Chuyện làm ăn

Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Go Global Holdings: Nhượng quyền thương hiệu là mô hình siêu xuất khẩu

Hồng Nga 16/11/2023 - 17:47

Nhượng quyền thương hiệu đóng góp rất lớn vào kinh tế quốc gia ở các nước phát triển và là mô hình siêu xuất khẩu hiện nay.

* Sau Covid-19 và trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp (DN) rất khó khăn, tuy nhiên, ngành nhượng quyền vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể như thế nào, thưa bà?

phi-van.png

- Không những tăng trưởng tốt, ngành nhượng quyền sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Có ba nguyên nhân tác động đến sự tăng trưởng của ngành.

Thứ nhất, các DN nhỏ siêu nhỏ, những người làm ăn nhỏ lẻ không đủ sức chống chịu sau thời gian đóng cửa rất lâu của Covid-19 cũng như khủng hoảng kinh tế sau đó. Điều cũng là cho thị trường hiểu đúng hơn về việc muốn tồn tại và phát triển bền vững, DN nghiệp có nền tảng, hệ thống, chuyên nghiệp. Vì vậy sau khi đóng cửa tìm hướng kinh doanh mới, các DN có xu hướng tìm kiếm những thương hiệu hoặc hệ thống lớn mạnh hơn, vững chắc hơn, chuyên nghiệp hơn để có thể làm một phần trong hệ thống đó, để giúp họ bước qua được khủng hoảng trong tương lai.

Thứ hai, trong khủng hoảng kinh tế, các tập đoàn sa thải nhân viên rất nhiều, những người bị sa thải nghĩ đến việc kinh doanh để tồn tại và có doanh thu. Với những người làm thuê chuyên nghiệp, nếu một mình phải làm mọi việc để khởi nghiệp sẽ rất khó khăn, vì vậy họ chọn nhượng quyền để khởi nghiệp.

Thứ ba, sau Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, các nhà bán nhượng quyền cũng “mở hơn”, dễ hơn với các nhà đầu tư. Trong khủng hoảng các thương hiệu nhượng quyền tạo ra các mô hình có mức đầu tư thấp, linh hoạt cho những kiểu đầu tư khác nhau như online, offline, online kiêm offline. Cách thức đầu tư cũng linh họat hơn như tự đầu tư vận hành, có thể thuê vận hành hoặc có thể chỉ cần đầu tư tài chính hoặc cũng có thể hùn với nhiều người để đầu tư.

Với những lý do trên, ngành nhượng quyền thương hiệu bùng nổ trên toàn thế giới. Mặc dù kinh tế đang khủng hoảng nhưng tốc độ đầu tư nhượng quyền năm 2023 tăng 8,9% so với năm 2022. Dự báo từ năm 2023 đến năm 2027, trung bình mỗi năm sẽ tăng 9-10% về mặt giá trị.

* Như vậy có thể nói, ngành nhượng quyền đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế trong thời điểm khó khăn hiện nay?

- Đúng vậy, nhượng quyền thương hiệu đóng góp rất lớn vào kinh tế quốc gia, đặc biệt là ở các nước phát triển. Hiện Mỹ là nước đứng đầu về nhượng quyền thương hiệu. Mỗi năm, tổng giá trị của ngành nhượng quyền của Mỹ đạt 800 tỷ USD, gần gấp đôi GDP của Việt Nam, và đóng góp khoảng 3% vào GDP của nước này. Một số nước khác như Úc, ngành nhượng quyền đóng góp ngân sách 11%, Canada 10%, Singapore 6%, Malaysia 9%.

Xuất khẩu mô hình thương hiệu là cách xuất khẩu có giá trị cao nhất vì đây là hình thức xuất khẩu trí tuệ. Với mô hình này, DN vừa thu được tiền của bên mua khi họ sử dụng sở hữu trí tuệ của mình, vừa bán được nguyên vật liệu và hàng hóa vào hệ thống của đối tác mua nhượng quyền với giá cao hơn rất nhiều so với xuất khẩu thô hay xuất khẩu sản phẩm bình thường.

nhuong-quyen-2.jpeg
Phúc Tea - thương hiệu vừa nhượng quyền ra nước ngoài

Nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài giúp DN mở rộng hệ thống kinh doanh, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu và bán được nguyên liệu ra thị trường quốc tế. Và việc thu phí nhượng quyền thương hiệu song song với việc bán được hàng hóa, sản phẩm, nguyên vật liệu cho đối tác sẽ tạo nên dòng tiền rất tốt cho DN trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.

Giá trị cao nhất khi xuất khẩu không phải là xuất sản phẩm thô, xuất tươi, chế biến sâu mà là xuất khẩu mô hình thương hiệu, là sở hữu trí tuệ của người Việt Nam ra thế giới, đưa được người sáng lập của Việt Nam ra toàn cầu.

* Cơ hội và lợi thế là vậy, các DN Việt Nam làm thế nào để có thể khai thác, thưa bà?

- Cơ hội có và giá trị mang lại từ mô hình thương hiệu rất lớn nhưng không nhiều DN Việt Nam biết khai thác. Hiện nay, nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, nền tảng chưa chuyên nghiệp, các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ.

Muốn xuất khẩu thương hiệu ra nước ngoài, các DN phải phát triển mô hình thương hiệu thật hiệu quả về mặt kinh tế, thật chuẩn chỉnh về quản trị, vận hành. Đây là một trong những điểm yếu của các DN Việt Nam hiện nay. Họ có thể phát triển tốt về mặt kinh doanh nhưng lại thiếu kỹ năng, kiến thức và khả năng đóng gói mô hình.

nhuong-quyen.jpeg
Care With Love cũng vừa nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài

* Để có thể thực hiện thành công mô hình nhượng quyền thương hiệu, bà có lời khuyên nào đối với các DN?

- Hiện các ngành mũi nhọn rất có tiềm năng như dệt may, da giày và công nghệ. Đặc biệt, ẩm thực với thế mạnh khai thác tài nguyên bản địa là một trong những ngành có tiềm năng nhất để nhượng quyền ra thế giới. Muốn nhượng quyền hiệu quả, nhà đầu tư phải hiểu rõ bản thân để chọn cách đầu tư phù hợp và sản phẩm phải có sự khác biệt, bản sắc riêng mà những thị trường khác không có. Vấn đề quan trọng không kém là các DN phải tập trung vào xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình, nền tảng quản trị.

Người mua nhượng quyền phải tập trung vào quản trị vận hành, đầu tư cho nhân sự và tìm cách phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, DN phải tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của DN nhượng quyền. Cụ thể là phải tận dụng sự hỗ trợ của đối tác trong các vấn đề về nhân sự, vận hành đến maketing và phải biết đứng trên vai người khổng lồ. Bởi mô hình chỉ là nền tảng khởi đầu, nếu nhà đầu tư hay chủ DN không có sự hỗ trợ từ đối tác và không có chiến lược phát triển của chính mình, không có năng lực thì nhiều khả năng vẫn thất bại.

Những người có ý định khởi sự kinh doanh bằng cách nhận nhượng quyền, cần thiết chọn cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân bởi 50% thành công của việc chọn cách đầu tư đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết.

* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ .

Hồng Nga