuối năm và sẽ phản ánh vào việc xếp loại tăng lương và thưởng.
Brother Việt Nam còn đặc biệt chú ý đến việc trao quyền, khuyến khích nhân viên biết cách ra quyết định và chịu trách nhiệm với công việc của mình. Không chỉ cấp lãnh đạo mà các bạn trẻ được đào tạo để chủ động tìm giải pháp tốt nhất để xử lý tình huống hơn là bị động chờ giao việc và hướng dẫn từ cấp trên. Đối với những quyết định chưa đem lại kết quả tốt, sẽ được cùng đội nhóm phân tích và rút kinh nghiệm cho lần sau. Nhân viên cảm thấy tự tin hơn và yêu thích cách làm việc này vì có thể giúp họ được học hỏi mỗi ngày để dần hoàn thiện bản thân.
* Theo ông, thế nào là môi trường làm việc lý tưởng?
- Thật khó để định nghĩa chính xác môi trường làm việc lý tưởng vì sự hiểu biết và nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Nó có thể là “lý tưởng” đối với người này nhưng chưa chắc là tốt đối với người khác. Tôi cũng không chủ trương chạy theo mô hình “lý tưởng” nào đó để làm hài lòng mọi người. Nhưng cho dù có nhiều ý kiến khác nhau về môi trường làm việc lý tưởng vẫn có những tiêu chuẩn chung. Đó là lương thưởng, phúc lợi minh bạch và thuộc nhóm khá trở lên trong ngành. Khả năng đóng góp được ghi nhận thông qua vật chất lẫn tinh thần hằng tháng, hằng quý cũng như tăng lương, thăng chức vào cuối năm.
Môi trường làm việc tốt cũng cần có tiêu chí để nhân viên không phù hợp hoặc không đủ năng lực không hứng thú làm việc lâu dài. Tôi không quá quan tâm tỉ lệ nhân viên rời bỏ Công ty mà sẽ phân tích sâu hơn về số nhân viên “phù hợp” ra đi và lý do nghỉ việc, từ đó hoàn thiện dần những điểm còn thiếu sót. Theo thời gian, tỉ lệ nhân viên “phù hợp” ngày càng được tích lũy trong khi số người “không phù hợp” ngày càng ít đi và chính những người gắn bó sẽ tạo thành bản sắc hay văn hóa Công ty.
* Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ trong việc tìm môi trường làm việc tốt?
- Tôi mong các bạn nhớ rõ điều này. Công ty càng chuyên nghiệp tạo ra môi trường thu hút và giữ chân nhân tài thì cũng rất chuyên nghiệp trong việc tạo ra tiêu chí loại bỏ những ai không đáp ứng. Không có việc công ty đãi ngộ thật tốt cho nhân viên không đóng góp được nhiều hoặc là có đóng góp chút ít nhưng gây xung đột trong tập thể. Có rất nhiều kỹ năng cần thiết phù hợp yêu cầu công việc khác nhau và văn hóa công ty khác nhau. Nhưng có một điểm chung là bạn phải làm việc nghiêm túc. Nghiêm túc với bản thân khi đi làm, nghiêm túc học hỏi yêu cầu của công việc từ công ty, nghiêm túc và tôn trọng ý kiến - kể cả sự khác biệt - của đồng nghiệp và khách hàng. Những kỹ năng khác bạn sẽ bổ sung sau khi hiểu rõ yêu cầu cần thiết từ công ty.
Ở chiều ngược lại, lời khuyên của tôi là bạn không cần phải “bán mạng” cho môi trường hay những công việc khiến bạn không có được niềm vui. Cuộc sống vốn ngắn hơn chúng ta nghĩ, thời gian dành cho công việc lại chiếm nhiều nhất trong ngày, nơi làm việc “lý tưởng” là nơi đem lại nhiều niềm vui với môi trường nhiều tình cảm, sự thân thiện, cởi mở, được học hỏi, thăng tiến và có thu nhập mà bạn chấp nhận được. Và nên nhớ, chỉ có bạn mới trả lời chính xác cho bản thân môi trường làm việc lý tưởng là như thế nào. Nhưng hãy chắc rằng bạn đã nghiêm túc và nỗ lực hết mình với công việc hiện tại trước khi đánh giá là “hết vui” và từ bỏ.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ với nhiều chiêm nghiệm.