Quốc tế

Châu Âu đang tụt lại về khám phá không gian so với Trung Quốc và Ấn Độ?

PV 23/11/2023 16:20

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mới đây thông báo, họ sẽ nối lại sứ mệnh chở hàng lên Trạm không gian quốc tế (ISS) vào năm 2028. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là mốc thời gian quá trễ, có thể khiến ESA tụt lại về khám phá vũ trụ so với Trung Quốc và Ấn Độ. Để bắt kịp hai cường quốc châu Á này, ESA cần ý chí, cũng như cam kết chính trị và kinh tế mạnh mẽ hơn.

Chính phủ Pháp, Đức, và Ý đầu tháng 11/2023 đã đồng ý chi 363 triệu USD mỗi năm, nhằm phát triển tên lửa đẩy Ariane 6. Quyết định được tất cả 22 nước thành viên ủng hộ. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào chương trình của Trung Quốc và Ấn Độ, có thể thấy hai quốc gia đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian ngắn, đặc biệt về tên lửa đẩy. Trung Quốc hiện nay có dòng tên lửa đẩy Trường Chinh được xem là hiện đại, chưa từng gặp sự cố lớn nào.

ten-lua-day-ariane-6-cua-chau-au-chuan-bi-mang-ve-tinh-len-quy-dao-anh-esa.jpg
Tên lửa đẩy Ariane 6 của châu Âu mang vệ tinh lên quỹ đạo - Ảnh: ESA

Ông Hermann Ludwig Moeller, giám đốc Viện Chính sách Vũ trụ châu Âu nói: “Hướng đi này là đúng, nhưng châu Âu cần mở rộng quy mô, và đẩy nhanh những gì đã thảo luận. Chúng ta nên có ý chí chính trị thực sự mạnh, các quốc gia phải đoàn kết để hoàn thành sứ mệnh đó. Nếu không, sẽ lùi lại xa hơn so với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.”

Trung Quốc đã hạ cánh tàu vũ trụ Chang'e-4 xuống mặt trăng vào đầu năm 2019. Cường quốc số một châu Á đang lên kế hoạch đưa phi hành gia đặt chân xuống mặt trăng trong thập kỷ này. Bắc Kinh còn muốn xây dựng một trạm nghiên cứu riêng trên hành tinh của chị Hằng.

Thế mạnh của Trung Quốc, là nguồn tài chính dồi dào. Công ty nghiên cứu vũ trụ Euroconsult tại châu Âu ước tính, đất nước tỷ dân đầu tư khoảng 12 tỷ USD vào lĩnh vực chiến lược này trong năm 2022. Cùng thời gian, Trung Quốc tiến hành 63 vụ phóng, ví dụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo và đưa người tới trạm không gian Thiên Cung. Hiện nay Trung Quốc duy trì 3 phi hành gia làm việc liên tục trên trạm Thiên Cung. Cứ 6 tháng lại đổi phi hành đoàn mới. Số lần phóng của Trung Quốc năm 2022 chỉ sau Mỹ, với 78 lần.

Quốc gia lớn thứ nhì châu Á là Ấn Độ, cũng đạt được nhiều tiến bộ với chương trình khám phá không gian Chandrayaan từ năm 2008. Tháng 8/2023, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ hạ cánh tại cực nam của mặt trăng. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Ấn Độ đặt mục tiêu đưa người lên mặt trăng vào năm 2030 và 2035. Các chuyên gia nhận định, chương trình của Ấn Độ có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc, nhưng lại tiến bộ vượt bậc trong thời gian rất ngắn. Cường quốc Nam Á có lợi thế về nền tảng công nghệ thông tin, và đội ngũ kỹ sư lành nghề đông đảo.

Ông Kai-Uwe Schrogl, giáo sư về không gian và cố vấn cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu nói với Nikkei Asia: “Ấn Độ là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên có chương trình không gian tập trung vào ứng dụng y tế từ xa, giáo dục và phát thanh truyền hình. Họ đang tăng tốc mạnh mẽ tham vọng của mình, sau khi chứng kiến Trung Quốc đạt được các bước tiến lớn.”

Hai mươi năm trước, ở châu Á chỉ có Nhật Bản đủ khả năng cạnh tranh với châu Âu về khám phá không gian. Đất nước mặt trời mọc đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Thế rồi, Nhật Bản gặp suy thoái và khủng hoảng kinh tế, nên chương trình không gian của họ chậm lại. Đây là thời điểm Trung Quốc và Ấn Độ nổi lên.

Ông Kai-Uwe Schrogl, cố vấn cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu

Cũng theo ông Schrogl, giờ đây châu Âu đã tụt lại sau cả 3 gã khổng lồ châu Á. Năm 2022, ESA chỉ có 6 lần phóng, được tiến hành theo chương trình Ariane 6, nhưng gặp một số trục trặc dẫn tới chậm trễ so với thời gian đề ra ban đầu. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa ESA và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga cũng gặp rắc rối, nhiều dự án hợp tác phải dừng giữa chừng, do căng thẳng liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Schrogl đưa ra một số quan điểm khác đáng chú ý. Ông nói: “Châu Âu thua Trung Quốc về số lượng chuyến bay vào vũ trụ và khám phá mặt trăng. Tuy nhiên, ESA vẫn dẫn đầu về hệ thống quan sát trái đất và vệ tinh dẫn đường.”

Ông Schrogl đề cập tới chương trình Copernicus và hệ thống vệ tinh viễn thám Galileo, được cho là còn chính xác hơn cả GPS của Mỹ.

Chương trình Copernicus sử dụng hàng trăm vệ tinh để quan sát trái đất. Nó phân tích dữ liệu về khí quyển, cung cấp thông tin về xả thải CO2 và chất lượng không khí. Điều này rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chương trình còn hỗ trợ khả năng giám sát hàng hải và kiểm tra biên giới, đặc biệt hữu ích trong những tình huống khẩn cấp.

Copernicus cùng với mạng lưới vệ tinh Eumetsat, đã đưa EU vượt Mỹ trong lĩnh vực quan sát không gian, đặc biệt liên quan đến dự báo thời tiết và nghiên cứu khí hậu. Ấn Độ đẩy mạnh lĩnh vực này từ những năm 1980, nhưng không sánh được với châu Âu, cả phạm vi hoạt động lẫn công nghệ. Trung Quốc thì đang tăng tốc, nhưng khoảng cách còn xa.

phong-quan-sat-trai-dat-tu-mang-luoi-ve-tinh-eumetsat-cua-chau-au-anh-spacenews.jpg
Phòng quan sát trái đất từ mạng lưới vệ tinh Eumetsat của châu Âu - Ảnh: SpaceNews

Ông Schrogl khẳng định, châu Âu ở thế yếu trong khám phá không gian. Nhưng họ vẫn thoải mái, vì dẫn đầu về quan sát trái đất từ xa. Lĩnh vực này liên quan lớn đến nhiều vấn đề, như chống biến đổi khí hậu, chống cháy rừng, quản lý tài nguyên, kiểm soát biên giới hay tích hợp với mạng điện thoại di động. Đây là các ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội tổng quát của EU.

Tuy vậy, chuyên gia Hermann Ludwig Moeller tại Viện Chính sách Vũ trụ Châu Âu cho biết, khám phá không gian và thám hiểm mặt trăng là chìa khóa cho sự phát triển trong tương lai trên hàng loạt lĩnh vực. Ví dụ khai thác tài nguyên helium-3 trên mặt trăng. Đây là nguyên tố cần thiết trong ngành công nghiệp hạt nhân. Bên cạnh đó, khám phá mặt trăng còn liên quan nhiều khía cạnh khác, như xây dựng trạm không gian ở giữa mặt trăng và trái đất. Chúng có thể đóng vai trò như trạm vũ trụ về thương mại quốc tế, du lịch hoặc nghiên cứu khoa học. Điều này mang ý nghĩa không chỉ về kinh tế, công nghệ, mà cả niềm tự hào quốc gia.

PV